Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh lý phổ biến, thường gặp ở người cao tuổi. Đây là nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ phát triển các biến chứng liên quan đến bệnh ĐTĐ như hạ đường huyết, suy thận và bệnh tim hơn so với những người trẻ tuổi mắc bệnh ĐTĐ. Việc điều trị ĐTĐ ở người già cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Nếu tình trạng ĐTĐ ở người già không được kiểm soát, sự tích tụ glucose trong máu có thể gây ra tổn thương cho gần như mọi cơ quan chính trong cơ thể, bao gồm cả tổn thương thận; tổn thương động mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim; tổn thương mắt, dẫn đến giảm thị lực, mù lòa; rối loạn cương dương (bất lực) ở nam giới; và tổn thương thần kinh, có thể dẫn đến chấn thương và nhiễm trùng, thậm chí có thể dẫn đến cắt cụt chi. Việc điều trị các biến chứng do bệnh ĐTĐ ở người già rất khó khăn, nhưng bệnh nhân có thể kiểm soát lượng đường trong máu và giúp giảm thiểu tác động của bệnh ĐTĐ trong tương lai. Việc ngăn ngừa các biến chứng lâu dài của bệnh ĐTĐ là rất quan trọng.
Biến chứng đái tháo đường lên các cơ quan
I. Chẩn đoán đái tháo đường
Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường dựa vào 1 trong 4 tiêu chí sau đây:
a) Glucose huyết tương lúc đói ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L) hoặc:
b) Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp với 75g glucose bằng đường uống ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L)
c) HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol). Xét nghiệm HbA1c phải được thực hiện bằng phương pháp đã chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
d) Bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc của cơn tăng glucose huyết cấp kèm mức glucose huyết tương bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).
Chẩn đoán xác định nếu có 2 kết quả trên ngưng chẩn đoán trong cùng 1 mẫu máu xét nghiệm hoặc ở 2 thời điểm khác nhau đối với tiêu chí a, b, hoặc c; riêng tiêu chí d: chỉ cần một lần xét nghiệm duy nhất.
- Glucose huyết đói được đo khi bệnh nhân nhịn ăn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội) ít nhất 8 giờ (thường phải nhịn đói qua đêm từ 8 -14 giờ).
- Nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống phải được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới: bệnh nhân nhịn đói từ nửa đêm trước khi làm nghiệm pháp, dùng một lượng 75g glucose, hòa trong 250-300 mL nước, uống trong 5 phút; trong 3 ngày trước đó bệnh nhân ăn khẩu phần có khoảng 150-200 gam carbohydrat mỗi ngày, không mắc các bệnh lý cấp tính và không sử dụng các thuốc làm tăng glucose huyết. Định lượng glucose huyết tương tĩnh mạch.
II. Nguyên tắc điều trị cho người bệnh đái tháo đường
a) Lập kế hoạch toàn diện, tổng thể, lấy người bệnh làm trung tâm, cá nhân hóa cho mỗi người mắc đái tháo đường, phát hiện và dự phòng sớm, tích cực các yếu tố nguy cơ, giảm các tai biến và biến cố.
b) Đánh giá tổng thể và quyết định điều trị dựa trên cơ sở:
- Tình trạng sức khỏe chung, bệnh lý đi kèm, các chức năng trong hoạt động thường ngày, thói quen sinh hoạt, điều kiện kinh tế, xã hội, yếu tố tâm lý, tiên lượng sống, cá thể hoá mục tiêu điều trị.
- Nguyên tắc sử dụng thuốc: can thiệp thay đổi lối sống ưu tiên hàng đầu, hạn chế tối đa lượng thuốc dùng, định kỳ kiểm tra tác dụng và tuân thủ thuốc cũ trước khi kê đơn mới, phác đồ phù hợp có thể tuân thủ tốt - tối ưu điều trị, khả thi với bệnh nhân, có tính yếu tố chi phí và tính sẵn có.
c) Dịch vụ tư vấn dinh dưỡng, hoạt động thể lực, tự theo dõi, hỗ trợ điều trị nên được triển khai, sẵn sàng cung cấp, hỗ trợ cho bác sỹ điều trị, điều dưỡng, nhân viên y tế, người chăm sóc và bệnh nhân.
d) Chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân đái tháo đường cần được thường xuyên giám sát, lượng giá và hiệu chỉnh cho phù hợp 1-2 lần/năm
e) Các phương pháp điều trị tổng thể bao gồm một số các biện pháp sau:
- Tư vấn, hỗ trợ, can thiệp thay đổi lối sống: không hút thuốc, không uống rượu bia, chế độ ăn và hoạt động thể lực (áp dụng cho tất cả người bệnh, các giai đoạn).
- Tư vấn tuân thủ điều trị, kiểm soát cân nặng
- Thuốc uống hạ đường huyết
- Thuốc tiêm hạ đường huyết
- Kiểm soát tăng huyết áp
- Kiểm soát rối loạn lipid máu
- Chống đông
- Điều trị và kiểm soát biến chứng, bệnh đồng mắc.
III.Mục tiêu điều trị đái tháo đường ở người lớn tuổi
Theo Bộ Y tế Việt Nam 2020
Theo hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ 2022
IV. Thuốc điều trị Đái tháo đường
V. Lựa chọn thuốc cụ thể
a) Metformin là lựa chọn đầu tiên để điều trị bệnh nhân ĐTĐ típ 2 cùng với thay đổi lối sống (bao gồm kiểm soát cân nặng, chế độ ăn và tập luyện thể lực). Có thể kết hợp thay đổi lối sống và metformin ngay từ đầu. Thay đổi lối sống đơn thuần chỉ thực hiện ở những bệnh nhân mới chẩn đoán, chưa có biến chứng mạn và mức đường huyết gần bình thường.
b) Khi các vấn đề BTMDXV, Suy tim và Bệnh thận mạn đã xuất hiện ở người bệnh đái tháo đường thì chúng ta cần hành động ngay theo chỉ định mới, ưu tiên, không phụ thuộc phác đồ thuốc hạ đường huyết vẫn đang được điều trị cho bệnh nhân:
- Nếu bệnh nhân có bệnh ĐMDVX hoặc nguy cơ cao ưu tiên lựa chọn thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 với các lợi ích rõ ràng trên tim mạch hoặc thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose (Ức chế SGLT2) với mức lọc cầu thận phù hợp. (Lưu ý: Thông tin kê toa của thuốc Ức chế SGLT2 liên quan đến mức lọc cầu thận eGFR thay đổi tùy theo từng hoạt chất và từng quốc gia, vui lòng tham khảo thông tin kê toa của các thuốc Ức chế SGLT2 tại Việt Nam để khởi trị hay tiếp tục điều trị với Ức chế SGLT2).
- Đối tượng mắc kèm suy tim hoặc bệnh thận mạn: cân nhắc dùng Ức chế SGLT2 để giảm nguy cơ nhập viện do suy tim và/hoặc tiến triển bệnh thận mạn. Nếu SGLT-2i không dung nạp hoặc chống chỉ định hoặc eGFR không phù hợp thì bổ sung GLP-1 RA đã được chứng minh lợi ích trên tim mạch.
c) Phối hợp thuốc sớm nên được cân nhắc ở một số bệnh nhân khi bắt đầu khởi trị để hạn chế thất bại và đạt mục tiêu điều trị nhanh, tốt hơn. Không lựa chọn các thuốc cùng 1 nhóm, cùng cơ chế tác dụng.
d) Sau khi khởi trị, metformin nên được duy trì nếu vẫn dung nạp và không có chống chỉ định.
e) Với các bệnh nhân không có bệnh tim mạch do vữa xơ hoặc không có yếu tố nguy cơ BTMDVX: sau khi khởi trị metformin mà không đạt mục tiêu đường huyết thì cân nhắc lựa chọn các nhóm khác theo phác đồ:
- Nếu chi phí điều trị là vấn đề chính: ưu tiên chọn SU, TZD
- Nếu người bệnh có nguy cơ cao hạ glucose máu: ưu tiên chọn DPP-4i, SGLT-2i, GLP-1, TZD
- Nếu người bệnh cần giảm cân: ưu tiên chọn SGLT-2i, GLP-1
f) Sử dụng sớm insulin nên cân nhắc nếu có bằng chứng của dị hóa (giảm cân), triệu chứng tăng đường huyết, hoặc nếu mức A1C ≥9% hoặc mức glucose huyết rất cao ≥300 mg/dL (16.7 mmol/L).
g) Ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 không đạt được HbA1c mục tiêu với thuốc hạ đường huyết uống thì thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 được ưu tiên hơn là insulin nhờ vào khả năng kiểm soát đường huyết tốt, cải thiện chức năng tế bào beta, hiệu quả giảm cân tốt, lợi ích trên tim mạch và tỉ lệ mắc biến chứng hạ đường huyết thấp của GLP-1 RA khi đơn trị liệu hay phối hợp với các thuốc điều trị đái tháo đường dạng uống đã được chứng minh.
h) Với bệnh nhân ĐTĐ típ 2 không đạt mục tiêu điều trị, cần điều trị tích cực ngay không trì hoãn.
i) Cần đánh giá lại chiến lược điều trị mỗi 3 tháng và điều chỉnh nếu cần, phụ thuộc vào các yếu tố đặc biệt có ảnh hưởng đến lựa chọn thuốc trong điều trị
j) Cần thận trọng tránh nguy cơ hạ glucose máu khi khởi đầu điều trị bằng sulfonylurea, insulin, đặc biệt khi glucose huyết ban đầu không cao và bệnh nhân lớn tuổi.
k) Hướng dẫn kỹ thuật tiêm và triệu chứng hạ đường huyết cho bệnh nhân. Kiểm tra mỗi khi tái khám, khám vùng da nơi tiêm insulin xem có vết bầm, nhiễm trùng, loạn dưỡng da.
- Tóm lại, bệnh đái tháo đường ở người già là bệnh lý khá phổ biến, nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc những biến chứng nghiêm trọng, tuy nhiên nguy cơ này có thể được cải thiện rất nhiều bằng cách điều trị y tế và điều chỉnh lối sống thích hợp.
Để sớm phát hiện bệnh tiểu đường ở người cao tuổi và kiểm soát được tình trạng bệnh tốt hơn, bệnh nhân nên kiểm tra, xét nghiệm, khám sàng lọc đái tháo đường thường xuyên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 Bộ Y tế 2020
- Standards of Medical Care in Diabetes—ADA 2022