tin tuc

Dày sừng nang lông

Thứ hai - 25/03/2024 22:13
Dày sừng nang lông (keratosis pilaris) là một bệnh lành tính, thường gặp, có đặc điểm là dày sừng ở phễu và miệng nang lông, hình thành các sẩn nhô lên khỏi mặt da tạo cảm giác thô ráp, xù xì khi sờ.
Các sẩn đỏ, nâu tương ứng tại vị trí nang lông
Các sẩn đỏ, nâu tương ứng tại vị trí nang lông
Nguyên nhân gây bệnh là gì?
  • Nguyên nhân của dày sừng nang lông chưa được biết một cách đầy đủ.
  • Bệnh có thể do di truyền hoặc mắc phải.
  • Có khoảng 30 - 50% bệnh nhân dày sừng nang lông có yếu tố di truyền, kiểu di truyền trội nhiễm sắc thể thường. 50% con của bố hoặc mẹ mắc dày sừng nang lông có thể sẽ có biểu hiện này. Những rối loạn liên quan thường gặp là bệnh vảy cá thông thường, viêm da cơ địa.
  • Ngoài ra bệnh còn thứ phát sau khi sử dụng một số liệu pháp điều trị ung thư nhắm trúng đích.
  • Cơ chế bệnh sinh:
  • Do sự hình thành quá mức và/hoặc sự tích tụ của keratin ở cổ nang lông tạo nên các sẩn sừng gồ cao lên mặt da trông như da gà.
  • Các nút sừng này có thể làm cho sợi lông không nhô lên khỏi mặt da, và bị cuộn lại, nằm dưới các mảnh sừng, có thể gây ra phản ứng viêm nhẹ.

Biểu hiện của dày sừng nang lông
  • Vị trí hay gặp ở mặt ngoài cánh tay. Ngoài ra có thể gặp ở đùi, mông và 2 bên má. Biểu hiện lâm sàng là các sẩn màu đỏ, màu da hay màu nâu ở vị trí nang lông. Tổn thương phân bố đối xứng 2 bên.
  • Bệnh thay đổi theo mùa, cải thiện về mùa hè, nặng về mùa đông.
  • Có xu hướng cải thiện theo tuổi, cũng có khi tồn tại kéo dài với những đợt thuyên giảm và vượng bệnh xen kẽ.
  • Bệnh gặp ở tất cả các lứa tuổi, nữ chiếm tỷ lệ cao hơn nam.
  • Tuổi khởi phát thường trong 10 năm đầu của cuộc sống, triệu chứng có thể nặng lên ở tuổi dậy thì.

Quản lý và điều trị dày sừng nang lông
  • Bình thường dày sừng nang lông không ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tính mạng, bệnh chủ yếu gây mất thẩm mỹ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
  • Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Các phương pháp điều trị và chăm sóc da có tác dụng cải thiện lâm sàng ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, để có kết quả thì cần duy trì và chăm sóc da thường xuyên, trong đó giữ ẩm cho da là rất quan trọng.
  • Giữ ẩm bằng cách thường xuyên bôi kem dưỡng ẩm, làm mềm da; tránh tắm lâu bằng nước nóng, xà phòng có tính tẩy rửa mạnh. Lựa chọn ưu tiên loại dưỡng ẩm chứa ure. Nên dùng kem dưỡng ẩm ít nhất 2 lần mỗi ngày, bao gồm 1 lần ngay sau khi tắm xong vài phút.
  • Đối với trẻ lớn hơn và người trưởng thành, kem tẩy da chết loại nhẹ có thể được sử dụng, chứa các thành phần: acid lactic, acid alpha hydroxy, acid salicylic. Tuy nhiên, chúng chỉ làm mềm, bạt sừng làm phẳng tổn thương, còn triệu chứng viêm đỏ thì không có tác dụng.
  • Có thể phối hợp thêm các dẫn xuất vitamin A bôi tại chỗ như tretinoin 0,05%, adapalene 0,1% hay tazarotene 0,05% bôi ngày 1 lần và kéo dài từ 8 đến 12 tuần, tác dụng làm bạt sừng, giảm viêm đỏ, giảm thô ráp và giảm ngứa.
  • Corticoid bôi tại chỗ loại từ trung bình đến mạnh dùng thời gian ngắn từ 7 đến 10 ngày khi tổn thương viêm đỏ nhiều.
  • Retinoid uống, liệu pháp laser hay các biện pháp bào mòn (lột hoá chất, siêu mài mòn) được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng với các biện pháp điều trị tại chỗ trên.
  • Với những trường hợp có tăng sắc tố kéo dài, có thể điều trị bằng bôi kem hydroquinone 4%, acid kojic, acid azelaic 15 - 20%.

Tuy nhiên, quý vị nên tới khám bác sĩ Da liễu để được kê đơn thuốc bôi phù hợp, một số loại thuốc bôi chứa vitamin A acid có thể gây kích ứng da ở trẻ nhỏ
 

Tác giả bài viết: BS. Lê Hồ Hương Giang - Khoa Da liễu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây