I. ĐẠI CƯƠNG
-Viêm kết mạc cấp (thường được gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm cấp của lớp màng mỏng lót phía trong mi mắt và nằm trên phần tròng trắng của nhãn cầu. Khi lớp kết mạc bị viêm sẽ khiến các mạch máu giãn ra gây nên hiện tượng mắt đỏ.
-Có nhiều nguyên nhân gây viêm kết mạc như virus, vi khuẩn, dị ứng... Nhưng gặp nhiều nhất là virus (chiếm khoảng 80% các trường hợp). Trong đó, Adenovirus là loại virus thường gặp nhất, tiếp theo là herpes simplex, enterovirus…. Bệnh lây lan nhanh thông qua dịch tiết (nước mắt, ghèn…) nên giữ vệ sinh và tránh nguồn lây là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
-Hiện nay, bệnh viêm kết mạc cấp do virus (đau mắt đỏ) đang diễn ra rầm rộ và có xu hướng diễn biến nặng hơn những năm trước.
II. TRIỆU CHỨNG
Bệnh thường có biểu hiện cấp tính.
- Cảm giác cộm xốn như có dị vật trong mắt.
- Mắt đỏ hơn bình thường
- Cảm giác ngứa rát quanh mi mắt, sưng mi mắt
- Nhiều ghèn (dữ mắt)
- Kết mạc phù nề (cương tụ) toàn bộ, nhiều trường hợp có giả mạc trắng dính bám vào gây khó mở mắt
III. BIẾN CHỨNG
Mặc dù là bệnh lành tính và tự khỏi nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời và đúng cách, một số biến chứng nguy hiểm đe doạ thị lực có thể xảy ra như viêm giác mạc do virus, viêm loét giác mạc có thể dẫn đến thủng giác mạc,…
IV. ĐIỀU TRỊ
-Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và phòng ngừa lây bệnh.
-Bệnh thường diễn biến lành tính và tự khỏi, thuyên giảm sau 5-7 ngày nhưng khỏi hoàn toàn trong 1 đến 3 tuần.
- Sử dụng nước muối sinh lý (Natri Clorid 0,9%) để rửa ghèn thường xuyên.
- Nhỏ nước mắt nhân tạo để giảm kích thích
-Dùng kháng sinh nhỏ mắt khi có bội nhiễm vi khuẩn như tobramycin, ofloxacin...
-Chườm mát để giảm cảm giác khó chịu, cộm rát.
-Trường hợp có giả mạc, cần bóc giả mạc dưới kính sinh hiển vi để giảm cảm giác khó chịu, tăng hiệu quả của các loại thuốc sử dụng và giảm hình thành xơ sẹo ở kết mạc.
- Việc sử dụng corticoid tại chỗ cũng như toàn thân cần có sự chỉ định của bác sỹ chuyên khoa trong các trường hợp cụ thể vì nguy cơ gây nên các biến chứng nặng hơn.
V. PHÒNG BỆNH
- Không dùng chung khăn mặt với người khác
- Tránh tiếp xúc, bắt tay, cầm chung đồ vật với những người đang bị đau mắt đỏ
- Rửa tay đúng cách sau khi tiếp xúc với những người đang bị đau mắt đỏ
- Nâng cao sức đề kháng, ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin A, E, C….
Tài liệu tham khảo
1. Đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng chống
2. Solano D, Fu L, Czyz CN. Viral Conjunctivitis. In: StatPearls. StatPearls Publishing; 2023. September 19, 2023. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470271/