tin tuc

Khám thai định kỳ – An toàn cho mẹ, sức khoẻ cho con

Thứ tư - 02/10/2024 04:11
Mang thai giống như một hành trình dài, khám thai định kỳ chính là những điểm dừng chân để mẹ bầu "nạp năng lượng" và kiểm tra hành trình. Việc này giúp mẹ yên tâm hơn, đồng thời phát hiện sớm những bất thường để có thể xử lý kịp thời, đảm bảo một hành trình về đích an toàn.
1. Vì sao cần phải khám thai định kỳ?
Khám thai định kỳ vô cùng cần thiết trong quá trình mang thai bởi những ý nghĩa sau:
  • Theo dõi sức khỏe của mẹ và thai nhi: Khám thai giúp bác sĩ theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của thai nhi và phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra đối với mẹ hoặc bé.
  • Tư vấn dinh dưỡng và lối sống: Bác sĩ sẽ cung cấp các lời khuyên về dinh dưỡng, vận động và lối sống phù hợp để mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh
  • Tiêm phòng và xét nghiệm: Các loại vắc xin và xét nghiệm cần thiết sẽ được thực hiện trong quá trình khám thai để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.
  • Chuẩn bị cho quá trình sinh nở: Khám thai giúp mẹ chuẩn bị tâm lý và thể chất cho quá trình sinh nở, cũng như lên kế hoạch sinh phù hợp nhất.
  • Giải đáp các thắc mắc: Khám thai là cơ hội để mẹ bầu được giải đáp các thắc mắc và giải tỏa những áp lực, lo lắng trong thai kỳ, Giúp mẹ yên tâm hơn, kết nối tình cảm mẹ con.
 
2. Các mốc khám thai quan trọng
Mỗi mẹ bầu cần ghi nhớ những mốc khám thai quan trọng sau đây: 
- Lần đầu tiên: sau trễ kinh 2-3 tuần để xác định vị trí thai, tim thai, xác định tuổi thai – tính ngày dự sinh,  kiểm tra tình trạng sức khỏe của mẹ.
- Lần thứ 2: Đây là mốc khám thai vô cùng quan trọng trong suốt hành trình mang thai. Thông qua siêu âm đo độ mờ da gáy (từ tuần thai 11 tuần 6 ngày đến 13 tuần 6 ngày) và các xét nghiệm sàng lọc trước sinh (Double test hoặc NIPT) cũng như các xét  nghiệm cơ bản cho mẹ, từ đó giúp phát hiện được những dị tật của thai có liên quan đến nhiễm sắc thể và sức khỏe của mẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của con…
- Lần thứ 3: từ 16-22 tuần, siêu âm khảo sát hình thái thai nhi, đo chiều dài kênh cổ tử cung, thực hiện xét nghiệm sàng lọc trước sinh nếu trước đó thai phụ chưa được thực hiện.
- Lần thứ 4: từ 22-28 tuần, siêu âm khảo sát hình thái thai, siêu tâm tim thai, tầm soát đái tháo đường thai kỳ ở tuổi thai 24-28 tuần.
- Lần thứ 5: từ 28- 32 tuần, ngôi thai, lượng ối, vị trí nhau, sự phát triển thai.
- Lần thứ 6: từ 34-36 tuần, đánh giá sức khoẻ thai thông qua kết quả siêu âm và đo monitor thai, tiến hành các thăm khám thường quy như xét nghiệm máu, nước tiểu, xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS), kiểm tra cổ tử cung, dự báo cân nặng thai nhi để chuẩn bị cho cuộc sinh.
- Sau 36 tuần: khám thai mỗi tuần 1 lần, kiểm tra tình trạng sức khỏe của mẹ và thai, lập kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc sinh an toàn.
Lịch khám thai như trên áp dụng cho các thai kỳ đơn thai không kèm yếu tố nguy cơ. Lịch khám thai sẽ thay đổi tùy từng trường hợp cụ thể khi có dấu hiệu bất thường (đau bụng, ra nước, ra huyết,…) hoặc khi thai kỳ có kèm theo các yếu tố nguy cơ.
3. Những lưu ý quan trọng khi đi khám thai
Để quá trình khám thai diễn ra thuận lợi, suôn sẻ, không mất nhiều thời gian gây mệt mỏi cho mẹ bầu, những lưu ý quan trọng mà mẹ cần ghi nhớ như sau:
  • Khám thai đúng lịch hẹn: Việc khám thai đúng lịch là rất quan trọng, mẹ cần ghi nhớ kỹ càng để tránh bỏ lỡ những xét nghiệm tầm soát, sàng lọc thai kỳ nguy cơ cao.
  • Uống nước và tiểu tiện trước khi siêu âm: Ở tam cá nguyệt thứ nhất, mẹ hãy uống nhiều nước và không đi tiểu trước khi siêu âm để bàng quang được căng đầy đẩy tử cung lên cao, nhờ đó bác sĩ dễ dàng quan sát thai nhi. Bước sang tam cá nguyệt thứ hai, lúc này thai nhi đã phát triển lớn hơn nên mẹ cần đi tiểu trước khi siêu âm để làm trống bàng quang, giúp việc quan sát thai nhi dễ dàng hơn.
  • Ăn uống: Ăn một bữa nhẹ trước khi đi khám giúp duy trì năng lượng, tránh mất sức sau khi thực hiện xét nghiệm; không sử dụng các chất kích thích trước khi đi khám; Nếu ngày khám có hẹn kiểm tra đường huyết, mẹ cần nhịn đói theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Hồ sơ khám thai: Cần lưu trữ hồ sơ khám thai trong những lần khám thai định kỳ, các kết quả kiểm tra, xét nghiệm trong một tập hồ sơ để dễ dàng mang theo khi có lịch khám thai.
  •  Trang phục: Đi giày bệt và lựa chọn trang phục thoải mái để dễ dàng di chuyển cũng như thực hiện các thao tác trong thăm khám;
  • Vệ sinh cơ thể: Đảm bảo cơ thể được vệ sinh sạch sẽ (nhất là vùng kín). 
  • Trên đây là những thông tin về vai trò của việc khám thai định kỳ cũng như những lưu ý mẹ bầu cần nhớ trong quá trình thăm khám. Bên cạnh những lưu ý trên, việc lựa chọn cơ sở thăm khám uy tín quyết định đến độ chính xác của kết quả và những tư vấn sức khỏe trong suốt thai kỳ. Do đó, các mẹ bầu hãy lựa chọn địa chỉ khám thai đạt các tiêu chí chất lượng để an tâm trên hành trình chào đón con yêu. 
Hiện tại, Khoa Phụ sản - Bệnh viện đa khoa Tỉnh Quảng Trị với đội ngũ bác sỹ, hộ sinh trình độ chuyên môn cao, trang bị đầy đủ, hiện đại, cung cấp đầy đủ dịch vụ kỹ thuật, các xét nghiệm cận lâm sàng. Đây là địa chỉ mà các mẹ bầu tin tưởng lựa chọn, gửi gắm sức khỏe trong suốt thai kỳ, mang đến kết quả thăm khám chính xác cùng sự tư vấn, hỗ trợ  tận tâm, nhiệt tình. Bệnh viện luôn mong muốn mang đến cho các bà mẹ những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất./.
Tài liệu tham khảo:
1. Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (Ban hành kèm theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
2. Phác đồ điều trị sản phụ khoa,  Bệnh viện Từ Dũ 2022

Tác giả bài viết: ThsBsnt. Trần Trung Hoành – Khoa Phụ sản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây