tin tuc

Phẫu thuật dải treo niệu đạo giữa điều trị tiểu không kiểm soát khi gắng sức

Chủ nhật - 23/07/2023 22:10
     Tiểu không kiểm soát được định nghĩa là sự thoát nước tiểu (rỉ, són)ngoài ý muốn qua đường niệu đạo. Tiểu không kiểm soát có nhiều loại như: Tiểu không kiểm soát khi gắng sức, tiểu gấp không kiểm soát, tiểu không kiểm soát tràn đầy, tiểu không kiểm soát hỗn hợp giữa tiểu không kiểm soát khi gắng sức và tiểu gấp không kiểm soát, tiểu không kiểm soát thường trực. Trong đó tiểu không kiểm soát khi gắng sức là sự thoát nước tiểu không theo ý muốn khi có sự gắng sức làm tăng áp lực ổ bụng như hắt hơi, ho, vận động mạnh, đi lại...
     Tiểu không kiểm soát khi gắng sức khá thường gặp ở phụ nữ. Bệnh lý này ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, giao tiếp xã hội và tâm lý của bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân thường âm thầm chịu đựng hoặc không tìm đúng chuyên khoa để điều trị. Nếu được điều trị thích hợp, sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, đồng thời cũng đem lại lợi ích cho xã hội.

     Nguyên nhân của tiểu không kiểm soát khi gắng sức có nhiều thuyết trong đó có lý thuyết võng như sau: Bình thường, hệ thống nâng đỡ dưới niệu đạo bao gồm
các cấu trúc mạc, cân, cơ trong vùng sàn đáy chậu (đặc biệt là cơ nâng hậu môn, mạc nội chậu, cung gân mạc chậu) và thành trước âm đạo, như là một chỗ tựa ổn định cho niệu đạo ép vào khi có sự tăng áp lực trong ổ bụng. Khi có sự tăng áp lực trong ổ bụng, niệu đạo được đè ép vào hệ thống nâng đỡ này, làm cho lòng niệu đạo được khép kín lại. Khi hệ thống nâng đỡ này bị giãn nhão và không được giữ cố định, thì hiện tượng này không còn hiệu quả và gây ra hiện tượng tiểu không kiểm soát.

     Theo Mauroy, tiểu không kiểm soát khi gắng sức được chia làm 3 mức độ từ nhẹ đến nặng tùy theo mức độ gắng sức nhiều hay ít
-Độ I: tiểu không kiểm soát khi gắng sức xảy ra khi: ho, cười, hắt hơi.
-Độ II: tiểu không kiểm soát khi gắng sức xảy ra khi: Nâng một vật nặng, khi đi, thay đổi tư thế.
-Độ III: tiểu không kiểm soát khi gắng sức xảy ra khi gắng sức ít hơn.
     Điều trị tiểu không kiểm soát khi gắng sức có nhiều phương pháp như: Các phương pháp tập cơ đáy chậu, Các phương pháp điều trị bảo tồn nội khoa và phẫu thuật. Phẫu thuật thường được chỉ định cho những bệnh nhân tiểu không kiểm soát khi gắng sức mức độ nặng.
     Lịch sử đã ghi nhận có nhiều phương pháp phẫu thuật để điều trị tiểu không kiểm soát khi gắng sức. Từ những năm 1990 xuất hiện một trào lưu mới trong điều trị tiểu không kiểm soát khi gắng sức đó là phẫu thuật dải treo niệu đạo giữa. Kỹ thuật mới là phương pháp ít xâm hại qua ngả âm đạo, dùng dụng cụ xuyên thích để đặt giải băng treo bằng vật liệu tổng hợp nâng đỡ ở vị trí niệu đạo giữa. Khi tăng áp lực ổ bụng thì niệu đạo sẽ được đè ép vào giải băng treo này, làm cho lòng niệu đạo được khép kín lại và bệnh nhân sẽ hết són tiểu. Các phương pháp dải treo niệu đạo giữa bao gồm: dải treo âm đạo không căng (tension-free vaginal tape- TVT) và dải treo xuyên lỗ bịt (trans obturator tape- TOT)
Phẫu thuật TOT
Phẫu thuật TOT

     Vừa qua Khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng trị đã triển khai thành công phẫu thuật TOT để điều trị tiểu không kiểm soát khi gắng sức cho một phụ nữ 75 tuổi. Bệnh nhân này trong 5 năm trở lại đây luôn trong tình trạng són tiểu thường xuyên khiến họ phải suốt ngày trong tình trạng ẩm ướt vì mang bỉm, hăm nặng bộ phận sinh dục ngoài. Thăm khám cho thấy đây là một trường hợp tiểu không kiểm soát khi gắng sức và được chỉ định phẫu thuật.  Sau phẫu thuật, bệnh nhân cải thiện khá tốt: hết són tiểu, bộ phận sinh dục không còn hăm nữa. Sự thành công của ca phẫu thuật mở ra một cơ hội cho các bệnh nhân Quảng Trị khi gặp phải tình trạng khó nói này
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Ân (2015), “Điều trị tiểu không kiểm soát do gắng sức bằng phương pháp dải treo niệu đạo giữa”, Sàn chậu học, Nhà xuất bản Y học, Tr: 353-366.
2.Đỗ Vũ Phương (2015), “Nghiên cứu kết quả điều trị tiểu không kiểm soát khi gắng sức ở phụ nữ bằng phương pháp phẫu thuật dùng cân cơ thẳng bụng tự thân “, Luận án tiến sỹ Y học, Đại học Y Dược TP HCM.
3. Ahn C. (2015), “ Analysis of voiding dysfunction after transobturator
tape procedure for stress urinary incontinence”, Korean J Urol,56, pp:823-830.

4. Li Y.,T. (2023),Trans-obturator tape (TOT) for stress urinary incontinence (SUI)”, Taiwanese Journal of Obstetrics & Gynecology, 62, pp:9-11.
5. Nygaard I.,E.(2004), “Stress Urinary Incontinence”, The American College of Obstetricians and Gynecologists, 104(3), pp: 607-620.

 

Tác giả bài viết: Phan Khánh Việt, Nguyễn Hoàng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây