Bệnh xương khớp là một nhóm bệnh lý phổ biến và gây tàn phế cao. Ngày nay, sự già hoá dân số và áp lực công việc cao làm tăng tỷ lệ mắc bệnh xương khớp trong cộng đồng.
Nguyên nhân gây bệnh đa dạng như nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa, rối loạn miễn dịch, thói quen sinh hoạt, lao động chưa đúng, quá trình thoái hóa tự nhiên tác động không ngừng hệ xương khớp. Biểu hiện bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh nhưng hầu hết luôn có các triệu chứng đau, sưng, hạn chế vận động, biến dạng khớp và các triệu chứng toàn thân khác. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng như xét nghiệm huyết học, sinh hoá, miễn dịch, đo mật độ xương, siêu âm, Xquang, công hưởng từ khớp.
I. Đại cương bệnh lý xương khớp theo Y học cổ truyền
Theo quan điểm của Y học cổ truyền, các triệu chứng đau, sưng, hạn chế vận động khớp thuộc phạm trù chứng Tý. Tý có nghĩa là tắc nghẽn, không thông. Chứng tý biểu hiện trên lâm sàng còn tuỳ vào nguyên nhân, vị trí, các chứng trạng tạng phủ, khí huyết đi kèm.
1. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh - Ngoại nhân: Thiên nhiên luôn tồn tại 6 loại khí gồm: Phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa. Mỗi loại khí chủ thời tiết của từng mùa. Khi thời tiết trái thường, 6 thứ khí này có thể riêng rẽ hoặc kết hợp nhau trở thành tác nhân gây bệnh, gọi là lục dâm. Nguyên nhân gây bệnh xương khớp thường do phong – hàn – thấp tà xâm nhập cơ nhục, kinh mạch làm rối loạn sự vận hành của khí huyết, gây ứ đọng mà sưng, đau, tê, nặng ở chi, xương khớp. - Nội nhân: Can chủ cân, thận chủ cốt tủy, do tình chí thất điều, người già yếu, người mắc bệnh lâu ngày hay tiên thiên bất túc (bẩm sinh) làm thận tinh bị suy tổn, can huyết hư không nuôi dưỡng được kinh mạch gây đau khớp, chi thể tê bì, co duỗi hạn chế, vận động khó khăn. Can thận âm hư, mạch lạc không vinh nhuận, huyết mạch bất thông, khí huyết ngưng trệ làm sưng, biến dạng khớp. - Bất nội ngoại nhân: + Chấn thương, nhiễm trùng, nhiễm độc gây huyết ứ, khí trệ kinh lạc + Ăn uống không điều độ như uống rượu bia, thức ăn ngọt, nhiều chất béo,… thường xuyên làm đàm thấp nội sinh, tạng phủ mất điều hoà gây bít tắc kinh lạc. + Lao lực quá độ (lâu ngày) làm tổn hình, hao huyết, dẫn khí huyết, kinh lạc ứ trệ. 2. Chẩn đoán bệnh theo Y học cổ truyền Chẩn đoán bệnh theo Y học cổ truyền phải xác định được bệnh danh (chứng bệnh), bát cương (xu hướng, tính chất của bệnh), tạng phủ/kinh lạc (vị trí của bệnh), nguyên nhân (tác nhân gây bệnh) để đưa ra nguyên tắc điều trị chính xác.
