Trĩ là một thành phần giải phẫu bình thường của ống hậu môn trực tràng. Nó là một đệm mạch máu nằm trong khoang dưới niêm mạc của ống hậu môn, giúp ống hậu môn đóng kín và góp phần vào hoạt động đại tiện tự chủ của con người. Khi các đệm mạch máu này bị sưng hay phồng lên do chịu nhiều áp lực hay chèn ép sẽ tạo nên bệnh trĩ.
Đây là một bệnh rất hay gặp cho nên cổ nhân có câu: “Thập nhân cửu trĩ”. Bệnh trĩ ít nguy hiểm nhưng nó gây phiền hà cho người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần, hạnh phúc và khả năng lao động của người bệnh.
2. Biểu hiện của bệnh trĩ như thế nào ?
* Đi ngoài ra máu đỏ tươi: thành giọt hay thành tia, dính vào phân hay giấy vệ sinh. Chảy máu kéo dài gây nên tình trạng thiếu máu mãn tính. Đó cũng là lý do người bệnh đến thầy thuốc
*Cảm giác khó chịu ở hậu môn: đau, rát căng tức khó chịu, sưng đau hậu môn, ngứa ngáy khó chịu, có thể chảy dịch.
* Thăm khám hậu môn trực tràng:
+Nhìn ngoài:
- Có thể thấy búi trĩ to sa ra ngoài ống hậu mòn hoặc bệnh nhân rặn thấy búi trĩ to lòi ra ngoài.Cần phải phân biệt giữa sa trĩ và sa trực tràng (Hình 2 và 3:
.Nếu sa trĩ người ta quan sát thấy các rãnh giữa các búi trĩ mà người ta ví như một bông hoa hồng.
.Nếu sa trực tràng: thì các rãnh niêm mạc trực tràng tạo thành các vòng tròn đống tâm.
- Có thể quan sát được các búi trĩ thuyên tắc là các khối màu xanh tím và rất đau hay các nếp da thừa là di tích của các búi trĩ tắc mạch tự tiêu, đôi khi cần cắt bỏ do cản trở vệ sinh và giảm thẩm mỹ. có thể quan sát thấy nứt kẽ hậu môn hay polyp ống hậu môn.
* Soi hậu môn trực tràng: giúp xác định số lượng các búi trĩ, phân độ các búi trĩ, xác định biến chứng. Xác định trĩ nội, trĩ ngoại.
3. Phân loại trĩ như thế nào ?
-Theo bệnh nguyên và bệnh sinh: chia trĩ làm 2 loại
+ Trĩ triệu chứng: trĩ là hậu quả của một bệnh đã được biết rõ như trĩ trong hội chứng tăng áp lực tính mạch cửa, ung thư trực tràng, phụ nữ có thai. Vì trĩ là một triệu chứng nên không được can thiệp phẫu thuật. Mổ đôi khi là nguy hiểm nhất là trong hội chứng tăng áp lực tính mạch cửa.
+ Trĩ bệnh: hay còn gọi là trĩ vô căn. Chỉ định ngoại khoa chỉ đặt ra với loại trĩ này. -Theo giải phẫu : phân chia trĩ thành 3 loại (Hình 1)
+ Trĩ ngoại: là búi trĩ có chân nằm dưới đường lược, được bao phủ bởi da. Nhìn ngoài thấy búi trĩ. Đây là 1 đặc điểm giúp phân biệt với trĩ nội sa (được bao phủ bởi niêm mạc ống hậu môn)
+Trĩ nội: chân các búi trĩ nằm trên đường lược, chỉ quan sát được bằng nội soi, được bao phủ bởi niêm mạc ống hậu môn.
+ Trĩ hỗn hợp: búi trĩ nằm cả trên và dưới đường lược.được che phủ bởi cả da và niêm mạc. Khi các búi trĩ liên tục với nhau thành vòng gọi là trĩ vòng. -Theo mức độ: Chia trĩ làm 4 độ
Trĩ nội độ I: các tĩnh mạch giãn cương tụ, đội niêm mạc phồng lên vào trong lòng trực tràng, khi rặn không lòi ra ngoài.
Trĩ nội độ II: các tĩnh mạch trĩ giãn nhiều hơn và tạo thành các búi rõ rệt. Khi rặn các búi trĩ sa ra ờ hậu môn và tự co lên được.
Trĩ nội độ III: khi rặn nhẹ là sa ra ngoài không tự co lên được phải đẩy lên.
Trĩ độ IV: búi trĩ to luôn sa ra ngoài không đẩy lên được.
4. Khi nào cần phẫu thuật ?
Chỉ định mổ được áp dụng trong các trường hợp sau:
+ Trĩ có biến chứng chảy máu tiềm tàng gây thiếu máu mà điều trị nội khoa không kết quả
+ Trĩ có một số biến chứng: làm yếu cơ thắt, huyết khối, nghẹt hoặc hoại tử.
+ Trĩ phối hợp với rò, nứt kẽ hậu môn
+ Trĩ ở mức độ 3 -4.
5. Các biện pháp phẫu thuật đang được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị
-Phẫu thuật Milligan Morgan: nguyên tắc phẫu thuật này là cắt riêng biệt từng búi trĩ, để lại ở giữa các búi trĩ các cầu da, niêm mạc. Nhược điểm là đau nhiều sau mổ, thời gian nằm viện dài.
- Phẫu thuật Longo là một phẫu thuật sử dụng một máy cắt nối tự động để cắt một khoanh niêm mạc trên đường lược khoảng 2-3 cm. Mục đích để làm giảm lưu lượng máu đến đám rối tĩnh mạch trĩ từ đó làm giảm thể tích búi trĩ đồng thời bảo tồn được đệm hậu môn. Phương pháp này hiện nay rất được ưa chuộng vì ít đau, thời gian phẫu thuật nhanh, thời gian nằm viện ngắn, nhanh lành bệnh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Das. B (2015 ), “Surgical Management of Hemorrhoids”, Operative techniques in surgery, Wolters Kluwer, pp.1314-1324
2.Phạm Gia Khánh(2002), “ Bệnh trĩ”, Bệnh học Ngoại khoa(Giáo trình giảng dạy sau đại học), Tập 2, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, Tr: 302-309.
3.Townsend C.M (2004), “ Hemorrhoids “, Sabiston Textbook of Surgery, 17th ed, pp: 1490-1492
4.Đỗ Đức Vân (2006), “ Bệnh trĩ”, Bệnh học Ngoại(Dùng cho sau đại học), Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, Tr: 326-332.