Trường hợp bất thường mạch máu thận bẩm sinh ở bệnh nhân đái máu tái phát
Thứ năm - 04/05/2023 02:47
Vừa qua Khoa Nội thận tiết niệu –Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân đái máu toàn bãi kéo dài đến khám và phát hiện bất thường động mạch thận bẩm sinh.
Trường hợp bệnh nhân N.M.Q, giới tính nam, 18 tuổi, vào viện với triệu chứng đái máu toàn bãi kéo dài khoảng một tuần kèm đau nhẹ từng cơn vùng hông trái. Khai thác tiền sử bệnh nhân có nhiều đợt đái máu tương tự, tự giới hạn trong khoảng hai đến ba ngày, không kèm theo các triệu chứng khác như sốt hay tiểu buốt, rát, gầy sụt cân…. Bệnh nhân được chỉ địnhlàm các xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm bụng, Xquang bụng. Kết quả Xquang bụng không chuẩn bị không phát hiện thấy sỏi cản quang hệ tiết niệu. Kết quả siêu âm bụng cho thấy bệnh nhân có thận trái ứ nước độ I chưa rõ nguyên nhân.Nghi ngờ có bất thường mạch máu thận nên các bác sỹ đã cho chỉ định chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu có dựng hình và khảo sát động mạch thận. Ghi nhận trên phim chụp CTscaner cho thấy: hình ảnh nhánh phụ động mạch thận trái xuất phát từ động mạch chủ bụng về phía đài dưới thận trái, giãn nhẹ bể thận trái do niệu quản xung đột với động mạch thận phụ, hai thận kích thước bình thường, không có sỏi. Từ kết quả chụp CTscaner các bác sĩ kết luận: bệnh nhân trên bị giãn bể thận trái do đoạn niệu quản xuất phát xung đột với động-tĩnh mạch thận phụ và tư vấn nên phẫu thuật ghép niệu quản để giải phóng tắc nghẽn.
Về giải phẫu mạch máu thận: Các động mạch thận phân nhánh từ động mạch chủ bụng và cung cấp máu cho thận. Nguồn cung cấp động mạch của thận là thay đổi tùy theo từng người và có thể có một hoặc nhiều động mạch thận cung cấ máu cho mỗi thận. Sự khác biệt về số lượng, nguồn gốc và đường đi của cácđộng mạch thậnlà khá phổ biến.
Động mạch thận đơn: Bình thường xảy ra khoảng 70% trường hợp, trong khi động mạch thận phụ có khoảng 30% trường hợp.
Động mạch thận phụ thường phát sinh ngay bên dưới hoặc trong một số trường hợp ở trên động mạch thận chính. Một số trường hợp hiếm còn có động mạch thận phụ phát sinh từ thân tạng hoặc động mạch mạc treo tràng trên.
Nguồn gốc của động mạch thận có thể khác nhau, trong đó có thể có một hoặc cả hai động mạch thận phát sinh từ chỗ phân đôi của động mạch chủ hoặc từ chậu chung.
Có thể thấy bệnh nhân trên xuất hiện thêm các nhánh động mạch thận phụ có xung đột với niệu quản gây ra tình trạng giãn đoạn bể thận phía trên kèm theo tình trạng đái máu tái phát. Các bất thường mạch thận bẩm sinh thường không có triệu chứng chỉ khi có xung đột với các thành phần giải phẫu khác dẫn đến biến chứng gây chèn ép, hẹp động mạch, hẹp niệu quản, giãn đài bể thận có thể có các triệu chứng như: - Đau hông, lưng; - Rối loạn tiểu tiện: Đi tiểu ra máu, tiểu đục, tiểu buốt rắt; - Tăng huyết áp… Đối với bệnh nhân có triệu chứng thì phương pháp điều trị được chỉ định là phẫu thuật. Mục đích của phẫu thuật điều trị bệnh là đưa được niệu quản về vị trí bình thường và tái lập sự lưu thông của niệu đạo, tránh hiện tượng ứ đọng nước tiểu ở thận. Các phương pháp phẫu thuật được sử dụng để điều trị bao gồm:
Phẫu thuật mổ mở: Phẫu thuật mổ mở để nối lại niệu quản, đưa niệu quản về vị trí đúng. Tuy nhiên phương pháp này có một số nhược điểm là vết mổ lớn, khả năng hồi phục sau phẫu thuật chậm, làm tăng thời gian nằm viện.
Phẫu thuật nội soi ổ bụng hoặc sau phúc mạc: Chuyển vị trí và nối niệu quản để điều trị bệnh. So với mổ mở thì phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm hơn như là phương pháp ít xâm lấn, vết mổ nhỏ, có tính thẩm mỹ cao, thời gian hồi phục nhanh hơn.
Phẫu thuật robot: Có một số bệnh viện đã sử dụng robot để tiến hành phẫu thuật, cũng mang lại hiệu quả tốt.
Bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh các hậu quả có thể như nhiễm trùng đường tiết niệu hay thậm chí là tổn thương thận không hồi phục. Vì vậy, người dân cần khám sức khỏe, siêu âm định kỳ tại các cơ sở uy tín là rất quan trọng.
Tác giả bài viết: Bs. Hồ Thị Ly Na – Khoa Nội TTN-TNT