Sâu răng ở trẻ em nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, tác hại, cách điều trị và phòng ngừa
Thứ tư - 27/03/2024 21:16
1. Nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ em
Theo nghiên cứu của tổ chức Y tế Thế giới > 50% tỷ lệ sâu răng sữa, và số liệu của Bộ y tế năm 2019 có >85% trẻ em trong độ tuổi 6-8 tuổi bị sâu răng. Tại Việt Nam, sâu răng trẻ em là tình trạng đáng báo động hiện nay. Tác hại của sâu răng ở trẻ em không đơn thuần ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, mà còn có nguy cơ làm mất răng vĩnh viễn khi lớn lên.
Sâu răng là tình trạng mô cứng của răng bị mất hoặc ăn mòn do vi khuẩn gây ra, chúng thường tồn tại trong các mảng bám, cặn thức ăn thừa còn sót lại trong các kẽ răng mà không được làm sạch ngay sau bữa ăn. Dần dần vi khuẩn sẽ tiết ra các men chuyển hóa thành phần chứa trong thức ăn thành một dạng axit, khi môi trường răng miệng có nồng độ pH < 5,5 thì sẽ dẫn đến phản ứng hủy khoáng, làm mất dần mô cứng của răng và kết quả là gây sâu răng
Bên cạnh nguyên nhân chính nêu trên, sau đây là một số yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng sâu răng trẻ em: - Men răng: trẻ sở hữu men răng kém khoáng hóa (còn được gọi là men răng thiểu sản) sẽ dễ bị sâu răng hơn; - Cấu trúc răng: những răng có rãnh sâu, nhất là các răng hàm nhai sẽ có nguy cơ bị sâu cao hơn vì cấu tạo kiểu này sẽ khiến mảng bám tập trung nhiều vào các rãnh, khó làm sạch nên tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Bên cạnh đó, nếu răng của trẻ có hình dáng bất thường như răng dính, răng sinh đôi, núm phụ thì nguy cơ sâu răng cũng cao hơn; - Nước bọt: tốc độ chảy và dòng chảy của nước bọt là yếu tố giúp làm sạch mảng bám còn sót lại trong khoang miệng. Nước bọt có chức năng tạo màng bọc ở bề mặt của răng giúp bảo vệ men răng trước sự ăn mòn, là nguồn cung cấp chất khoáng thiết yếu giúp phục hồi tổn thương do sâu răng gây ra, đồng thời làm giảm độ toan của khoang miệng để đề kháng với sâu răng;
Răng mọc chen chúc thường gặp trong các bệnh lý làm cho răng kém phát triển như sâu răng, viêm nha chu, viêm nướu…
- Vị trí răng: răng chen chúc nhau, mọc lệch lạc sẽ khó làm sạch các kẽ, tăng khả năng rắt các mảnh vụn thức ăn và mảng bám; - Vệ sinh răng miệng không đảm bảo: nếu trẻ lười đánh răng hoặc thực hiện thói quen này không đúng cách sẽ khiến cho các mảng bám tích tụ trong khoang miệng và dần dẫn đến sâu răng;
- Chế độ ăn uống: sâu răng trẻ em còn xuất phát từ thói quen ăn uống nhiều đồ ngọt trước khi đi ngủ.
2. Những biểu hiện trẻ em bị sâu răng
Nhằm sớm ngăn chặn kịp thời tình trạng sâu răng trẻ em, phụ huynh cần nắm được những dấu hiệu nhận biết sâu răng sớm như sau: - Viền chân răng của bé xuất hiện đốm đen, mảng bám. - Xuất hiện những lỗ sâu màu đen. - Miệng của bé có mùi hôi kéo dài. - Lợi quanh răng sâu sưng phù, khiến trẻ bị đau răng, ê buốt, bỏ ăn và quấy khóc.
3. Các giai đoạn sâu răng diễn ra như thế nào?
- Tổn thương sớm: Mới xuất hiện các vết đốm trắng đục trên bề mặt răng, ảnh hưởng đến lớp ngoài răng, màu sắc không thay đổi so vs những răng bên cạnh. Nên hướng dẫn vệ sinh răng miệng, tái khám định kỳ. - Sâu men răng: Hình thành lỗ ở men răng, sẽ chưa có cảm giác đau, đây là thời gian nên trám răng ngay. - Sâu ngà răng: Cảm giác ê buốt khi ăn đồ nóng lạnh, xuất hiện mùi hôi miệng, nên trám răng ngay. - Viêm tủy răng: Trẻ bị sâu răng ăn vào tủy gây đau dữ dội, cần điều trị tủy răng.
4. Tác hại của sâu răng trẻ em
Dễ nhận thấy nhất là khi bị sâu răng trẻ sẽ cảm thấy đau nhức, ê buốt, khó ăn uống ngay cả khi uống nước. Trẻ sẽ hay quấy khóc, khó ngủ và bị sụt cân, suy dinh dưỡng. Sâu răngcòn ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hóa như dạ dày. Tình trạng sâu răng cũng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm xương hàm, viêm và áp xe các phần mềm vùng miệng...buộc phải có phương pháp điều trị lâu dài và tốn kém. Nếu để tình trạng sâu răng nặng hơn là viêm quanh các cuống răng, viêm mô tế bào, viêm hạch, viêm tủy răng lan rộng và gây cho trẻ bị nhiễm trùng, sốt, xuất huyết. Thậm chí biến chứng sâu răng ở trẻ còn gây ra viêm màng não, rất dễ khiến trẻ bị tử vong. Một khi nhiễm khuẩn quanh cuống răng, có thể sẽ khiến trẻ bị rối loạn ở khớp thái dương, nhức đầu, mỏi cổ, rối loạn ở tim, thận...Cùng với đó, sâu răng ở trẻ còn làm cho hơi thở có mùi rất khó chịu, khiến trẻ ngại tiếp xúc, tự ti khi nói chuyện. Sâu răng kéo dàinếu không được chữa trị sẽ khiến trẻ bị áp xe răng, răng bị hỏng, mất răng, một khi mất răng gây ra các bất tiện trong ăn nhai, phát âm, xương ổ răng bị tiêu đi, khi lớn sẽ ảnh hưởng đến khuôn mặt của trẻ. Nếu sâu răng không được phát hiện kịp thời ăn sâu vào trong phá hủy tủy thì có thể làm thối tủy. Một khi tủy đã bị phá hủy thì không thể phục hồi, bắt buộc phải nhổ bỏ răng sâu.Đối với răng sữa nếu nhổ quá sớm trước thời kỳ thay răng thì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển răng vĩnh viễn sau này (chậm mọc hoặc bị mọc lệch). Nếu như răng vĩnh viễn bị sâu phải nhổ thì sẽ không còn răng khác mọc lên thay thế. Muốn giữ thẩm mỹ phải trồng răng giả, tốn rất nhiều chi phí.
5. Phòng ngừa sâu răng ở trẻ - Tập cho trẻ thói quen tự vệ sinh răng miệng, đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần chải ít nhất 2 phút.
- Hạn chế cho trẻ ăn các thức ăn có chứa nhiều đường. - Trẻ em đang trong giai đoạn mọc răng cần được chăm sóc đúng cách, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để răng luôn chắc khỏe. - Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám răng định kỳ 6 tháng/ lần để có thể phát hiện những bất thường và điều trị kịp thời. Những biến chứng sâu răng ở trẻ nhỏ dù nặng hay nhẹ đều gây ra những tác hại xấu ảnh hưởng đến sinh hoạt và phát triển của trẻ.Nhìn chung để phòng ngừa sâu răng trẻ em thì bên cạnh các biện pháp y khoa, cha mẹ phải đặc biệt hướng dẫn trẻ tự bảo vệ sức khỏe răng miệng cho mình, sử dụng kem đánh răng chứa Flour và chỉ nha khoa. Nếu nhận thấy con em mình có các dấu hiệu cảnh báo tình trạng sâu răng, các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Khi sâu răng được can thiệp và xử trí từ sớm sẽ giúp bảo tồn được răng cho trẻ, tránh được các nguy cơ bệnh lý làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng cũng như sự phát triển của răng vĩnh viễn trong tương lai. Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị là địa chỉ thăm khám đáng tin cậy, quy tụ đội ngũ các bác sĩ với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nha khoa. Hàng năm tại khoa điều trị cho hơn 1300 các trẻ có bệnh lý về răng miệng, mang lại kết quả tốt, đem đến sự tin tưởng và hài lòng cho các bậc phụ huynh khi đưa con em mình đến điều trị tại Bệnh viện. Đồng hành cùng các bác sĩ là hệ thống máy móc hiện đại giúp quá trình thăm khám và chẩn đoán các vấn đề về răng miệng được tiến hành nhanh chóng hiệu quả cao.
* Tài liệu tham khảo: - Bệnh viện Răng Hàm Mặt. “Phác đồ điều trị Bệnh viện Răng Hàm Mặt 2023”. 2023, từ: https://bvranghammat.com/ - Wong A, Subar PE, Young DA:Dental caries: An update on dental trends and therapy. Adv Pediatr 64(1):307-330, 2017. doi: 10.1016/j.yapd.2017.03.011 -Richards D:No evidence that fluoride supplements taken during pregnancy prevent caries. Evid Based Dent 19(3):73, 2018. doi: 10.1038/sj.ebd.6401320