tin tuc

Chẩn đoán và điều trị bệnh ghẻ

Chủ nhật - 30/03/2025 22:35
Bệnh ghẻ là bệnh da do ký sinh trùng ghẻ gây nên, triệu chứng nổi bật là ngứa nhiều, đặc biệt là ban đêm, gây ảnh hưởng nhiều tới giấc ngủ của người bệnh. Bệnh dễ dàng lây lan giữa các thành viên trong gia đình nếu không được điều trị đúng cách.
Nguyên nhân gây ra bệnh ghẻ là gì?
Bệnh do ký sinh trùng ghẻ (cái ghẻ, Sarcoptes scabies hominis) gây ra. Cái ghẻ đào hầm dưới da và đẻ trứng, gây các phản ứng miễn dịch và ngứa. Chúng rất nhỏ, không thể nhìn bằng mắt thường mà chỉ có thể thấy trên kính hiển vi.

         Bệnh lây lan như thế nào?
Bệnh ghẻ lây lan do việc tiếp xúc gần gũi giữa người với người. Bệnh cũng có thể lây do dùng chung quần áo, khăn tắm, ga chăn giường, và tiếp xúc da trực tiếp.

          Biểu hiện lâm sàng của bệnh?
Mụn nước, sẩn đỏ: trên nền da lành, rải rác, riêng rẽ từng cái một, kèm theo vết gãi, bề mặt phủ vảy tiết xuất huyết. Tổn thương thường ở vùng da mỏng như kẽ ngón tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh, mụn nước ở lòng bàn tay, chân, quy đầu. Ở vùng sinh dục, tổn thương tròn, ở giữa trợt da, được gọi là săng ghẻ, dễ nhầm với săng giang mai.
Hang ghẻ: Mỗi ghẻ cái thường đào một hang dài 5mm - 10cm. Đầu hang là nơi cư trú của ghẻ, có quầng ban đỏ nhỏ hoặc mụn nước.
Sẩn cục ghẻ: Sẩn màu nâu, tập trung ở vùng sinh dục nam giới, nách, mông. Tổn thương gây ngứa dữ dội, một số nốt sẩn sau ghẻ tồn tại dai dẳng dù ghẻ đã hết.
     Triệu chứng cơ năng: Ngứa nhiều, đặc biệt vào ban đêm
Tổn thương mụn nước kẽ ngón tay
Nhãn
Tổn thương mụn nước, sẩn đỏ thân mình
Tổn thương mụn nước, sẩn đỏ thân mình
Đường hầm ghẻ ở đường chỉ bàn tay
Đường hầm ghẻ ở đường chỉ bàn tay
Bệnh được chẩn đoán khi nào?
  • Dựa vào triệu chứng lâm sàng của bệnh.
  • Yếu tố dịch tễ: sống cùng nhà, làm việc cùng, tiếp xúc với người bệnh ghẻ, dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh ghẻ…
  • Phát hiện thấy ký sinh trùng ghẻ trên kính hiển vi thấy trứng ghẻ hoặc cái ghẻ (thường sử dụng dung dịch KOH 10% với bệnh phẩm là dịch mụn nước hoặc nạo luống ghẻ) hoặc dermoscopy (phương tiện soi da).

Nguyên tắc điều trị chung
            Chẩn đoán sớm và điều trị sớm. Khi phát hiện ra bệnh ghẻ, cần điều trị cho bệnh nhân và cả gia đình, tập thể… vì ghẻ rất dễ lây lan. Tùy thuộc vào lứa tuổi của bệnh nhân mà bác sĩ lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau. Với người lớn và trẻ lớn, có thể kết hợp cả thuốc đường uống và thuốc dùng tại chỗ. Trong khi ở trẻ nhỏ, ưu tiên sử dụng các thuốc tại chỗ.
            Vệ sinh cá nhân, cắt ngắn móng tay, không chà xát cào gãi vào tổn thương gây nhiễm trùng. Giặt sạch quần áo, chăn màn, phơi nơi khô nắng thoáng mát hoặc sấy khô. Đồ dùng cá nhân, đồ đạc vệ sinh hoặc cho vào túi nilon buộc kín trong ít nhất 72 giờ vì ghẻ thường chết khi không ký sinh trên người trong 2-3 ngày.

            Điều trị bệnh ghẻ cụ thể
  • Điều trị tại chỗ
 
Thuốc Cách dùng Lưu ý
Permethrin 5% Bôi từ cổ xuống chân và lưu lại trên da 8-12 giờ, có thể bôi nhắc lại sau 7-14 ngày Diệt trứng, ấu trùng và cái ghẻ. Dùng được cho trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú
DEP (diethyl phthalate) Bôi mụn nước buổi tối trước khi đi ngủ An toàn cho trẻ em < 2 tháng tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú. Hiệu quả chưa cao. Dễ gây kích ứng ở trẻ nhỏ
Lindan 1% (lotion) Bôi và lưu lại trên da 8 giờ rồi tắm. Có thể nhắc lại sau 7 ngày Không khuyến cáo cho trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú
Kem crotamiton 10% Dùng trong 2 ngày liên tục. Nhắc lại 1 lần trong vòng 5 ngày Có hiệu quả chống ngứa
Benzyl benzoat 10% (lotion) Bôi và lưu lại trên da 24 giờ, sau đó tắm Không khuyến cáo cho trẻ em < 2 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú
Thuốc khác Corticoid tại chỗ
Kem dưỡng ẩm
Khi có chàm hóa
Kháng sinh tại chỗ Khi có bội nhiễm
Dung dịch DEP
Dung dịch DEP
Permethrin 5% dạng xịt
Permethrin 5% dạng xịt
 
  • Điều trị toàn thân
  • Kháng histamin toàn thân
  • Kháng sinh toàn thân: khi có bội nhiễm
  • Ivermectin 200µg/kg. Dùng khi tổn thương nhiều, dai dẳng, đáp ứng kém với thuốc bôi. Dùng liều duy nhất, có thể lặp lại liều này sau 1-2 tuần. Chống chỉ định: Trẻ em < 5 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú
Thuốc Ivermectin
Thuốc Ivermectin
Các nốt sẩn đỏ, sẩn ngứa sẽ tồn tại bao lâu?
Các nốt sẩn ngứa của bệnh nhân, đặc biệt ở bộ bận sinh dục có thể tồn tại tới 2 tháng hoặc lâu hơn. Bác sĩ có thể cho thuốc chống ngứa đường uống hoặc đường bôi để giảm ngứa. Hãy thông báo cho bác sĩ nếu quý vị vẫn xuất hiện nốt sẩn mới trong quá trình điều trị.
            Làm thế nào để tiêu diệt ký sinh trùng ghẻ ở vật dụng xung quanh?
            Tất cả quần áo, khăn tắm, ga giường, chăn đã tiếp xúc với bất kỳ thành viên nào trong gia đình trong 3 ngày qua đều nên được giặt trong máy bằng nước nóng và sấy khô ở nhiệt độ cao trong ít nhất 20 phút để diệt ký sinh trùng. Với các đồ dùng không thể giặt được cần được để vào túi ni lông và buộc kín trong 3 ngày.
            Bệnh ghẻ có biến chứng gì không?
Bệnh nhân bị ghẻ có thể xuất hiện các biến chứng như ghẻ chàm hóa, ghẻ bội nhiễm, viêm cầu thận do liên cầu… Vì vậy, bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị sớm.
            Tài liệu tham khảo
  1. Bệnh viện Da liễu Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội (2019). Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành Da liễu tập 1. Bệnh ghẻ, 395
  2. Mark G. Lebwohl, Warren R, Heymann et al (2021). Treatment of Skin Disease. Scabies. 222: 778-781
  3. Beth G Goldstein, Adam O Goldstein. Uptodate. Scabies: Management. Last update Oct 31, 2022

Tác giả bài viết: Bác sĩ Lê Hồ Hương Giang - Khoa Da liễu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây