Các bệnh phổi mạn tính, như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn, giãn phế quản và xơ phổi là những tình trạng dễ bị tổn thương trước các bệnh lý đường hô hấp do virus, đặc biệt là cúm. Vắc xin cúm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của nhóm bệnh nhân này, giúp giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và tử vong.
Tại sao bệnh nhân phổi mạn tính dễ bị ảnh hưởng bởi cúm?
Hệ hô hấp của bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính thường bị suy yếu, với chức năng thông khí và khả năng tự bảo vệ trước các tác nhân bên ngoài bị giảm sút. Virus cúm không chỉ gây viêm đường hô hấp mà còn làm tăng nguy cơ bùng phát đợt cấp ở bệnh mạn tính, đặc biệt COPD và hen suyễn. Ngoài ra, bệnh cúm còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát, chẳng hạn như viêm phổi do vi khuẩn.
Lợi ích của việc tiêm vắc xin cúm
* Giảm nguy cơ có đợt cấp Vắc xin cúm giúp giảm nguy cơ bùng phát các đợt cấp của bệnh phổi mạn tính. Các đợt cấp không chỉ làm suy giảm chức năng phổi lâu dài mà con làm tăng nguy cơ nhập viện và tử vong. * Ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng Ở bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, cúm có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp cấp hoặc viêm phổi. Việc tiêm vắc xin cúm hàng năm làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các biến chứng này * Giảm gánh nặng y tế Bằng cách ngăn ngừa nhiễm cúm và các biến chứng, vắc xin cúm giúp giảm số lần nhập viện, chi phí điều trị, và gánh nặng cho hệ thống y tế.
Thời điểm và đối tượng cần tiêm vắc xin cúm
Thởi điểm tiêm: Nên tiêm trước mùa cúm, thường là vào đầu mùa thu.
Đối tượng cần tiêm: Tất cả bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính, đặc biệt là người trên 65 tuổi, người có bệnh nền khác như đái tháo đường, suy tim.
Những lưu ý khi tiêm vắc xin cúm
Vắc xin cúm cần được tiêm hằng năm vì các chủng virus cúm liên tục thay đổi
Những bệnh nhân có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với vắc xin hoặc thành phần của vắc xin nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm.
Tác giả bài viết: BS. Nguyễn Thanh Lâm Khoa khám bệnh - BVĐK Tỉnh Quảng trị