tin tuc

Xét nghiệm D-dimer và ứng dụng lâm sàng

Thứ năm - 12/12/2024 01:43
1. D-dimer là gì?
Khi mạch máu bị tổn thương và chảy máu, quá trình đông cầm máu được cơ thể kích hoạt để hạn chế chảy máu và tạo ra cục máu đông. Trong quá trình này, các sợi protein gọi là fibrin được sản xuất. Các sợi này được liên kết chéo để tạo thành lưới fibrin cùng với tiểu cầu giúp cục máu đông hình thành tại vị trí tổn thương.

Khi vị trí đó đã có thời gian để lành lại, cơ thể sử dụng một loại protein gọi là plasmin để phá vỡ cục máu đông (huyết khối) thành những mảnh nhỏ để có thể loại bỏ. Các mảnh fibrin phân hủy trong cục máu đông được gọi là sản phẩm phân hủy fibrin (FDP). Một trong những FDP được tạo ra là D-dimer, bao gồm các mảnh fibrin liên kết chéo có kích thước khác nhau.
Sự hình thành D-dimer
Sự hình thành D-dimer
2. Vai trò của xét nghiệm D-dimer trong lâm sàng
Xét nghiệm D-dimer được chỉ định cùng với các xét nghiệm khác giúp loại trừ, chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý và tình trạng tăng đông hoặc quá trình đông máu bất thường. Phổ biến nhất trong số này là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), liên quan đến sự hình thành cục máu đông ở các tĩnh mạch sâu của cơ thể, thường gặp nhất ở chân. Những cục máu đông này có thể phát triển rất lớn và chặn dòng máu ở chân, gây sưng, đau và tổn thương mô. Một mảnh của cục máu đông có thể vỡ ra và di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể và có thể gây ra thuyên tắc phổi (PE).
Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT   
Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT   
 Thuyết tắc phổi
 Thuyết tắc phổi

           Trong khi cục máu đông thường hình thành trong các tĩnh mạch ở chân, chúng cũng có thể hình thành ở các khu vực khác; ví dụ: cục máu đông trong động mạch vành là nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim. Cục máu đông cũng có thể hình thành trên niêm mạc tim hoặc van tim, đặc biệt là khi rung nhĩ hoặc khi van tim bị tổn thương. Cục máu đông cũng có thể hình thành trong các động mạch lớn do xơ vữa động mạch. Các mảnh cục máu đông như vậy cũng có thể vỡ ra và gây ra tắc nghẽn động mạch ở một cơ quan khác, chẳng hạn như não gây đột quỵ hoặc thận. Xét nghiệm D-dimer cũng có thể được sử dụng để phát hiện cục máu đông ở các vị trí khác này.
Xét nghiệm D-dimer cũng có thể được chỉ định cùng với các xét nghiệm khác, để giúp chẩn đoán DIC (đông máu rải rác trong lòng mạch). DIC là một tình trạng cấp tính phức tạp có thể phát sinh từ nhiều tình huống khác nhau bao gồm: một số thủ thuật phẫu thuật, sốc nhiễm trùng, rắn độc cắn, bệnh gan và sau sinh. Nồng độ D-dimer cũng có thể được sử dụng để theo dõi hiệu quả điều trị DIC.
3. Chỉ định xét nghiệm D-dimer
Xét nghiệm D-dimer được chỉ định khi có các triệu chứng của cục máu đông hoặc tình trạng gây cục máu đông bất thường như huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), thuyên tắc phổi (PE) hoặc đông máu nội mạch lan tỏa (DIC).
- Triệu chứng của DVT như: Đau chân, đau nhức, sưng tấy, đổi màu, phù nề;
- Triệu chứng của PE như: Khó thở, ho và đau ngực liên quan đến phổi;
- Triệu chứng của DIC như: chảy máu nướu răng, buồn nôn, nôn, đau cơ và đau bụng dữ dội, co giật và giảm lượng nước tiểu.

 

* Một số tình trạng có thể gây ra mức D-dimer cao hơn bình thường bao gồm:
- Trải qua một cuộc phẫu thuật lớn;
- Chấn thương nặng như gãy xương phải bó bột;
- Ngồi hoặc nằm trong thời gian dài, bao gồm di chuyển lâu bằng máy bay, ô tô…hoặc nằm viện;
- Sử dụng biện pháp tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hormone;
- Phụ nữ mang thai và sau khi sinh con;
- Hội chứng kháng phospholipid;
- Rối loạn đông máu di truyền như đột biến yếu tố V Leiden;
- Tiền sử thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE) trước đây;
- Một số bệnh ung thư.
4. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm D-dimer
Bình thường: D-dimer < 500µg/L hay < 0.5 µg/mL hay < 0.5 mg/L.
Xét nghiệm D-dimer bình thường có nghĩa là nhiều khả năng bạn không mắc tình trạng cấp tính hoặc bệnh lý gây ra sự hình thành và phá vỡ cục máu đông bất thường. Hầu hết các bác sĩ đều đồng ý rằng xét nghiệm D-dimer âm tính có giá trị và hữu ích nhất khi xét nghiệm được thực hiện trên những bệnh nhân được coi là có nguy cơ thấp.
D-dimer tăng cho biết sự hiện diện của sản phẩm phân hủy fibrin cao bất thường trong cơ thể bạn. Nó cho bác sĩ biết rằng đã có sự hình thành và phân hủy cục máu đông (huyết khối) đáng kể trong cơ thể, nhưng không cho biết vị trí hoặc nguyên nhân. D-dimer tăng cao có thể là do thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE) hoặc DIC nhưng cũng có thể là do phẫu thuật gần đây, chấn thương hoặc nhiễm trùng. Mức độ tăng cao cũng được thấy ở bệnh gan, thai kỳ, tiền sản giật, bệnh tim và một số bệnh ung thư.
D-dimer được khuyến cáo là xét nghiệm bổ sung. Đây không phải là xét nghiệm duy nhất được sử dụng để chẩn đoán bệnh hoặc tình trạng bệnh. Cả mức D-dimer tăng và bình thường đều có thể cần theo dõi và có thể xét nghiệm thêm.
Xét nghiệm D-Dimer là một xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến huyết khối. Đây là một xét nghiệm máu có độ nhạy cao. Tùy vào triệu chứng bệnh của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm D-dimer kết hợp cùng với một số xét nghiệm khác.

 

Tác giả bài viết: Bs Bùi Ngọc Hoàng - Khoa Huyết học -Truyền máu

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây