tin tuc

Hướng dẫn cách sắc và sử dụng thuốc thang trong Y Học Cổ Truyền

Thứ tư - 02/12/2020 22:37
Hướng dẫn cách sắc và sử dụng thuốc thang trong Y Học Cổ Truyền
I. KHÁI NIỆM THUỐC THANG
Thuốc thang là các vị thuốc đã được bào chế và phối ngũ theo lý luận của Y học cổ truyền, được đun với nước ở một khoảng thời gian nhất định, sau đó bỏ bã và lấy dịch chiết để uống.

Với ưu điểm sử dụng linh hoạt, dễ thực hiện, dùng được cho nhiều loại bệnh, hấp thu nhanh, hiệu quả tác dụng nhanh, phân liều hoàn chỉnh dùng trong ngày, dễ dàng điều chỉnh theo diễn biến của người bệnh, nên đây là phương pháp bào chế thông dụng, được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị. Bên cạnh đó, có một số hạn chế như do dạng thuốc đã được cá thể hóa để phù hợp với từng người bệnh, khi cần số lượng lớn có tính đồng nhất thường mất thời gian hơn so với các phương pháp khác; đồng thời, tính ổn định kém nên khó bảo quản, vận chuyển.
II. KỸ THUẬT SẮC THUỐC
Kỹ thuật sắc thuốc có vai trò quan trọng quyết định hiệu quả thuốc. Lý Thời Trân đã viết “uống thuốc thang, dẫu phẩm chất thuốc tốt và bào chế đúng phép, nhưng sắc thuốc lỗ mãng, vội vàng, đun lửa không đúng mức, thì thuốc cũng không công hiệu”
2.1. Chuẩn bị
- Dụng cụ sắc thuốc: Nồi sứ, gốm hoặc bằng nhôm, tránh dùng các dụng cụ bằng gang, sắt gây phản ứng hóa học với các thành phần của vị thuốc.
- Nước dùng để sắc thuốc: Thường dùng nước ngọt như nước giếng, nước mưa, tốt nhất dùng nước sạch chứa ít khoáng chất và tạp chất.
- Sơ chế các vị thuốc: Các vị thuốc đã được bào chế theo chỉ định. Dùng nước rửa sạch thuốc, giã dập các phiến thuốc, ngâm trong nước 30 phút trước khi sắc để giảm thời gian sắc thuốc mà chất lượng nước sắc tốt hơn. Ngoài ra, một số loại thuốc cần chú ý như:
+ Các loại thuốc là kim thạch (Thạch cao, Thạch quyết minh, Đại giả thạch,…), nhân của các hạt có vỏ cứng thường giã vụn trước khi sắc.

+ Các vị thuốc dạng bột không tan trong nước, các loại hạt nhỏ (Xa tiền tử, Tô tử, Đình lịch tử), các vị thuốc có lông (Tuyền phúc hoa, Tỳ bà diệp) dễ kích thích cổ họng khi lẫn vào nước thuốc được bọc vào túi vải riêng
2.2. Trình tự, kỹ thuật sắc thuốc
-Kỹ thuật sắc thuốc luôn chú trọng mức độ lửa, lượng nước và thời gian. Trước tiên, cho lửa to để nhanh chóng sôi, sau đó, tùy theo mục đích điều trị, được chia thành hai cách:
+ Sắc thuốc phát tán: các loại thuốc này phần nhiều lấy khí, thường có chứa tinh dầu, dễ bay hơi nên được sắc một lần, đổ ít nước (mức nước vừa đủ ngập vị thuốc), dùng lửa lớn (vũ hỏa), đun sôi trong 20 phút.
+ Sắc thuốc bổ: các loại thuốc này phần nhiều lấy vị, cho nên được sắc 2 lần, sắc lâu để chất thuốc đủ thời gian để chiết hết. Trong lượt đầu tiên, đổ nhiều nước (mức nước ngập quá bề mặt thuốc khoảng 5- 6 cm, khoảng bốn bát nước), dùng lửa nhỏ (văn hỏa), đun sôi trong 120 phút, đến còn lại gần một bát. Sau đó sắc tiếp lần 2, cho khoảng hai bát nước sắc đến khi còn lại nửa bát. Hòa chung hai lượt thuốc với nhau để dùng.
-Thứ tự cho các loại thuốc vào sắc
Đa phần các vị thuốc đều được cho vào sắc cùng một lượt, riêng một số vị thuốc sau có những đặc điểm riêng, cần chú ý khi sắc. Bác sỹ điều trị sẽ hướng dẫn cụ thể cho mỗi người bệnh:
Đặc điểm Cách nhận biết thông thường
Vị thuốc Ma hoàng phải được sắc trước bỏ bọt, sau mới cho các thuốc khác vào để sắc tiếp




 
Hình ảnh vị thuốc Ma hoàng
 
Sắc riêng: thường là các vị thuốc quý hiếm để tránh hao hụt như Nhân sâm, Tam thất, Lộc nhung  
Sắc trước: (1) các loại thuốc từ vỏ giáp xác của động vật, khoáng vật,…như Thạch quyết minh, Mẫu lệ, Long cốt, Qui bản, Thạch cao sống, Từ thạch, Sừng trâu; (2) hoặc các thuốc nhẹ, số lượng thuốc lớn (Lô căn, Mao căn, Trúc nhự, Hạ khô thảo) sắc trước, chắt lấy nước làm nước sắc. - Vỏ giáp xác của động vật, các loại khoáng vật;
- Các thân, cành có số lượng thuốc lớn.
Sắc sau: các loại thuốc có chứa tinh dầu, dễ bay hơi hoặc biến tính khi đun sôi quá lâu như Bạc hà, Mộc hương, Sa nhân, Bạch đậu khấu, Thanh hao, Hương nhu Thường là cành, lá, hoa, thân thảo, có mùi thơm đặc trưng khi vò nát
Hòa tan khi uống: (1) các vị thuốc tự nhiên dùng được trực tiếp (Mật ong); hoặc (2) các vị thuốc không tan trong nước, bay hơi hoặc mất tác dụng khi sắc (Mang tiêu, bột Quế, Trầm, bột Sa nhân, Chu sa, Ngưu hoàng, Hổ phách); hoặc (3) các dạng cao dùng được trực tiếp (A giao, cao Kê huyết đằng, cao Qui bản, cao Sừng hươu); hoặc (4) vị thuốc dễ tạo keo khi đun nóng (bột Mạch nha) -Thường là các loại cao dẻo được cắt thành từng miếng,
-Các thuốc dạng bột đã được gói riêng khi nhận thuốc.
III. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THUỐC THANG CHO NGƯỜI BỆNH
* Nên uống thuốc còn nóng hay nguội?
Nên chưng ấm khi uống. Riêng người bệnh thể hàn (cảm mạo phong hàn, phong tê thấp thể hàn...) cần phải uống nóng để tăng sức phát hãn, tăng phát khí vị để lưu thông khí huyết. Người bệnh thuộc thể nhiệt (cảm mạo phong nhiệt, dị ứng do nhiệt, nhiệt tý) có thể uống hơi ấm hoặc nguội.

* Nên uống thuốc lúc no hay đói?
Các loại thuốc thường dùng sau bữa ăn độ một giờ rưỡi đến hai giờ, chia uống từ 2 -3 lần trong ngày. Không nên uống lúc no quá hay đói quá; vì sẽ cản trở hấp thu hoặc dễ gây kích ứng, buồn nôn.... Riêng thuốc có tác dụng tả hạ (thông đại tiện), trục thuỷ (lợi tiểu), trừ trùng tích nên uống khi đói; thuốc có tác dụng thanh nhiệt, kháng dị ứng, kích thích tiêu hoá thường uống trước bữa ăn độ một giờ; thuốc bổ dưỡng thường uống sau bữa ăn khoảng hai giờ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế (2008), Quy trình “Sắc thuốc thang”, Quy trình kỹ thuật chuyên ngành Y học cổ truyền,
2. Khoa Y học cổ truyền (2018), Chế biến dược liệu, đào tạo Bác sỹ Y học cổ truyền, Đại học Y Dược Huế
3. Khoa Y học cổ truyền (2005), Bào chế đông dược, Đại học Y Hà Nội Nhà xuất bản Y học
4. Trần Thúy, Phạm Duy Nhạc, Hoàng Bảo Châu (2005), Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học

Tác giả bài viết: Bs. Trần Thị Ngọc Thu – Khoa YHCT

Tổng số điểm của bài viết là: 56 trong 12 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 12 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây