tin tuc

Nang xương hàm do răng - thủ phạm phá hủy xương thầm lặng cần phát hiện sớm

Thứ năm - 07/07/2022 22:10
Nang xương hàm do răng - thủ phạm phá hủy xương thầm lặng cần phát hiện sớm
1. Định nghĩa:
        Nang là một hốc bệnh lý trong xương hàm có chứa dịch loãng hoặc nửa loãng hoặc khí, được lót bằng lớp tế bào biểu mô nhưng không phải luôn luôn có. Nang xương hàm được tạo thành bởi nguyên nhân do răng hoặc không do răng và các loại nang bẩm sinh, trong đó nang xương hàm do răng là một tình trạng bệnh lý phổ biến nhất, thường gặp nhất trên lâm sàng.
2. Phân loại, nguyên nhân
     Có nhiều cách phân loại nang xương hàm, nhưng hai loại phổ biến thường gặp trên lâm sàng là nang chân răng và nang thân răng.
2.1.Nang chân răng:
        Là nang phát triển liên quan trực tiếp với chân răng, là loại nang thường gặp nhất ở xương hàm. Nguyên nhân là do sự nhiễm trùng mãn tính ở quanh cuống răng tạo nên tổ chức hạt quanh cuống, đồng thời cũng kích thích mảnh vụn biểu mô Mallassez phát triển để hình thành u hạt biểu mô, rồi sẽ tiến triển hình thành nang chân răng.Nang chứa dịch bên trong lớn dần đưa đến sự tiêu xương lân cận và sự bành trướng của nang.
2.2. Nang thân răng
       Nang thân răng là nang bao bọc quanh một hoặc nhiều thân răng ngầm chưa mọc trên cung hàm. Nguyên nhân gây nên nang thân răng có thể là do viêm mạn tính quanh cuống răng sữa làm thay đổi thoái hóa ở cơ quan tạo men để phát triển thành nang, hoặc sự hình thành nang có thể từ một điểm nào đó của dây kéo răng đã có sự thay đổi dẫn tới hình thành nang ở vị trí trên răng hoặc nang phát triển quanh một thân răng ngầm.
3. Triệu chứng lâm sàng: Nang ở trong xương tiến triển qua ba giai đoạn:
3.1. Giai đoạn tiềm ẩn: diễn ra từ từ thầm lặng, bệnh nhân ít chú ý vì ít rối loạn chức năng, chỉ phát hiện tình cờ khi chụp film XQ răng, nhưng cũng có khi nang bị nhiễm trùng gây sưng tấy và đau nhức.
3.2. Giai đoạn toàn phát:
 Nang dần biểu lộ ra ngoài bằng một khối u cứng, không đau,u to dần làm phồng niêm mạc, có khi phồng cả ra ngoài làm biến dạng mặt, da, niêm mạc trên nang thường sờ không đau, lúc đầu xương chỉ hơi mỏng đi nên sờ còn cứng. Khi vỏ ngoài xương hàm mỏng dần thì sờ vào u có cảm giác như sờ vào quả bóng nhựa. ấn mạnh có thể lún xuống rồi phồng lên, càng sau này nang phát triển thì sờ vào như đụng vào nước sát niêm mạc (dấu hiệu ba động) vì chỉ còn một màng xương mỏng dính.
3.3. Giai đoạn biến chứng:
       Thường bị nhiễm khuẩn, có dấu hiệu đau nhức như viêm tấy xương, nước nang đặc quánh thành mủ, mùi hôi thối ( hàm trên có thể liên quan xoang hàm). Nang có thể tự vỡ ra để lại lỗ dò trên niêm mạc, trên da, hoặc nang lớn chèn ép vào dây thần kinh răng dưới gây dị cảm môi…
4. Chẩn đoán và điều trị:
   -  Bệnh viện Đa khoa Tỉnh hiện nay có đầy đủ phương tiện chẩn đoán sớm nang xương hàm như máy chụp XQ toàn cảnh kỹ thuật số (Panorama), CTScanner  hàm mặt 164 lát cắt dựng hình 3D, đặc biệt là máy chụp cắt lớp chùm  tia hình nón (CT Cone Beam) có thể cho hình ảnh chân thực nhất về kích thước nang xương hàm, tình trạng tủy của các răng kế cận, đồng thời đánh giá chính xác vị trí của nang liên quan đến xoang hàm và ống thần kinh răng dưới.
- Trên cơ sở chẩn đoán chính xác nang xương nhờ các phương tiện chuẩn đoán hiện đại, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh đã và đang phát hiện sớm và điều trị chính xác các bệnh lý nang xương hàm cho người dân trên địa bàn trong và ngoài Tỉnh bằng các phương pháp phẫu thuật hiện đại và hiệu quả.
5. 
Dự phòng
      Đây là bệnh lý mang tính chất lành tính, diễn tiến âm thầm phá hủy xương mà hoàn toàn không đau, không có triệu chứng cho đến khi giai đoạn toàn phát quá muộn mới bộc lộ ra bên ngoài. Bệnh này thường để lại những hậu quả nặng nề về phương diện cấu trúc, thẩm mỹ, phát âm và chức năng ăn nhai, đặc biệt, theo nhiều nghiên cứu, nang xương hàm cũng có thể chuyển thành ác tính. Do đó cần phải phát hiện và điều trị sớm, đúng cách và kịp thời. Tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, bệnh lý này còn khá phổ biến và thường đến khám vào giai đoạn bệnh lý đã quá muộn khi mà xương hàm đã bị phá hủy rất nghiêm trong. Để phát hiện và điều trị sơm bệnh lí này, mọi người dân nên đến khám tại cơ sở y tế khi có các dấu hiệu và triệu chứng sau:
  • Khối sưng phồng biến dạng bất thường ở mặt, má, xương hàm, ngách lợi. Khối này có thể dò mủ hay không dò mủ, có thể kèm tê môi hay không. Đây có thể là nang xương hàm giai đoạn muôn phá hủy xương trầm trọng
  • Thấy thiếu răng trên cung hàm. Thiếu răng có thể là do răng ngầm trong xương tạo nang thân răng không mọc lên được
  • Trẻ chậm mọc răng hoặc răng sữa thay lâu rồi mà không thấy răng vĩnh viễn mọc lên
  • Tất cả các trường hợp răng sâu, răng vỡ do sâu hoặc chấn thương, các chân răng tồn tại lâu trên cung hàm đều có nguy cơ nhiễm trùng tạo nang chân răng.
  • Tuy nhiên nang thân răng có thể xuất hiện quanh những răng thừa ngầm trong xương nên mặc dù trên cung hàm không thiếu răng nhưng vẫn có thể bị nang thân răng. Do đó, tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em dưới 6 tuổi nên khám chụp phim XQ Panorama kỹ thuật số hoặc CT Cone Beam kiểm tra sàng lọc để phát hiện bệnh sớm.
Nang thân răng gây biến dạng mặt trái do R35 ngầm trong xương
Nang chân răng 41 gây sưng phồng ngách lợi môi dưới
Hình ảnh nang thân răng do 2 răng thừa (mesiodent) ngầm trên CT Cone Beam và nang thân răng do R12,13 mọc ngầm trên CTScanner hàm mặt 164 lát cắt

Tác giả bài viết: Bs CKI. Lê Xuân Thành - Khoa RHM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây