tin tuc

Hẹp bao quy đầu: bệnh lý thường gặp, cách nhận biết và xử trí như thế nào cho đúng?

Thứ tư - 22/01/2025 21:02
Hẹp bao quy đầu (phimosis) là một tình trạng thường gặp, nhất là ở trẻ nhỏ. Đây là mối bận tâm lớn của nhiều bậc phụ huynh. Hiện nay, hẹp bao quy đầu thường được chẩn đoán dễ dãi bởi các bác sĩ không chuyên khoa, không phân biệt được hẹp bao quy đầu sinh lý và bệnh lý, dẫn đến chỉ định điều trị không đúng đắn tạo ra những hệ luỵ cho trẻ sau này. Bài viết này nhằm cung cấp cho mọi người thông tin về cách nhận biết và những phương pháp xử lý đối với bệnh lý hẹp bao quy đầu.
1. Bao quy đầu là gì?
Bao quy đầu có mặt ngoài là da và mặt trong là niêm mạc, bao quanh và che chở cho quy đầu (phần đầu của dương vật). Bao quy đầu che chở quy đầu và giữ cho nó được mềm mại, ấm, ẩm và nhạy cảm.
Niêm mạc quy đầu có những tuyến tiết ra chất nhờn, khi tích tụ sẽ tạo ra một lớp bựa sinh dục màu trắng nằm giữa quy đầu và da quy đầu. Quy đầu nhạy với kích thích tình dục và cần thiết cho hoạt động tình dục bình thường.
Dương vật và quy đầu tự nhiên đều sạch. Tuy vậy, dương vật cũng là nơi mà các vi khuẩn bên ngoài có thể xâm nhập vào.
2. Như thế nào gọi là hẹp bao quy đầu?
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Hẹp bao quy đầu là tình trạng da bao quy đầu không thể tuột lên hoàn toàn khỏi quy đầu. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ bao gồm hẹp bao quy đầu sinh lý và hẹp bao quy đầu bệnh lý, việc phân biệt 2 tình trạng này cần phải khám bác sĩ chuyên khoa.
- Hẹp bao quy đầu sinh lý: Bao quy đầu không tuột trong suốt của quá trình phát triển sinh lý bình thường. Có khoảng 80% trường hợp hẹp bao quy đầu có thể tự khỏi khi lớn lên và không cần xử trí trước 6 tuổi. Trong các trường hợp này, bao quy đầu được coi là bình thường hay còn gọi là hẹp bao quy đầu sinh lý. Ở tuổi lớn hơn, nếu bao quy đầu vẫn còn hẹp, tức là hẹp thật sự hay hẹp bệnh lý thì cần phải xử trí.
- Hẹp bao quy đầu bệnh lý: Đây là trường hợp xảy ra do các bệnh lý như bệnh sừng hóa gây xơ teo bao quy đầu, viêm quy đầu bạch sản xơ hóa, sẹo do dùng sức để tuột bao quy đầu lên trước đó…
- Nghẹt bao quy đầu: Là tình trạng bao quy đầu tuột lên trên quy đầu một cách khó khăn và bị nghẹt, không thể đưa về lại vị trí bình thường được. Bao quy đầu tạo thành một vòng thắt siết chặt lấy quy đầu, làm cho bao quy đầu sưng nề và rất đau. Trường hợp này, người bệnh cần được xử lý ngay, nếu không sẽ gây hoại tử hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác.
3. Điều trị hẹp bao quy đầu như thế nào?
  1. Vệ sinh, theo dõi: Quan điểm điều trị hẹp bao quy đầu hiện đại có nhiều thay đổi. Hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng bao quy đầu có chức năng sinh lý của nó. Hẹp bao quy đầu ở trẻ em là hiện tượng sinh lý bình thường. Nhiều khuyến cáo tránh các can thiệp không cần thiết, không nên thực hiện cắt bao quy đầu rộng rãi như trước. Tình trạng sẽ tự ổn định khi trẻ trưởng thành. Phụ huynh chỉ cần lưu ý vệ sinh, tắm rửa hàng ngày cho trẻ.
  2. Bôi kháng viêm: Dùng kem thoa steroid (0,1% betamethasone) trong 4 – 6 tuần. Phương pháp này dễ áp dụng, giá thành rẻ, ít rủi ro, hiệu quả cao so với phẫu thuật.
  3. Nong bao quy đầu: Đa số trường hợp hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ có thể nong bằng tay, bằng bong bóng hoặc dụng cụ khác. Ban đầu, bác sĩ thực hiện nhưng sau đó người nhà có thể làm cho trẻ. Phương pháp này có ưu điểm là nhẹ nhàng, không gây sang chấn. Tuy nhiên, nếu nong không đúng cách có thể làm chảy máu và gây xơ dính về sau.
  4. Phẫu thuật: Nếu bôi thuốc không hiệu quả, bao quy đầu vẫn còn hẹp, căng phồng khi đi tiểu hoặc thường xuyên bị viêm bao quy đầu, nhiễm trùng tiểu, người bệnh nên được phẫu thuật
4. Các phương pháp phẫu thuật cắt bao quy đầu
  • Cắt bao quy đầu bằng tay: Đây là phương pháp cắt bao quy đầu kinh điển. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ phần quy đầu dư thừa, tạo hình lại da quy đầu, cầm máu và khâu lại bằng chỉ tự tiêu.
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)


 
  • Cắt bao quy đầu bằng máy stappler
 Đây là một phương pháp hiện đại với nhiều ưu điểm như:
+ Rút gọn thời gian, tổng thời gian từ 5 – 10 phút.
+ Giảm thiểu tối đa việc mất máu.
+ Kết hợp cùng lúc cắt và khâu vết thương tự động bằng máy trong 1 lần cắt.
+ Cắt bao quy đầu đơn giản – an toàn – thẩm mỹ.
   
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Kết luận: Hẹp bao quy đầu là một tình trạng thường gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Việc nhận biết và chẩn đoán chính xác, xử trí đúng đắn giúp quý phụ huynh và bệnh nhân yên tâm, tránh những can thiệp không cần thiết. Khi gặp trường hợp này, quý phụ huynh và bệnh nhân cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và hướng dẫn điều trị. Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa sâu, nhiều kinh nghiệm đã thực hiện hàng trăm trường hợp cắt bao quy đầu bằng tay và bằng máy stappler mỗi năm, là địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân tỉnh nhà yên tâm đến khám và điều trị bệnh lý này.

Tài liệu tham khảo
1.Bệnh viện Nhi Đồng 1 (2013), “Hẹp bao quy đầu”, Phác đồ điều trị nhi khoa, Tr. 1153-1156.
 2.Mushtaq I (2013), “Circumcision, meatotomy, and meatoplasty”, Operative Pediatric Surgery 7 th Ed ,pp:907-914.


 

Tác giả bài viết: BSCKI Trần Đình Ngọc KhoaNgoại Tổng hợp – BVĐK tỉnh Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây