Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt là gì – Khi nào cần phẫu thuật?
Thứ sáu - 12/08/2022 05:13
Tuyến tiền liệt là một cơ quan bao quanh niệu đạo, nằm ở đáy bàng quang, nằm trước trực tràng, phía sau xương mu và chỉ có ở nam giới. Chức năng chính của tuyến tiền liệt là tiết ra tinh dịch và góp phần kiểm soát tiểu tiện.
Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (trước đây được gọi là u xơ tuyến tiền liệt) là sự tăng kích thước tuyến tiền liệt, thường gặp ở nam giới trung niên trở lên. Đây là bệnh lành tính, tiến triển khá chậm, có thể gây ra các rối loạn tiểu tiện, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt người bệnh (Hình 1).
1. Nguyên nhân và lứa tuổi thường gặp của bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt?
Hiện nay, hai nguyên nhân chính gây bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt được chấp nhận đó là: - Tuổi tác: Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt bắt đầu xuất hiện khoảng tuổi 40, nhưng người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng ở tuổi 55, với đỉnh cao từ 65 - 75 tuổi. - Yếu tố tăng trưởng mô sợi (Fibroblast Growth Factor hay FGF): Các yếu tố này được tiết ra bởi các tế bào tuyến tiền liệt quanh niệu đạo, do ảnh hưởng của những chấn động nhỏ và kéo dài như động tác xuất tinh, đi tiểu hay nhiễm khuẩn ngược dòng. Chất này sẽ làm tăng trưởng mô sợi và sau đó, các mô tuyến lân cận hợp thành những nhân xơ đầu tiên quanh niệu đạo.
2. Biểu hiện của bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt như thế nào?
Bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt thường biểu hiện với 2 nhóm triệu chứng chính: nhóm triệu chứng chủ quan và nhóm triệu chứng khách quan. * Nhóm triệu chứng chủ quan: Bao gồm 2 hội chứng chính sau đây:
- Hội chứng tắc nghẽn đường tiết niệu: Người bệnh đi tiểu phải gắng sức rặn, tiểu ngắt quãng, tia nước tiểu yếu thậm chí không thành tia, tiểu nhỏ giọt, tiểu không hết, đi tiểu lâu và thậm chí là bí tiểu hoàn toàn.
- Hội chứng kích thích bàng quang: Người bệnh luôn có cảm giác mót tiểu, tiểu lắt nhắt, tiểu không hết, dễ bị tiểu són, tiểu nhiều lần cả ban ngày lẫn ban đêm,.. * Nhóm triệu chứng khách quan:
- Đo độ lớn và độ cứng của tuyến tiền liệt:
Thăm khám trực tràng bằng ngón tay giúp xác định rãnh giữa 2 thùy tuyến tiền liệt còn hay mất? Có thể sờ được bờ trên của tuyến tiền liệt hay không? Thăm khám trực tràng còn biết được độ cứng và bề mặt đồng đều trơn láng của bướu. Từ đó có thể định hướng bướu lành hay bướu ác để làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng xác định chẩn đoán (xét nghiệm PSA huyết thanh và sinh thiết tuyến tiền liệt).
- Đo lượng nước tiểu tồn lưu: Là lượng nước tiểu còn sót lại trong bàng quang sau khi người bệnh đi tiểu xong. Điều này phản ảnh khá trung thực mức độ tắc nghẽn do tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến gây ra (bình thường < 30ml). Phương tiện thông dụng đo lượng nước tiểu tồn lưu là siêu âm bụng.
- Đo tốc độ dòng tiểu bằng phép đo niệu dòng: Phương pháp này cho biết tốc độ tối đa của dòng tiểu, góp phần quan trọng xác định có tình trạng tắc nghẽn dòng tiểu hay không?
3. Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt khi nào cần phẫu thuật?
+ Chỉ định can thiệp phẫu thuật tuyệt đối: khi người bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt có các tình trạng sau đây:
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái diễn
- Tiểu máu tái diễn
- Bí tiểu cấp tái diễn
- Sỏi bàng quang
- Túi thừa bàng quang
- Giãn nỡ niệu quản do tắc nghẽn tuyến tiền liệt lành tính
- Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt gây biến chứng suy thận. + Chỉ định tương đối:
- Điều trị nội khoa ít hiệu quả
- Người bệnh không muốn điều trị nội khoa vì tốn kém và mất thời gian.
4. Chỉ định mổ có phụ thuộc vào kích thước tuyến tiền liệt hay không?
+ Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt phát triển lớn ra sẽ theo 2 cách sau đây:
- Phát triển sang 2 bên gây to 2 thùy bên. Trường hợp này ít gây tắc nghẽn dòng tiểu, vì giữa 2 thùy bên còn có khe hở cho nước tiểu có thể qua được.
- Phát triển về phía trên đẩy cổ bàng quang lên cao và tạo nên thùy giữa. Trường hợp này gây tắc nghẽn dòng tiểu nhiều hơn, vì cổ bàng quang không mở ra tốt khi đi tiểu. Vì vậy, mức độ tắc nghẽn dòng tiểu gây ra do tình trạng tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt không phụ thuộc vào độ lớn của bướu, mà phụ thuộc vào 3 yếu tố sau đây: (1) Sức co bóp của bàng quang còn tốt không? (2) tỷ lệ tổ chức mô sợi ít hay nhiều (độ cứng cửa bướu) và (3) cổ bàng quang bị đẩy cao và biến dạng nhiều hay ít. Chính vì vậy chỉ định mổ không phụ thuộc vào kích thước tuyến tiền liệt, mà phụ thuộc vào mức độ tắc nghẽn dòng tiểu và mức độ gây ra triệu chứng cho người bệnh.
5. Các phương pháp phẫu thuật hiện nay đang được ứng dụng tại Bệnh viện tỉnh Quảng Trị.
- Cắt đốt nội soi bằng dao đơn cực
- Cắt đốt nội soi bằng dao lưỡng cực
- Nội soi bốc hơi tuyến tiền liệt bằng LASER.
- Trong trường hợp kích thước tuyến tiền liệt quá to (> 80 gram) thì có thể mổ mở hay cắt đốt nội soi nhiều lần.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hội tiết niệu – Thận học Việt Nam (2019), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
2. Nguyễn Đạo Thuấn (2017), “ Bướu lành tuyến tiền liệt”, Bài giảng sau đại học, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Guideline of European Urology Association 2022.
3. Smith and Tanagho’s General Urology, 19th edition 2020.
Tác giả bài viết: BS Phan Khánh Việt, BS Lê Trung Hiếu