tin tuc

Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị

Chủ nhật - 30/03/2025 20:58
I. Sắt là gì?
Sắt là một trong những yếu tố cần thiết cho sự tạo máu. Sắt có trong tất cả các tế bào, với nhiều chức năng khác nhau. Thiếu sắt sẽ không tổng hợp đủ hemoglobin gây ra tình trạng thiếu máu. Thiếu máu do thiếu sắt là bệnh thiếu dinh dưỡng hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 2 tuổi .
Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em là hiện tượng lượng sắt trong cơ thể không đủ để tổng hợp Hemoglobin. Theo thống kê của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, năm 2008 Việt Nam có khoảng 30% trẻ nhỏ mắc căn bệnh này.
II. Nguyên nhân khiến trẻ thiếu máu thiếu sắt
1. Cung cấp thiếu sắt
  • Thiếu sữa mẹ, trẻ được nuôi bằng sữa bò (trong sữa mẹ và sữa bò đều chứa khoảng 0,5-1,5 mg/l, nhưng khả năng hấp thu sắt ở sữa mẹ là 49% , sữa bò hấp thu sắt chỉ 10%)
  • Trẻ suy dinh dưỡng
  • Thiếu thức ăn nguồn động vật, ăn bột kéo dài
  • Trẻ đẻ non, sinh đôi, trẻ thấp cân được cung cấp ít sắt trong thời kỳ bào thai
2. Hấp thu sắt kém
  • Tiêu chảy kéo dài
  • Dị dạng đường tiêu hóa
  • Hội chứng kém hấp thu
3. Nhu cầu sắt cao
  • Giai đoạn cơ thể phát triển nhanh như: trẻ dưới 1 tuổi, trẻ đẻ thấp cân, sinh đôi, thời kỳ dậy thì
  • Bệnh tim bẩm sinh có tím
4. Mất máu
  • Chảy máu đường tiêu hóa : có thể mất máu vi thể hay đại thể, cấp tính hay mãn tính, như giãn tĩnh mạch thực quản, thoát vị thực quản, loét dạ dày tá tràng, u cơ trơn, viêm hỗng tràng, túi thừa Meckel, ruột đôi, polyp ruột, viêm đại tràng, trĩ, giãn tĩnh mạch ruột, viêm ruột xuất tiết, sa trực tràng, chảy máu đường mật , giun móc, lỵ amip.
  • Chảy máu mũi tái diễn
  • Các bệnh chảy máu bẩm sinh : Hemophilia, Von Willebrand
  • Mất máu từ thận: Đái máu do chấn thương, hội chứng thận hư.
III. Thiếu máu gây nên hậu quả gì cho trẻ ?
Thiếu máu có hiện tượng giảm số lượng hồng cầu hoặc số lượng hemoglobin gây giảm nồng độ oxy trong máu. Nhưng thiếu máu không làm giảm mức độ tiêu thụ oxy trong cơ thể. Vì vậy, để bù đắp lại hiện tượng thiếu oxy, cơ thể đã điều chỉnh bằng cách:
1 . Tăng cung lượng tim:
Tim đập nhanh hơn, tăng sức co bóp của tim, tốc độ tuần hoàn tăng do máu loãng và độ nhớt giảm, sự bù đắp này có thể đủ khi nghỉ ngơi. Nhưng khi gắng sức, người bệnh sẽ thấy ngực đập nhanh hơn, khó thở và rất mệt. Nhờ sự thích nghi của cơ thể do tăng cung lượng tim nên với mức độ thiếu máu nhẹ, người bệnh có thể bỏ qua, không đi khám bệnh.
2. Tăng cường hô hấp
Trung tâm hô hấp bị kích thích làm tăng nhịp thở, cố gắng duy trì lượng oxy máu gần mức bình thường.
3. Tăng tận dụng oxy ở tổ chức
Bình thường chỉ số sử dụng oxy chung cho toàn cơ thể là 0,3. Khi thiếu máu chỉ số này tăng tới 0,85. Tim, não, cơ là những cơ quan sử dụng oxy nhiều nhất, nên khi thiếu máu thì các cơ quan này ảnh hưởng nhiều, dễ xuất hiện những dấu hiệu: nhức đầu, đau ngực , choáng váng, mỏi cơ, chuột rút…
4. Tủy xương phản ứng tăng cường tạo hồng cầu
Đây là cơ chế thích ứng lâu dài và có tác dụng tích cực nhất, phần tủy đỏ tăng sinh lan tràn cả sang phần tủy xám để sinh hồng cầu. Quá trình tái tạo biểu hiện bởi sự xuất hiện nhiều hồng cầu lưới trong máu ngoại biên.
Thiếu máu thiếu sắt là thiếu sắt để tạo nên huyết sắc tố, biểu hiện đầu tiên, sớm nhất là ferrittin huyết thanh giảm, dẫn đến giảm sắt dự trữ, tỷ lệ transferin tăng biểu thị bằng tăng khả năng toàn phần cố định transferin. Sau nữa là sắt huyết thanh giảm: hệ số bảo hòa siderophylin giảm. Nếu nhuộm Perls (nhuộm sắt) ở tủy xương sẽ thấy mất các nguyên bào sắt (sideroblast).
Sau một thời gian dài thiếu sắt, thiếu máu sẽ xuất hiện với hồng cầu nhỏ rồi hồng cầu nhược sắc là thành phần chủ yếu của hem nên khi thiếu sẽ đẫn đến giảm tổng hợp Hb và làm tăng số lượng phân bào hồng cầu non. Kết quả là sản sinh ra các hồng cầu nhỏ với lúc đầu là số lượng hồng cầu đếm được bình thường.
IV. Dấu hiệu lâm sàng “tố” trẻ đang bị thiếu máu do thiếu sắt


Các triệu chứng lâm sàng xuất hiện từ từ, tùy thuộc vào mức độ thiếu sắt. Giai đoạn khởi phát không có dấu hiệu lâm sàng, chỉ thay đổi trên kết quả xét nghiệm. Giai đoạn toàn phát có những biểu hiện sau:
  • Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, nhất là vùng lòng bàn tay, lòng bàn chân. Trẻ mệt mỏi, kém tập trung, hoạt động chậm chạp, hay chống mặt, ù tai. Ở trẻ nhỏ thường quấy khóc, ngủ ít. Thiếu máu kéo dài làm móng tay, móng chân nhợt, lõm có khía, dễ gãy. Tóc bạc màu, dễ rụng. Có thể phù do suy dinh dưỡng.
  • Tiêu hóa: Chán ăn, lưỡi bị viêm, mất gai gây khó nuốt, rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, viêm ruột xuất tiết, giảm hấp thu ở ruột do teo một phần niêm mạc ruột, lách lớn.
  • Tim mạch: Nhịp tim nhanh, tiếng thổi tâm thu nhẹ ở gian sườn 3 – 4 cạnh bờ trái xương ức, không lan, thay đổi theo tư thế, mạch nhanh nẩy mạnh, suy tim.
  • Cơ xương khớp: giảm trương lực cơ, chậm biết ngồi, chậm biết đứng, đi. Bắp thịt nhão, bụng chướng.
V. Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em
Trẻ thiếu máu hầu như không có biểu hiện rõ ràng. Vì vậy cách chẩn đoán chính xác căn bệnh này là cho trẻ đi khám định kỳ.
Việc chẩn đoán sẽ được bắt đầu từ thăm hỏi tiền sử bệnh lý, dấu hiệu lâm sàng. Sau đó là các xét nghiệm như:
  • Hồng cầu: số lượng giảm. Hình thái hồng cầu nhỏ, nhược sắc.
  • Hemoglobin: giảm
  • Các chỉ số hồng cầu: MCV, MCH, MCHC.
  • Sắt huyết thanh: giảm, dưới 9 micromol/l.
  • Thụ thể Transferrin huyết thanh: Tăng trên 350 microgam/ 100 ml.
  • Ferritin huyết thanh: Phản ánh dự trữ sắt trong cơ thể, nếu thiếu máu thiếu sắt thường giảm, dưới 12 ng/ml.
VI. Điều trị thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em thế nào?
Khi bị thiếu máu do thiếu sắt, trẻ nhỏ sẽ được chỉ định điều trị sớm. Trên thực tế việc điều trị thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em khá đơn giản và hiệu quả. Cụ thể:
  • Nguyên tắc điều trị
  • Điều chỉnh và tăng cường dinh dưỡng
  • Bổ sung sắt
  • Điều trị nguyên nhân chính
  • Điều trị cụ thể
Dinh dưỡng
  • Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
  • Thức ăn bổ sung: cung cấp sắt từ nguồn thức ăn động vật và thực vật như thịt, cá, trứng, đậu nành.
  • Tăng cường các thức ăn làm tăng hấp thu sắt như các thức ăn giàu vitamin C: chanh, cà chua, cam, quýt.
Bổ sung sắt
  • 4 – 6 mg nguyên tố Fe/ kg/ ngày.
  • Sulfat sắt 20 mg/ kg/ ngày (100 mg Sulfat sắt có 20 mg Fe).
  • Gluconat sắt : 40 mg/ kg/ ngày ( 100 mg Gluconat sắt có 11 mg Fe). Chia 2 -3 lần , uống giữa 2 bữa ăn. Thời gian điều trị: Liên tục 4-6 tuần, sau đó điều trị thêm 3 tháng sau khi Hb về bình thường.
  • Bổ sung sắt bằng đường tiêm: được chỉ định trong các trường hợp sau :
          Trẻ không chịu uống chế phẩm sắt
          Trẻ có hội chứng kém hấp thu
          Viêm ruột nặng
          Chảy máu mãn tính di truyền
Truyền máu
Nếu trẻ thiếu máu nặng, Hb < 5 g%, cần phục hồi nhanh lượng Hb. Hồng cầu khối 2-3 ml/kg/ ngày.
Điều trị bệnh chính
  • Điều trị các nguyên nhân gây thiếu sắt, chú ý các bệnh rối loạn tiêu hóa mãn tính gây giảm hấp thu và các bệnh gây chảy máu mãn tính làm mất nhiều sắt.
  • Đối với trẻ dưới 5 tuổi: đánh giá chế độ ăn và hướng bà mẹ cách cho ăn theo ô vuông dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi.
  • Đối với trẻ trên 2 tuổi : cho sổ giun mỗi 6 tháng. Uống thuốc sổ giun: Menbendazol 100 mg x 2 viên/ngày trong  3 ngày .
VII. Cách phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em
Trẻ thiếu máu thiếu sắt có thể phòng ngừa, hạn chế tác động tiêu cực đến sức khỏe bằng cách làm sau:
  • Phòng bệnh ngay trong thời kỳ bào thai: mẹ mang thai từ tháng thứ 6 uống 2 viên sắt/ ngày trong 3 tháng .
  • Đối với trẻ sơ sinh đủ tháng, đủ cân: nên cho bú trong 6 tháng đầu, sau đó cho ăn dặm theo ô vuông dinh dưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới. Tránh uống sữa ngọt đặc và tránh ăn chế độ toàn bột.
  • Đối với trẻ sinh non, sinh đôi: từ tháng thứ hai cho uống siro Sulfate Fe 20 mg/ kg/ ngày.
  • Trẻ trên 2 tuổi: Bổ sung thức ăn chứa sắt, tăng lượng protein từ động vật.
  • Sổ giun định kỳ cho mỗi 6- 12 tháng .
Hầu hết trường hợp, thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em đều có thể cải thiện bằng việc bổ sung sắt hàng ngày. Để quá trình này đạt được hiệu quả mẹ đừng quên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và cách dùng cho phép. Tránh lạm dụng gây ngộ độc sắt, đe dọa đến tính mạng bé.


 

Tác giả bài viết: BsCKI. Nguyễn Thị Khánh Linh, Khoa Nhi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây