tin tuc

Vai trò y học cổ truyền trong chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư

Thứ năm - 20/03/2025 23:32
Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào, thuộc chứng nan y. Mặc dù y học hiện đại đã có nhiều thành tựu trong chẩn đoán và điều trị nhưng tỷ lệ mắc và tử vong vì bệnh vẫn còn rất cao.
Việc điều trị bệnh Ung thư có đáp ng tốt hay không là tùy thuộc vào giai đoạn bệnh được chẩn đoán sớm hay muộn và đúng phương pháp điều trị hay không.
 Các biện pháp điều trị bệnh ung thư chính hiện nay là phẫu thuật, xạ trị, hóa chất hoặc điều trị đích… Tùy thuộc từng bệnh, được sử dụng riêng lẻ hoặc phối hợp cùng các phương pháp điều trị khác với mục đích chữa trị Ung thư hoặc làm giảm các triệu chứng Ung thư.
Do bản chất của các phương pháp điều trị, bệnh nhân thường gặp phải suy giảm chất lượng cuộc sống trầm trọng do những tác dụng phụ đáng kể như: Suy nhược, mệt mỏi, mất ngủ, buồn nôn, nôn mửa và chán ăn. Điều này đã khiến các bệnh nhân Ung thư tìm kiếm sự hỗ trợ thêm thông qua các phương pháp thay thế và bổ sung nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.
Các phương pháp này được biết với tên gọi Các phương pháp không dùng thuốc của Y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, chườm ngãi, thủy trị liệu (xông hơi thuốc, ngâm tắm thảo được)
Vai trò của y học cổ truyền trong chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân Ung thư
Nghiên cứu cho thấy Y học cổ truyền cũng đã góp phần rất tích cực trong việc hỗ trợ điều trị toàn diện, mang đến những hiệu quả mới, hỗ trợ hữu ích giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và giảm thiểu tác dụng phụ từ quá trình trị liệu Ung thư.
Hỗ trợ kiểm soát triệu chứng bệnh: Cải thiện chứng mệt mỏi; Cải thiện tình trạng suy nhược; Giảm đau và vác triệu chứng khác của bệnh; Nâng cao tổng trạng sức khỏe; Cải thiện chất lượng cuộc sống; Giảm nhẹ tác dụng phụ; Hỗ trợ điều trị sau phẩu thuật; Giảm tác dụng phụ Hóa trị, Xạ trị (tiêu hóa kém, nóng trong người, ngứa-phát ban, khó ngủ, người mệt mỏi…).
Các phương pháp điều trị
1. Châm cứu
Ước chừng có khoảng 70 % bệnh nhân ung thư mắc phải loại Ung thư có liên quan đến đau. Cảm giác đau là một trong những triệu chứng khủng khiếp nhất đối với bệnh nhân và cần phải điều trị trong quá trình bệnh lý của họ. Khi châm cứu nhiều chất giảm đau thần kinh opioid nội sinh được phóng thích ra khi như: Endorphins, dynorphin, endomorphins, orphanin FQ,... Bên cạnh đó các kích thích châm cứu sẽ ức chế tín hiệu đau dẫn truyền theo sợi C và Aδ (typ III) gây nên tác dụng giảm đau theo tiết đoạn thần kinh ở vùng đau cần điều trị. Châm cứu không thể thay thế thuốc giảm đau, nhưng có thể giúp giảm lượng thuốc giảm đau cần thiết qua đó giảm được một số tác dụng phụ của những thuốc giảm đau đó.
Nghiên cứu cho thấy ngoài tác dụng giảm đau, châm cứu cũng có tác dụng giúp điều hòa khí huyết. Từ đó, tác động vào hệ miễn dịch giúp tăng sức đề kháng, giúp ích cho việc phòng hoặc giảm đi các biến chứng của ung thư như: Mệt mỏi liên quan đến ung thư; Buồn nôn do hóa trị; Trầm cảm và lo lắng; Rối loạn giấc ngủ; Bệnh lý thần kinh ngoại biên do hóa trị liệu (tê bì, ngứa tay chân); Suy giảm chức năng miễn dịch.
 Châm cứu điều trị giảm đau cho bệnh nhân ung thư
2. Xoa bóp bấm huyệt
Xoa bóp, bấm huyệt là một kích thích cơ học, trực tiếp tác động vào da thịt, thần kinh, mạch máu và các cơ quan cảm thụ gây nên những thay đổi về thần kinh, thể dịch, nội tiết. Qua đó, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thần kinh. Đây là phương pháp thường được Đông y dùng phối hợp nhuần nhuyễn với châm cứu trong phòng và chữa bệnh, nâng cao sức khỏe.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh xoa bóp bấm huyệt các huyệt vị đúng kỹ thuật, sẽ kích thích các đầu dây thần kinh hưng phấn, thúc đẩy hoạt động của thần kinh và các tuyến nội tiết, khiến tinh thần minh mẫn, làm chậm quá trình giảm trí nhớ ở người cao tuổi. Thường xuyên xoa bóp sẽ làm mạch máu giãn ra, lượng máu lưu thông tăng, cải thiện trạng thái dinh dưỡng cục bộ, tăng tính đàn hồi cho mạch máu dưới da, có tác dụng chữa trị hữu hiệu các chứng đau đầu, chóng mặt, mất ngủ do suy nhược thần kinh.
3. Ngâm chân thảo dược
Ngâm chân thảo dược là phương pháp đã được sử dụng từ lâu trong Đông y để trị liệu cũng như giúp cân bằng và thư giãn cơ thể.
Theo Đông y ở bàn chân có nhiều huyệt đạo quan trọng và nhiều đường kinh xuất phát cũng như đi qua vùng chân, bàn chân  là quy chiếu của toàn bộ cơ quan toàn thân, do đó tác dụng lên vùng bàn chân sẽ có tác động lên toàn bộ cơ thể.
Phương pháp này sử dụng các loại thảo dược được nấu thành dạng cao nước để chiết xuất hết các hoạt chất tự nhiên. Cao thảo dược sẽ được hòa với một lượng nước ấm nhất định để ngâm chân. Trong quá trình ngâm chân, kết hợp việc xoa bóp, ấn vào các vị trí huyệt đạo giúp cho các hoạt chất tự nhiên dễ dàng hấp thu và chuyển hóa, có tác dụng kích thích hệ tuần hoàn, tiêu hoá, thần kinh, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng chuyển hoá, chống viêm, tinh thần minh mẫn thư giãn và điều hoà cơ thể. Đặc biệt ngâm thuốc giải phóng cho cơ thể khỏi những cơn đau do co gân cơ, cứng khớp, nâng cao sức đề kháng.
    Ngâm chân thảo dược-liệu pháp giúp cân bằng và thư giãn cơ thể
4. Xông hơi thuốc – Chườm thảo dược y học cổ truyền:
Xông hơi thuốc, Chườm thảo dược là phương pháp nằm trong phép chữa ngoài của Đông y, thường dùng các thuốc có tinh dầu tác dụng khu phong, tán hàn, trừ thấp, hoạt huyết, tiêu viêm, lưu thông kinh lạc…tác động lên vùng cơ bị co thắt, gây giãn cơ, mền khớp, giảm đau. Đồng thời mạng lại cảm giác thư thái về tinh thần, cải thiện giấc ngủ.
Xông hơi thuốc - chườm thảo dược y học cổ truyền
Y học cổ truyền có thể là một phần quan trọng trong việc chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư, đặc biệt trong việc giảm đau, hỗ trợ tinh thần và giảm các tác dụng phụ của các phương pháp điều trị hiện đại. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại cần được thực hiện một cách khoa học và có sự giám sát của bác sĩ chuyên môn.

Tác giả bài viết: Bs Trần Đình Hải - Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện tỉnh Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây