Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) không còn là căn bệnh của “người giàu”, tỷ lệ bệnh đái tháo đường gia tăng ở khắp mọi nơi, rõ rệt nhất ở các nước thu nhập trung bình trên thế giới. Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới, năm 2019 số người trưởng thành mắc đái tháo đường trên toàn thế giới là 463 triệu người, dự đoán sẽ tăng lên 578 triệu người vào năm 2030 và 700 triệu người vào năm 2045. Tại Việt Nam, năm 2017 có 3,53 triệu người (20-79 tuổi) mắc đái tháo đường, năm 2019 là 3,78 triệu người và ước tính đến năm 2045 sẽ tăng lên 6,3 triệu người. Đây chính là “kẻ giết người thầm lặng”, là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh nguy hiểm như bệnh lý mạch vành, tai biến mạch máu não, đục thủy tinh thể, suy thận,...
Chế độ ăn là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị bệnh đái tháo đường với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ, cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dinh dưỡng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn, đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động và làm những công việc phù hợp với từng cá nhân.
Vì vậy, đối với bệnh nhân ĐTĐ ăn như thế nào cho đúng phương pháp và đủ dinh dưỡng thì vẫn là vấn đề rất được quan tâm của bệnh nhân lẫn thân nhân.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường cần đảm bảo các nguyên tắc:
- Đủ chất đạm, béo, bột đường, vitamin, muối khoáng với khối lượng hợp lý
- Không làm tăng đường máu sau bữa ăn và hạ đường máu lúc xa bữa ăn
- Hạn chế được các rối loạn chuyển hóa
- Duy trì được cân nặng ở mức hợp lý
- Duy trì được hoạt động thể lực hàng ngày
- Phù hợp với tập quán ăn uống của địa phương
- Đơn giản, tiện lợi và không quá đắt tiền
Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng
Bệnh nhân đái tháo đường cũng có nhu cầu năng lượng gần giống như người bình thường. Tuy nhiên nhu cầu này tăng hay giảm còn phụ thuộc vào tuổi, loại lao động, thể trạng béo hay gầy…
Glucid (chất bột đường): trong bệnh đái tháo đường, đường huyết có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn. Do vậy điều cơ bản trong chế độ ăn của bệnh nhân là phải hạn chế glucid, tuy nhiên không được giảm quá nhiều để cơ thể vẫn có thể duy trì được cân nặng và hoạt động bình thường. Tỉ lệ năng lượng do glucid được chấp nhận là 50 - 60% (người bình thường là 65%) tổng số năng lượng của khẩu phần.
Để bệnh nhân đái tháo đường dễ dàng trong việc lựa chọn thực phẩm, người ta chia thức ăn thành từng loại có hàm lượng gluxit khác nhau:
- Loại có hàm lượng gluxit bằng hoặc dưới 5%: người bệnh có thể sử dụng hàng ngày, gồm các loại thịt, cá, đậu phụ (với số lượng vừa phải), hầu hết các loại rau xanh còn tươi và một số trái cây ít ngọt như: dưa bở, mận, nho ta, nhót chín…(có thể sử dụng không hạn chế)
- Loại có hàm lượng gluxit từ 10% - 20%: nên ăn hạn chế (mỗi tuần 3-4 lần với số lượng vừa phải) gồm một số hoa quả tương đối ngọt như: quýt, táo, vú sữa, na, hồng xiêm, xoài chín, sữa đậu nành, các loại đậu quả (đậu vàng, đậu hà lan…).
- Loại có hàm lượng gluxit trên 20%: cần kiêng hay rất hạn chế sử dụng vì khi ăn vào làm tăng nhanh đường huyết, gồm các loại bánh, mứt, kẹo, nước ngọt và các loại trái cây ngọt nhiều (mít khô, vải khô, nhãn khô...). Riêng gạo là lương thực quen ăn hàng ngày thì cần khống chế số lượng từng bữa (không quá 70g/bữa chính).
Protein (chất đạm): Với bệnh nhân đái tháo đường có chức năng thận bình thường lượng protein nên đạt 0,8 kg ngày đối với người lớn và chiếm 15% - 20% năng lượng khẩu phần. Với bệnh nhân có bệnh lý thận kèm theo cần giảm lượng protein trong khẩu phần ăn. Nên sử dụng phối hợp cả protein động vật (thịt, cá, trứng, sữa) với protein thực vật (vừng lạc, đậu, đỗ) vừa hạ được giá tiền mà các loại đậu, lạc có chỉ số đường huyết thấp hơn.
Lipid (chất béo): Khẩu phần ăn của bệnh nhân đái tháo đường cũng rất cần chất béo để cung cấp năng lượng (bù lại phần năng lượng do glucid cung cấp bị giảm đi). Nên ăn các axit béo bão hòa có trong các loại dầu hạt (dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương…). Tỉ lệ năng lượng do chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần (người bình thường là 18-20%) và không nên vượt quá 30%.
Vitamin và các yếu tố vi lượng: Cần đảm bảo đủ các vitamin và yếu tố vi lượng (sắt, iốt…). Các thành phần này thường có trong rau quả tươi.
Chất xơ: nên ăn những thức ăn có nhiều chất xơ (xenluloza), nhất là chất xơ hòa tan. Chất xơ có nhiều trong gạo giã chưa kỹ; rau; củ, quả (làm rau); khoai củ có tác dụng chống táo bón, giảm tăng đường huyết và cholesterol sau bữa ăn.
Muối ăn: Nội mạc mạch máu của bệnh nhân ĐTĐ rất nhạy cảm với muối so với người bình thường vì thế nguy cơ tăng huyết áp khi sử dụng nhiều chất muối ngay cả giai đoạn tiền ĐTĐ. Vì thế bệnh nhân ĐTĐ nên hạn chế muối, tiêu thụ dưới 2.300 mg/ngày (1 thìa cafe muối tương đương với 3.000mg muối)
Trái cây: Đường trong trái cây là loại đường fructose. Đường fructose làm tăng đường huyết chậm hơn đường sucrose (đường mía) do đó bệnh nhân đái tháo đường có thể dùng được. Nên ăn những loại trái cây có màu đậm. Trái cây có màu đậm thường có nhiều loại vitamin và chất khoáng cần thiết cho tim mạch và sức khỏe nói chung. Khi đã ăn trái cây thì nên bớt lượng chất bột trong bữa ăn hàng ngày với liều lượng tương đương. Chú ý không nên dùng nước ép trái cây, khi đó mất lượng chất xơ có trong trái cây, làm đường- huyết có thể tăng cao.
Số bữa ăn: Để đảm bảo không bị tăng đường huyết sau bữa ăn và hạ đường huyết xa bữa ăn, nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày dựa trên tổng số năng lượng của cả ngày như sau: Bữa sáng : 10%. Bữa phụ buổi sáng: 10% .Bữa trưa: 30% . Bữa phụ buổi chiều: 10%. Bữa tối: 30%. Bữa phụ buổi tối (trước khi đi ngủ): 10%
Lựa chọn thực phẩm
Bệnh nhân ĐTĐ nên hạn chế ăn các thực phẩm có chứa Fructose ( đường đơn) như: đường phèn, đường mía, nước ngọt,... Các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như: mỡ động vật, thịt đỏ, tim gan, cật, thức ăn chiên xào, rán… cũng cần hạn chế.
Bệnh nhân ĐTĐ không nên dùng các thực phẩm có chứa các loại protein gây hại như: các loại thịt đóng hộp, thịt xông khói, các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn giàu đạm, muối và đường. Tương tự với các loại trái cây đóng hộp, trái cây sấy khô cũng là thức ăn mà người bệnh tiểu đường nên tuyệt đối tránh.
Người bệnh và người thân của bệnh nhân cũng nên chú ý đến cách chế biến thực phẩm. Nên dùng các món luộc, hấp,…và hạn chế các món chiên, xào, kho, rim,…vì sẽ làm tăng chỉ số đường huyết của thực phẩm.
Kết luận
Đái tháo đường là một bệnh mạn tính mà dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị. Để kiểm soát tốt đường huyết, người bệnh không nhất thiết phải “kiêng khem” quá mức như mọi người từng nghĩ. Hiểu rõ được tầm quan trọng của dinh dưỡng điều trị, biết cách phân bố bữa ăn hợp lý và lựa chọn thực phẩm phù hợp trong khẩu phần ăn hằng ngày, người bệnh ĐTĐ vẫn có thể xây dựng được các thực đơn đa dạng, phong phú với đầy đủ các nhóm thực phẩm mà vẫn duy trì được mức đường huyết ổn định lâu dài.
Ngoài ra, điều trị ĐTĐ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa dinh dưỡng với việc tuân thủ dùng thuốc và chế độ luyện tập thể dục phù hợp. Như vậy, bệnh nhân sẽ kiểm soát tốt căn bệnh và phòng ngừa được những biến chứng nguy hiểm về sau.
Tài liệu tham khảo
- ADA.Classification and Diagnosis of Diabetes: Standards of Medical Care in Diabetes 2020. Diabetes care. 2020
- World Health Organization. Global Report on Diabetes. 2016.
- International Diabetes Federation. IDF Diabetes Atlas Ninth edition. 2019
- Bộ Y tế. Gánh Nặng Bệnh Đái Tháo Đường tại Việt Nam. 2017
- Bộ Y tế, Viện dinh dưỡng. Dinh dưỡng lâm sàng. Nhà xuất bản Y học. 2018
- Nguyễn Hải Thủy. Khuyến cáo: Điều trị ĐTĐ – phương pháp quản lý lối sống, Hội nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam. 2019