II. Điều trị bệnh lý xương khớp bằng Y học cổ truyền Tuỳ theo mỗi bệnh lý xương khớp cụ thể, việc điều trị đặc hiệu bằng Y học hiện đại luôn là cần thiết để chống lại tác nhân gây bệnh, ngăn ngừa tiến triển, biến chứng của bệnh. Kết hợp Y học cổ truyền nhằm giúp giảm đau, giảm viêm hiệu quả, tối ưu hoá chức năng của khớp, cải thiện chất lượng sống người bệnh. 2.1. Nguyên tắc điều trị - Khu phong – tán hàn – trừ thấp – thanh nhiệt (loại trừ tác nhân gây bệnh) - Hành khí – Hoạt huyết - Ôn thông kinh mạch (giãn cơ, tăng lưu lượng tuần hoàn tại chỗ để kháng viêm, giảm đau) - Bổ khí huyết - Bổ Can Thận (tăng cường dinh dưỡng xương khớp, tổng trạng) Y học cổ truyền luôn chú trọng đến tổng trạng người bệnh, bệnh mới mắc hay đã lâu, tái phát nhiều lần để chọn pháp khu tà (loại trừ tác nhân gây bệnh) hay phù chính (nâng đỡ tổng trạng, bổ khí huyết) làm nguyên tắc điều trị chính. 2.2. Phương pháp điều trị 2.2.1. Phương pháp điều trị không dùng thuốc Tuỳ theo chứng bệnh, chẩn đoán bát cương, thể lâm sàng, giai đoạn bệnh để chỉ định phương pháp, thủ thuật phù hợp Dưỡng sinh - Sinh hoạt: Ngủ đủ giấc, sống phù hợp với thiên nhiên, thời tiết. - Thực dưỡng: Ăn uống đủ dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm, cân bằng âm dương - ngũ hành, phù hợp tình trạng bệnh lý. - Tập luyện: Tập luyện dưỡng sinh bao gồm các động tác vận động theo trục tự nhiên của xương khớp; áp dụng phương pháp thở và thư giãn; duy trì cân bằng âm dương, cân bằng hưng phấn và ức chế, giúp lưu thông khí huyết, kinh mạch.
- Thái độ tinh thần: Thái độ lạc quan và hiểu biết về bệnh của mình là yếu tố quan trọng trong phòng bệnh và chữa bệnh. Châm cứu Châm cứu là kích thích vào huyệt vị tạo nên phản ứng lan truyền theo đường đi của kinh mạch. Châm là dùng kim kích thích vào huyệt, tùy tình trạng bệnh để chọn thủ pháp phù hớp. Cứu là dùng sức nóng kích thích vào huyệt, thường dùng lá ngải cứu khô chế thành ngải nhung rồi làm mồi ngải hay điếu ngải để cứu. Tác động điều trị của châm cứu dựa trên cơ chế thần kinh sinh học và thể dịch, tạo tác dụng giảm đau và chống viêm. Theo Y học cổ truyền, hệ thống huyệt vị và các thủ pháp châm cứu có công năng điều hòa khí huyết, điều chỉnh các rối loạn tạng phủ, thông kinh lạc, giảm đau một cách hoàn chỉnh theo biện chứng luận trị của Y học cổ truyền. Các hình thức châm: Hào châm, ôn châm, điện châm, mãng châm, laser châm,... Cấy chỉ Là phương pháp đưa đoạn chỉ catgut (chỉ tự tiêu) vào huyệt vị nhờ đó tạo ra kích thích liên tục kéo dài (2-3 tuần), giúp kéo dài tác dụng trong một lần thực hiện. Thủy châm Là phương pháp đưa thuốc có chỉ định tiêm bắp vào huyệt. Nguyên lý này vận dụng kỹ thuật châm cứu đưa thuốc vào huyệt nhằm làm tăng diện tích kích thích, cường độ kích thích và thời gian kích thích kết hợp tác dụng của thuốc điều trị.Xoa bóp, bấm huyệt Là thủ thuật dùng ngón tay, bàn tay tác động lên các vị trí huyệt trên da, cơ, khớp để đạt mục đích điều trị và phòng bệnh. Đây là kích thích cơ học (tác động một lực nhất định) lên vùng huyệt ở da, cơ, khớp, làm thay đổi về mặt thần kinh, thể dịch qua đó đem lại hiệu quả điều trị. Ngâm thuốc Y học cổ truyền Là dùng nước sắc hoặc hãm các vị thuốc để ngâm toàn thân hoặc vùng cơ thể mục đích phòng và chữa bệnh. Theo Y học hiện đại, ngâm thuốc có tác dụng điều hòa hoạt động của hệ tuần hoàn, thần kinh, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng chuyển hoá, chống viêm, giảm đau, chống stress và điều hoà cơ thể.
Xông hơi thuốc Là phương pháp dùng hơi nước thuốc tác động vào vùng trị liệu, nhằm mục đích hành khí, hoạt huyết, khu tà, được thực hiện đối với bệnh lý cột sống. Chườm thuốc, bó thuốc Là phương pháp điều trị kết hợp liệu pháp chườm nóng cùng tác dụng của dược liệu vào các huyệt vùng trị liệu, có thể thực hiện được cả cột sống và các khớp. 2.2.2. Phương pháp dùng thuốc - Theo học thuyết Âm dương, Ngũ hành, Thiên nhân hợp nhất trong Y học cổ truyền, dược liệu dùng làm thuốc phân thành âm dược, dương dược trên cơ sở tứ tính (hàn – lạnh, nhiệt - nóng, ôn - ấm, lương – mát), ngũ vị (tân - cay, toan - chua, khổ - đắng, cam – ngọt, hàm – mặn), xu hướng tác dụng (thăng – đi lên trên, giáng – đi xuống dưới, phù – đi ra ngoài, trầm – đi vào bên trọng, xuống dưới), quy kinh (vị trí tác dụng) để tái lập cân bằng âm dương, điều hoà chức năng tạng phủ.
- Các bài thuốc điều trị được xây dựng từ các vị thuốc theo nguyên tắc Quân - Thần – Tá – Sứ; Quân là chủ dược, điều trị chủ chứng hay nguyên nhân chính, Thần là vị thuốc hỗ trợ làm tăng tác dụng của chủ dược, Tá là điều trị các triệu chứng kèm theo của bệnh chính, Sứ là điều hòa các vị thuốc lại với nhau và đưa thuốc đến nơi bị bệnh.
III. Khái quát bệnh lý xương khớp theo Y học cổ truyền 3.1. Bệnh xương khớp không có sưng, nóng, đỏ Thường gặp trong bệnh xương khớp không viêm như thoái hoá, loãng xương,… - Triệu chứng: Đau mỏi các khớp, mưa lạnh, ẩm thấp đau tăng, thường hay tái phát mỗi khi thay đổi thời tiết, đau tính chất cơ giới. + Nếu thiên về phong chứng sẽ có thêm triệu chứng như đau di chuyển các khớp, đau nhiều khớp thường là các khớp phần trên cơ thể như cổ, vai, khuỷu tay, cổ tay, bàn tay, ngón tay, đau đầu, sợ gió, rêu lưỡi trắng. + Nếu thiên về thấp chứng thêm các triệu chứng: Đau cố định tại các khớp bệnh, không di chuyển, kèm theo tê nặng mỏi là chủ yếu. + Nếu thiên về hàn chứng thì đau nhiều về đêm, trời lạnh đau tăng, chườm nóng giảm đau, đau kiểu co thắt và buốt. Pháp điều trị: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, hành khí hoạt huyết Điều trị cụ thể: Gia giảm (thêm bớt) theo biện chứng luận trị của mỗi người bệnh - Các hình thức châm, đặc biệt ôn châm, cứu: Thuỷ châm, cấy chỉ, Xoa bóp bấm huyệt; Chườm thuốc, bó thuốc, ngâm thuốc y học cổ truyền, xông hơi thuốc, Thuốc Y học cổ truyền. 3.2. Bệnh xương khớp có sưng, nóng, đỏ Thường gặp trong nhóm bệnh khớp có viêm, đợt cấp bệnh khớp mãn tính, tương ứng thể phong thấp nhiệt tý của Y học cổ truyền. Do phong thấp nhiệt hoặc phong hàn thấp xâm nhập vào cơ thể lâu ngày uất trệ hóa hỏa làm thấp nhiệt ứ trệ ở kinh lạc, các khớp gây nên đau, sưng, nóng, đỏ và co duỗi khó khăn. Triệu chứng: Khớp sưng, nóng, đỏ và đau, đau cự án (ấn vào đau tăng), ngày nhẹ đêm nặng, co duỗi vận động khó khăn, sốt, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ, nước tiểu vàng đậm. Pháp điều trị: Thanh nhiệt giải độc, sơ phong, thông lạc Điều trị cụ thể:
Gia giảm (thêm bớt) theo biện chứng luận trị của mỗi người bệnh
Châm tả, Điện châm, laser châm;
Sau khi khớp hết nóng, đỏ thì áp dụng phác đồ xoa bóp bấm huyệt, vận động khớp nhẹ nhàng, thủy châm, cấy chỉ, ngâm thuốc Y học cổ truyền,...
Thuốc Y học cổ truyền: Bài thuốc Bạch hổ quế chi thang hoặc Quế chỉ thược dược tri mẫu thang. Nếu thấp nhiệt thịnh làm dinh vệ bất hòa nên sốt, sợ gió. Thấp nhiệt ứ trệ lâu ngày hóa táo tổn thương tân dịch gây khát nước miệng khô, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác. Y học cổ truyền gọi là thấp nhiệt thương âm. Pháp điều trị như trên kèm thêm phép bổ âm sinh tân; gia thêm các vị thuốc, huyệt tương ứng như Sinh Địa, Huyền Sâm, Địa Cốt Bì, Sa Sâm, Miết Giáp, Thạch Hộc... 3.3. Bệnh xương khớp mãn tính có biến chứng teo cơ, cứng khớp, biến dạng khớp Triệu chứng: Người bệnh mắc bệnh lâu ngày, cơ nhục và các khớp đau mỏi, chỗ đau cố định, biến dạng khớp, teo cơ, dính cứng khớp, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, đau nhức toàn thân, ăn uống kém, mạch trầm nhược. Pháp điều trị: Khu phong, trừ thấp, hóa đàm thông lạc, bổ can thận, kiện tỳ Điều trị cụ thể: Gia giảm (thêm bớt) theo biện chứng luận trị của mỗi người bệnh.
Các hình thức châm cứu, thủy châm, cấy chỉ.
Xoa bóp bấm huyệt: thực hiện thủ thuật lên khớp và các tổ chức quanh khớp.
Chú ý tập vận động khớp, cải thiện tầm vận động. Đây là phương pháp chủ yếu và quyết định kết quả chữa bệnh trong giai đoạn này.
IV. Dự phòng bệnh xương khớp tái phát
- Tuân thủ điều trị đặc hiệu theo hướng dẫn - Điều trị chỉnh hình sớm các dị tật khớp, cột sống - Thực hành dưỡng sinh: Lựa chọn bài tập phù hợp duy trì sức khoẻ hệ vận động; ăn uống, sinh hoạt điều độ, phù hợp tình trạng người bệnh, giữ vóc dáng cân đối; có thái độ lạc quan và hiểu biết về bệnh của mình là điều kiện quan trọng trong phòng bệnh và chữa bệnh - Dùng thuốc: Sau khi bệnh đã ổn định có thể phòng ngừa tái phát bằng bài thuốc Độc hoạt tang ký sinh thang ở dạng trà hoặc dạng thuốc sắc để nâng cao thể trạng, bổ can thận, kiện gân cốt. Tài liệu tham khảo
Bộ Y tế (2014), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp, Quyết định số 361/QĐ-BYT ngày 25 tháng 01 năm 2014;
Bộ Y tế (2020), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo Y học cổ truyền, kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại, Quyết định số 5013/QĐ-BYT ngày 01 tháng 12 năm 2020
Bộ Y tế (2020), Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật chuyên ngành y học cổ truyền, Quyết định 5480/QĐ-BYT ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2020
Tác giả bài viết: BS Trần Thị Ngọc Thu - Khoa Y học cổ truyền