Điều trị xơ hóa cơ ức đòn chũm bằng phương pháp vật lý trị
Thứ hai - 23/12/2024 22:29
Xơ hóa cơ ức đòn là gì? Xơ hóa cơ ức đòn là tư thế xấu của đầu và cổ do sự co rút của cơ ức đòn chủm làm trẻ thường xoay đầu sang 1 phía.
Nguyên nhân: Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng Xơ hóa cơ ức đòn chũm như: Sang chấn sản khoa; Viêm cơ ức đòn chủm; Chèn ép thai trong tử cung. Cũng có trường hợp không rõ nguyên nhân. Các dấu hiệu nhận biết:
Căng và co rút cơ ức đòn chủm
Đầu nghiêng về bên cơ co thắt, mặt xoaysang đối bên
Sờ thấy u cơ bằng hạt đậu hay lớn hơn ởtrên cơ ức đòn chủm
Má bên cơ co rút bị lép, đầu đối bên bị lép
Giới hạn xoay cột sống cổ sang bên cơco thắt
Những lưu ý về tình trạng Xơ hóa cơ ức đòn chũm:
U cơ ức đòn chủm rất dễ chẩn đoán nhầm là hạch cổ. Hạch cổ là hạch bạch huyết ở gần hàm dưới, khi bị nhiễm trùng các hạch này sưng to.
U cơ nằm ngay trên cơ ức đòn chủm và di động khi dịch chuyển cơ. Khối u sờ thấy chắc, không đau và đặc biệt không tiến triển thêm.
Sau 6-8 tuần, các u này ko điều trị gì cũng tự nhỏ đi và thành 1 mô sẹo.
Siêu âm cơ ức đòn chủm khi cần chẩn đoán phân biệt và khi xác định kích thước khối u.
Nếu được phát hiện sớm (từ 1đến 2 tháng) và điều trị Vật lý trị liệu đúng cách khối u sẽ tiêu biến hoàn toàn mà không để lại di chứng nào. Những trường hợp phát hiện trễ hoặc khối u quá lớn việc điều trị sẽ khó khăn hơn, có thể để lại di chứng về sau.
Những trường hợp điều trị bảo tồn thất bại, việc phẫu thuật là cần thiết để kéo dài cơ nhưng sau đó vẫn cần tiếp tục tập Vật lý trị liệu, tuy nhiên đôi lúc kết quả không như mong đợi.
Thời gian VÀNGcho việc điều trị Vật lý trị liệu là trẻ dưới 1 đến 2 tháng tuổi
* Một số kỹ thuật vận động trị liệu điều trị xơ hóa cơ ức đòn chũm Tư thế bệnh nhân: Nằm nghiêng sang bên không có khối xơ để bộc lộ bên có khối xơ (trên đùi kỹ thuật viên, hoặc trên gối), đầu bệnh nhân thấp hơn vai. Đầu, vai, hông thẳng hàng theo một trục ngang. Bài tập 1: Xoa bóp, day cơ ức đòn chũm - Một tay Kỹ thuật viên cố định khớp vai và hông từ phía sau (phía lưng). - Tay kia (phía trước, bên đầu trẻ) dùng 1 hoặc 2 ngón tay xoa day trên khối xơ theo chiều kim đồng hồ. - Thời gian: Mỗi lần 5 - 10 phút, mỗi ngày 6 đến 8 lần. Bài tập 2: Kéo giãn cơ ức đòn chũm - Một tay Kỹ thuật viên cố định khớp vai, hông (từ phía sau), kéo nhẹ khớp vai về phía hông. - Tay kia (phía trước mặt) ngón cái tỳ vào góc hàm, các ngón khác đặt vào phần xương chũm, phần dưới bàn tay tỳ nhẹ vào đầu trẻ và kéo xuống từ từ, nhẹ nhàng. - Giữ khoảng 30 giây sau đó thả lỏng ra và làm lại như trên. - Thời gian: Mỗi lần từ 5 - 10 phút, mỗi ngày 6 đến 8 lần. Bài tập 3: Đặt trẻ nằm nghiêng hai bên - Đặt nằm nghiêng hai bên bằng cách dùng gối dài kê ở phía sau lưng (qua vai, hông) để đảm bảo trẻ nằm nghiêng hoàn toàn (tránh nằm ngửa, nghiêng đầu). - Khi nằm nghiêng sang bên không có khối xơ thì không kê gối dưới đầu. - Khi nằm nghiêng sang bên có khối xơ thì kê gối tam giác dưới đầu. - Thay đổi tư thế nằm nghiêng sang từng bên (sau mỗi bữa ăn hoặc 2 giờ một lần). * Những điểm cần lưu ý khi thực hiện các kỹ thuật kể trên: - Ba bài tập nói trên được thực hiện cho đến khi trẻ khỏi hoàn toàn. - Chỉ thực hiện khi khối u không có nóng, đỏ, đau. - Kéo dãn nhẹ nhàng, từ từ, không kéo dãn tối đa đột ngột, ngay tức khắc. - Không thực hiện kỹ thuật khi trẻ khóc, chống đối. - Tập trước khi cho trẻ ăn. - Theo dõi nếu thấy trẻ có dấu hiệu khó thở, tím tái thì ngừng tập ngay.
Tác giả bài viết: Bác sĩ Võ Tùng Lâm - Khoa Phục hồi chức năng