Thiếu máu
Thứ sáu - 15/12/2023 02:14
1. ĐẠI CƯƠNG
- Thiếu máu là tình trạng giảm hemoglobin (HGB) trong máu của người bệnh so với người cùng giới, cùng lứa tuổi và cùng điều kiện sống, gây ra các biểu hiện thiếu oxy ở các mô và tổ chức của cơ thể.
- Mức độ giảm hemoglobin trong máu xuống 5% so với giá trị tham chiếu (theo tuổi, giới, điều kiện sống) có giá trị chẩn đoán xác định tình trạng thiếu máu.
2. XẾP LOẠI THIẾU MÁU
2.1. Một số cách xếp loại thiếu máu
a. Theo mức độ: Chủ yếu dựa vào nồng độ huyết sắc tố. Cách xếp loại này giúp ra quyết định truyền máu, nhất là đối với các trường hợp thiếu máu mạn tính.
- Thiếu máu nhẹ: Huyết sắc tố từ 90 đến 120 g/L.
- Thiếu máu vừa: Huyết sắc tố từ 60 đến dưới 90 g/L.
- Thiếu máu nặng: Huyết sắc tố từ 30 đến dưới 60 g/L.
- Thiếu máu rất nặng: Huyết sắc tố dưới 30 g/L.
b. Theo diễn biến (cấp và mạn): Giúp tiếp cận nguyên nhân và thái độ xử trí.
c. Theo nguyên nhân:
- Mất máu: Do chảy máu.
- Tan máu: Do tăng phá hủy hồng cầu.
- Giảm hoặc rối loạn sinh máu: Do tủy xương giảm sinh hoặc rối loạn sinh các tế bào máu hoặc do thiếu yếu tố tạo máu.
d. Theo đặc điểm hồng cầu: Là cách xếp loại thường được sử dụng để giúp tiếp cận và chẩn đoán nguyên nhân gây thiếu máu.
2.2. Một số chỉ số dùng để xếp loại thiếu máu
a. Thể tích trung bình hồng cầu (MCV- Mean corpuscular volume): Phản ảnh kích thước hồng cầu, nói lên thiếu máu hồng cầu to, thiếu máu hồng cầu nhỏ hay hồng cầu bình thường. Giá trị bình thường MCV là 80-100 fl.
b. Nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCHC- Mean corpuscular hemoglobin concentration): Là lượng huyết sắc số có trong 1 lít hồng cầu; bình thường: 320-360 g/L. Dựa vào MCHC xếp loại thiếu máu bình sắc hay nhược sắc (MCHC < 320g/l).
c. Dải phân bố kích thước hồng cầu (RDW- Red cell distribution width): Phản ánh sự đồng đều về kích thước giữa các hồng cầu; Bình thường là 11-14%. Nếu RDW > 14: Kích thước của các hồng cầu không đồng đều.
d. Chỉ số hồng cầu lưới: Phản ánh khả năng tăng sinh hồng cầu của tủy xương khi thiếu máu. Bình thường là 0,5-1%, tương đương 20 đến 40 G/L máu toàn phần. Hồng cầu lưới giảm phản ánh tình trạng tủy đáp ứng kém, hồng cầu lưới tăng ≥ 2% nói lên: Thiếu máu có hồi phục.
3. CHẨN ĐOÁN THIẾU MÁU
3.1. Chẩn đoán xác định thiếu máu: Dựa vào lâm sàng và xét nghiệm hemoglobin.
a. Lâm sàng: Là dấu hiệu thiếu oxy các mô; tùy mức độ thiếu máu và đáp ứng của cơ thể, như:
- Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, giảm tập trung, chán ăn; cảm giác tức ngực, khó thở nhất là khi gắng sức hoặc đi lại nhiều; cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực.
- Da xanh, niêm mạc nhợt; móng tay khô, dễ gãy; tóc khô, dễ rụng; mất kinh ở nữ.
Triệu chứng của thiếu máu
b. Xét nghiệm: Chẩn đoán xác định thiếu máu khi nồng độ huyết sắc tố giảm trên 5% so với giá trị tham chiếu.
3.2. Xác định mức độ thiếu máu
Xác định mức độ thiếu máu dựa vào nồng độ huyết sắc với thiếu máu mạn; dựa vào lâm sàng, lượng máu mất và hematocrit với thiếu máu cấp.
3.3. Tìm nguyên nhân thiếu máu:
- Thu thập các triệu chứng và yếu tố liên quan:
+ Yếu tố dịch tễ (tuổi, giới, nghề nghiệp…); tiền sử bệnh, sử dụng thuốc và gia đình.
+ Khám lâm sàng phải đầy đủ và cẩn thận để phát hiện các biểu hiện kèm theo như: Sốt, nhiễm khuẩn, vàng da, khám hệ thống gan, lách và hạch ngoại vi.
- Một số xét nghiệm giúp xác định nguyên nhân: huyết đồ, test Coombs, định lượng enzym: G6PD, pyruvate kinase, điện di huyết sắc tố và sức bền hồng cầu, dự trữ sắt, acid folic, vitamin B12, erythropoietin, tốc độ máu lắng, định lượng CRP, fibrinogen, kháng thể kháng nhân, kháng thể kháng chuỗi kép DNA; ký sinh trùng sốt rét, giun móc.
- Xét nghiệm tủy đồ đánh giá giảm sinh tủy hay bệnh lý khác của tủy xương: Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, lơ xê mi cấp hay mạn, rối loạn sinh tủy…
- Tìm nguyên nhân mất máu: Soi dạ dày, soi đại-trực tràng…
- Dựa vào chỉ số hồng cầu để định hướng nguyên nhân gây thiếu máu, cụ thể:
+ Dựa vào thể tích trung bình hồng cầu (bảng 1).
Bảng 1. Định hướng nguyên nhân thiếu máu dựa vào kích thước hồng cầu
Hồng cầu nhỏ
(MCV < 80fl) |
Hồng cầu bình thường
(MCV: 80-100fl) |
Hồng cầu to
(MCV > 100fl) |
- Thiếu sắt
- Thalassemia
- Bệnh huyết sắc tố E
- Thiếu máu do viêm mạn tính
|
- Mất máu
- Bệnh thận
- Thiếu máu do viêm mạn tính
- Bệnh hồng cầu hình liềm
- Bệnh gan mạn tính
- Rối loạn sinh tủy
- Suy tủy xương |
- Thiếu a.folic, B12
- Bệnh gan, rượu
- Suy tủy xương
- Điều trị hóa chất, thuốc kháng virus
- Tan máu tự miễn
- Rối loạn sinh tủy |
+ Dựa vào các chỉ số hồng cầu lưới để đánh giá đáp ứng bù trừ của tủy xương trước tình trạng thiếu máu:
a). Chỉ số hồng cầu lưới tăng: Tìm các nguyên nhân ngoài tủy như tan máu hoặc
mất máu mạn tính, tan máu bẩm sinh (do huyết sắc tố hoặc do màng hồng cầu…).
b). Chỉ số hồng cầu lưới giảm: Có thể tủy xương không đáp ứng bù đủ do tổn thương
tại tủy hoặc do thiếu hụt các yếu tố cần thiết để tạo máu (erythropoietin, acid folic, vitamin
B12…).
4. ĐIỀU TRỊ THIẾU MÁU
- Xác định và điều trị theo nguyên nhân; phối hợp điều trị nguyên nhân và truyền bù khối hồng cầu.
- Chỉ định truyền chế phẩm khối hồng cầu dựa vào huyết sắc tố và lâm sàng.
- Duy trì lượng huyết sắc tố tối thiểu từ 80 g/L (những trường hợp có bệnh lý tim, phổi mạn tính nên duy trì từ 90 g/L).
5. DỰ PHÒNG
- Ăn uống hợp vệ sinh và khoa học. Khẩu phần ăn phải có đầy đủ các chất, hợp khẩu vị, hạn chế các gia vị nhân tạo, hương liệu và dầu mỡ.
- Chế độ sinh hoạt làm việc cân đối kết hợp rèn luyện nâng cao sức khỏe.
- Phụ nữ cần lưu ý đến chu kỳ kinh nguyệt của mình, bổ sung thêm sắt uống và ăn nhiều thức ăn có chứa nhiều sắt khi cơ thể thiếu sắt.
- Lắng nghe cơ thể và phát hiện kịp thời các dấu hiệu nghi ngờ thiếu máu cũng như các yếu tố nguy cơ thiếu máu.
- Khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm để phát hiện bệnh sớm nhất có thể.
Tác giả bài viết: Bs. Bùi Ngọc Hoàng, Khoa Huyết học-Truyền máu