1. Cảnh báo từ những ca ngộ độc Paracetamol
Ngộ độc Paracetamol là nguyên nhân thứ hai dẫn đến việc phải điều trị ghép gan trên thế giới và đứng đầu tại Hoa Kỳ. Có khoảng 56.000 ca cấp cứu, 2600 ca nhập viện và 500 ca tử vong mỗi năm tại Hoa Kỳ, 50% trong số đó là do sử dụng sai, quá liều.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cũng đã ghi nhận trường hợp ngộ độc Paracetamol do dùng thuốc quá liều: Cụ thể bệnh nhân nữ tên Nguyễn Phương H20 tuổi do buồn chán đã uống khoảng 25 viên thuốc Tylenol 500mg (biệt dược của Paracetamol) để tự tử. Bệnh nhân được người nhà đưa vào viện với tình trạng suy đa tạng SOFA 5 điểm/Suy gan cấp. Tại đây Bệnh nhân phải tiến hành súc rửa dạ dày và lọc máu liên tục để điều trị, sau 10 ngày điều trị bệnh nhân dần cải thiện và được cho ra viện (trường hợp không kịp thời giải độc sẽ gây tổn thương gan, suy gan, lú lẫn thậm chí là hôn mê và có thể dẫn đến tử vong).
2. Nguyên nhân ngộ độc Paracetamol
Ngộ độc paracetamol là do dùng thuốc sai cách. Có hai nguyên nhân chính là dùng thuốc quá liều hoặc dùng cùng lúc nhiều loại thuốc có chứa thành phần paracetamol.
Nhiều loại thuốc như thuốc trị ho, giảm đau và hạ sốt cũng có thể đều chứa Paracetamol nên khi kết hợp các loại thuốc này với nhau, vô tình có thể sử dụng quá liều Paracetamol.
Hay việc dùng Paracetamol một lúc các đường vào cơ thể (ví dụ cho trẻ em sử dụng cả đường uống và đường đặt hậu môn Paracetamol khi sốt) cũng là nguyên nhân gây quá liều, ngộ độc.
Các đối tượng có nguy cơ ngộ độccao hơn ngay cả khi chỉ dùng với liều điều trị: Người nghiện rượu, người sử dụng thuốc lá, bệnh nhân bị bệnh gan, người suy dinh dưỡng, người cao tuổi, người đang sử dụng các thuốc: thuốc chống co giật (carbamazepine, phenobarbital, phenytoin), thuốc chống lao (isoniazid và rifampicin),...
3. Liều an toàn được khuyến cáo
Liều Paracetamol thường dùng:
- Ở người lớn từ 0,5 - 1g mỗi 4-6 giờ và không quá 4g/24 giờ.
- Với trẻ em, liều dùng được tính theo công thức 10-15mg/kg cách nhau 4-6 tiếng và không quá 50-70mg/kg/ 24 giờ.
Nếu dùng vượt qua mức an toàn này thì được xem là quá liều Paracetamol.
4. Liều gây ngộ độc Paracetamol
- Người trưởng thành uống một liều cấp >150mg/kg (hoặc >7.5g) có thể bị ngộ độc, mặc dù liều tối thiểu gây tổn thương gan có thể dao động từ 4-10g.
- Trẻ em uống liều cấp từ 120mg/kg- 150mg/kg có thể gây ngộ độc gan.
- Ở những bệnh nhân uống kéo dài mãn tính, liều >4g/ngày có thể gây ra tình trạng ngộ độc trên lâm sàng.
5. Dấu hiệu ngộ độc Paracetamol
Khi sử dụng paracetamol quá liều và bị ngộ độc Paracetamol, có thể gặp một số dấu hiệu ban đầu như buồn nôn, chán ăn, đau bụng. Các dấu hiệu ngộ độc paracetamol đầu tiên này thường xuất hiện trong vòng 24 giờ sau khi uống thuốc. Nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ nặng dần lên. Các triệu chứng ngộ độc paracetamol bao gồm:
- Buồn nôn, nôn mửa: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của ngộ độc paracetamol. Buồn nôn thường xuất hiện sớm nhất, sau đó là nôn mửa.
- Chán ăn: Bệnh nhân ngộ độc paracetamol thường cảm thấy chán ăn, không muốn ăn uống.
- Đau bụng: Đau bụng thường xuất hiện ở vùng thượng vị, sau đó có thể lan ra toàn bụng. Bạn sẽ có cảm giác bụng căng tức khi bị ngộ độc paracetamol.
- Mệt mỏi: Bệnh nhân ngộ độc paracetamol thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải, không có năng lượng để làm bất cứ điều gì.
- Vàng da: Một dấu hiệu ngộ độc paracetamol mà bạn có thể gặp chính là vàng da. Vàng da chính là triệu chứng do suy gan. Gan là cơ quan chịu trách nhiệm chuyển hóa paracetamol. Khi bị ngộ độc paracetamol, gan sẽ bị tổn thương và không thể chuyển hóa paracetamol thành các chất không độc hại. Các chất độc hại này sẽ tích tụ trong máu và gây tổn thương gan.
- Khó tiểu tiện, tiểu ra máu: Khó tiểu tiện, tiểu ra máu là dấu hiệu của suy thận. Thận là cơ quan chịu trách nhiệm đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Khi bị ngộ độc paracetamol, thận cũng có thể bị tổn thương và không thể đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể.
Co giật, lú lẫn: Đây là những dấu hiệu của tổn thương não do ngộ độc paracetamol.
6. Cách phòng ngừa ngộ độc paracetamol
- Tuân thủ hướng dẫn: Chỉ sử dụng Paracetamol đúng theo liều quy định, và hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý thay đổi liều lượng thuốc khi chưa có ý kiến từ bác sĩ điều trị.
- Tránh kết hợp các sản phẩm chứa Paracetamol: Khi kết hợp các loại thuốc với nhaubạn nên đọc kỹ thành phần của thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng tránh sử dụng quá liều Paracetamol.
- Thông báo với bác sĩ về tình trạng bệnh hiện tại: Nếu bạn có bất kỳ tình trạng y tế nào (như bị bệnh gan hoặc thận, rối loạn đông máu, động kinh,...) hãy thông báo cho bác sĩ trước khi dùng Paracetamol.
- Nếu bạn hoặc một thành viên trong gia đình bị trầm cảm và muốn tự tử: Hãy loại bỏ tất cả thuốc và các chất nguy hiểm ra khỏi nhà.
- Giữ thuốc xa tầm tay trẻ em: Việc làm này sẽ giúp phòng tránh trường hợp trẻ vô tình sử dụng Paracetamol.
- Không dùng paracetamol nếu bạn uống đồ uống có cồn.
- Nếu tự điều trị:
+ Không được sử dụng paracetamol để tự điều trị giảm đau quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi do bác sỹ hướng dẫn.
+ Không được sử dụng paracetamol cho người lớn và trẻ em để tự điều trị sốt cao (39,5 độ) kéo dài trên 3 ngày, hoặc sốt tái đi tái lại trừ khi do bác sỹ hướng dẫn.
Vì đau, sốt như vậy có thể là dấu hiệu của một bệnh lý cần được bác sỹ chẩn đoán nhanh chóng.
Nếu sau khi sử dụng paracetamol và có các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc paracetamol: tốt nhất bạn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Tài liệu tham khảo:
- Dược thư quốc gia Việt Nam năm 2022
- Paracetamol overdose in adults – Symptoms, diagnosis and treatment | BMJ Best Practice. (2024). Bmj.com.
- https://bestpractice.bmj.com/topics/en-gb/3000110