Bệnh Zona là bệnh nhiễm trùng da với biểu hiện là các mụn nước, bọng nước tập trung thành đám, thành chùm trên nền ban đỏ, dọc theo đường phân bố của thần kinh ngoại biên, thường ở một bên cơ thể kèm theo cảm giác đau rát kiểu tổn thương thần kinh cảm giác.
Bệnh do sự tái hoạt của virus Varicella Zoster (VZV) tiềm ẩn ở rễ thần kinh cảm giác cạnh cột sống.
Đối tượng: Bệnh hay gặp ở những người già, những người suy giảm miễn dịch, đặc biệt ở người nhiễm HIV/AIDS.
Di chứng đau sau Zona vẫn là một vấn đề đối với sức khỏe cộng đồng vì nó gây suy giảm về chất lượng cuộc sống bệnh nhân, cũng như gia tăng chi phí y tế và xã hội liên quan đến bệnh zona.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh Zona
Bệnh thuỷ đậu và zona gây nên do cùng một loại virus là Herpes Virus Varicellae, còn gọi là Varicella Zoster Virus (VZV).
Thuỷ đậu là nhiễm VZV tiên phát và nhiễm virus huyết, sau đó virus không bị tiêu diệt mà nằm ngủ ở hạch thần kinh cảm giác. Còn Zona là do tái hoạt tính VZV khi bị suy giảm miễn dịch nhất thời hoặc do tác động khác làm cho virus trở nên hoạt động như nhiễm HIV/AIDS, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (thuốc chống ung thư, thuốc chống thải mảnh ghép, corticosteroids), người già yếu…
3. Triệu chứng của bệnh Zona
* Giai đoạn tiền triệu
Bệnh nhân cảm thấy đau (đau như bị dao đâm, đau nhói, đau giật, đau xuyên sâu vào trong, đau nhức), đau nhạy cảm, dị cảm ở vùng da trước khi xuất hiện thương tổn 2 – 3 ngày.
Triệu chứng toàn thân giống như cúm: sốt, nhức đầu, mệt mỏi.
Một số trường hợp có tổn thương thần kinh nhưng không có tổn thương da.
Lưu ý: Có trường hợp bệnh nhân bị đau bụng, đau ngực trước khi nổi mụn nước và có thể bị chẩn đoán nhầm đau bụng ngoại khoa hay đau tim. * Giai đoạn hoạt động
Thương tổn ban đầu: nổi sẩn, sau đó nhanh chóng thành mụn nước hay bọng nước, sau 4 – 5 ngày thành mụn mủ và sau 7 – 10 ngày đóng vảy tiết. Các thương tổn mới tiếp tục xuất hiện trong khoảng 1 tuần tiếp theo. Thương tổn trên nền da đỏ, phù nề, giữa là mụn nước, đôi khi xuất huyết thường ở một bên cơ thể và theo khúc bì da, có thể hai hoặc nhiều khúc bì da liền nhau bị tổn thương, ít khi bị thương tổn cách xa nhau. Như vậy, từ lúc xuất hiện thương tổn đến lúc diễn biến bệnh khoảng 3 – 4 tuần. Đối với trẻ em và những người trẻ tuổi sẽ nhanh khỏi bệnh nhanh hơn, người lớn tuổi sẽ khỏi bệnh chậm hơn.
Tỷ lệ lây lan qua đường máu gặp khoảng 10%, các thương tổn da lan rộng xa so với tổn thương ban đầu và có những mụn nước rải rác khắp cơ thể.
Vị trí: Vùng ngực, đầu, mặt, cổ và vùng mông đùi. Cũng có thể khu trú ở vùng niêm mạc miệng, sinh dục, bàng quang. Hạch lân cận có thể sưng to và đau.
Các dây thần kinh cảm giác và vận động có thể bị tổn thương làm ảnh hưởng cảm giác đau, nóng lạnh, xúc giác, có thể liệt mặt. Mắt cũng có thể viêm giác mạc, gây sẹo giác mạc làm ảnh hưởng thị giác, kết mạc, viêm màng bồ đào, viêm võng mạc…
Thông thường zona không để lại sẹo, tuy nhiên ở người già, người bị suy dinh dưỡng có thể các thương tổn hoại tử và để lại sẹo xấu. Trên bệnh nhân HIV/AIDS bệnh kéo dài và lâu khỏi hơn. * Giai đoạn hoạt động
Giai đoạn mạn tính hay đau sau zona: Sau khi khỏi các tổn thương da, bệnh nhân có thể đau trong một thời gian. Đau sau zona được cho là sau hơn 1 tháng kể từ khi bị bệnh, một số tác giả cho là sau 3 tháng. Tỷ lệ đau sẽ cao hơn ở những người trên 40 tuổi, đặc biệt là đối với zona vùng mặt.
4. Biến chứng có thể gặp
Các biến chứng bệnh nhân có thể gặp sau khi mắc zona: Bội nhiễm gây loét, hoại tử để lại sẹo; Liệt nửa mặt, viêm võng mạc trên bệnh nhân zona mắt; Viêm màng não có thể gặp ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch bị zona lan tỏa.
5. Cách điều trị bệnh zona
Sử dụng thuốc kháng virus; Thuốc giảm đau:đối với bệnh nhân đau nhẹ, sử dụng thuốc kháng viêm không steroids, acetaminophen; Đối với bệnh nhân đau trung bình - nặng: thuốc giảm đau ngoại biên kết hợp giảm đau trung ương
Điều trị biến chứng:
+ Với tình trạng bội nhiễm, bệnh nhân cần được chăm sóc tại chỗ kết hợp kháng sinh
+ Đau sau zona: Pregabalin, Gabapentin, miếng dán Lidocain, kem Capsaicin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, giảm đau Opioids.
6. Phòng bệnh
Phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh thuỷ đậu, để giảm mức độ nặng của bệnh và có hiệu quả phòng zona.
Có 2 loại vắc-xin phòng bệnh zona đang có hiện nay:
+ Vắc-xin glycoprotein E tái tổ hợp (Shingrix). Shingrix giảm nguy cơ mắc zona lên đến 97.2% và giảm tỉ lệ đau sau zona nếu mắc. Sau 4 năm, hiệu quả này vẫn duy trì ở mức trên 85, Shingrix dùng được trên cả bệnh nhân suy giảm miễn dịch, ghép tạng.
+ Vắc-xin sống giảm độc lực (Zostavax). Zostavax chống chỉ định dùng trên những đối tượng suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai và tiền sử dị ứng với gelatin/neomycin.
Các vắc-xin phòng zona được đánh giá là an toàn. Tỉ lệ tác dụng phụ, phản ứng toàn thân, tỉ lệ nhập viện và tử vong là tương đương với nhóm giả dược. Hiện nay, CDC khuyến cáo dùng Shingrix (vắc-xin tái tổ hợp) cho người lớn trên 50 tuổi, tiêm 2 liều cách nhau 2-6 tháng bất kể đã mắc zona trước đây hay chưa. Zostavax (vắc-xin sống giảm độc lực) không còn được sử dụng ở Hoa Kì (2020) nhưng vẫn được dùng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới.
Tác giả bài viết: BS. Lê Hồ Hương Giang - Khoa Da liễu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị