tin tuc

Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em

Chủ nhật - 28/02/2021 21:57
Viêm tiểu phế quản cấp là bệnh lý viêm nhiễm cấp tính ở các phế quản cỡ nhỏ và trung bình do virus, được đặc trưng bởi hiện tượng viêm cấp, phù nề, hoại tử các tế bào biểu mô đường dẫn khí nhỏ, tăng sản xuất chất nhầy và co thắt phế quản. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân, thời tiết ẩm ướt.Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi với hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi ho, khò khè, thở nhanh và/hoặc thở rút lõm lồng ngực.
 
1.NGUYÊN NHÂN
1.1.Tác nhân nhiễm trùng
- Virus hợp bào hô hấp (RSV: Respiratory Syncytial Virus) chiếm hơn 50% các trường hợp, có thể gây thành dịch.
- Virus Adenovirus (10%): bệnh cảnh viêm tiểu phế quản nặng nề hơn, kéo dài hơn và có khả năng diễn tiến thành viêm tiểu phế quản tắc nghẽn (đặc biệt các type 3,7,21).
- Các virus khác: Parainfluenza virus, Influenza virus, Rhinovirus, Human Metapneumovirus,Enterovirus…
1.2. Yếu tố nguy cơ
  • Trẻ nằm trong vụ dịch cúm hay viêm đường hô hấp trên do RSV
  • Trẻ bị ốm do nhiễm virus trước đó (viêm mũi họng, viêm amydal, viêm VA…)
  • Tuổi nhỏ < 6 tháng
  • Tiền sử sinh non (đặc biệt dưới 32 tuần), suy hô hấp sơ sinh
  • Bệnh tim bẩm sinh: đặc biệt tim bẩm sinh có tím, tim bẩm sinh có kèm tăng áp lực động mạch phổi.
  • Bệnh phổi mạn tính: dị tật đường hô hấp bẩm sinh, bệnh xơ nang phổi, loạn sản phế quản phổi…
  • Suy giảm miễn dịch (bẩm sinh, mắc phải)
  • Suy dinh dưỡng nặng
  • Bất thường nhiễm sắc thể: hội chứng Down
  • Bệnh lý thần kinh - cơ: hội chứng Werdnig-Hoffman,…
  • Bệnh lý gan mật mạn tính: vàng da ứ mật bẩm sinh
2.CƠ CHẾ BỆNH SINH
Tác nhân vi sinh tấn công vào lớp tế bào biểu mô niêm mạc phế quản gây phù nề, thoái hóa, hoại tử. Tăng tiết dịch, tăng độ nhầy, đặc biệt tập trung ở các tiểu phế quản gây tắc nghẽn. Một số vùng phế quản tổn thương sâu gây co thắt - tắc nghẽn và co thắt ở các tiểu phế quản làm xẹp phổi hay ứ khí phế nang.Hậu quả suy hô hấp do rối loạn thông khí đe dọa tử vong.
 
3.CHẨN ĐOÁN
3.1.Tiêu chuẩn chẩn đoán:
Lâm sàng có giá trị gợi ý, khẳng định chẩn đoán dựa trên nuôi cấy phân lập được virus.
- Tuổi bệnh nhân: dưới 24 tháng.
- Khởi đầu với triệu chứng viêm hô hấo trên và hoặc chảy nước mũi trong 1-3 ngày
- Triệu chứng lâm sàng: ho, khò khè, thở nhanh và hoặc thở rút lõm lồng ngực, nghe phổi có ran rít, ngáy hoặc ran ẩm hoặc cả hai
- Lưu ý: trẻ nhỏ (đặc biệt là dưới 6 tuần tuổi) có thể có con ngưng thở mà không có các triệu chứng lâm sàng khác
3.2. Tiêu chuẩn cận lâm sàng
- Công thức máu ngoại vi: số lượng bạch cầu giảm hoặc bình thường, hay tăng tỷ lệ lympho 
- Khí máu: PaCO2 giảm, PaCO2 tăng: Nhiễm toan hô hấp kèm theo, có giá trị đánh giá mức độ nặng của suy hô hấp.
- Xquang phổi: hình ảnh mờ lan tỏa, ứ khí, xẹp phổi từng vùng…
- Xét nghiệm phát hiện virus: trong dịch tiết đường hô hấp hoặc trong tổ chức phổi hoặc phản ứng huyết thanh (ELISA).
Phân độ
Thông số đánh giá Nhẹ Trung bình Nặng
Tri giác Bình thường Đôi khi kích thích Kích thích nhiều và/hoặc li bì, kiệt sức
Ăn, bú Bình thường (>75% bình thường) 50-75% bình thường Bỏ bú hoặc bú kém (trẻ < 2 tháng)
không uống được
(> 2 tháng)
Nhịp thở Bình thường Tăng (<70 lần/phút) Tăng (>70 lần/phút)
Co kéo cơ
hô hấp phụ
Không Rút lõm lồng ngực Rút lõm
lồng ngực nặng
Độ bão
hòa oxy
> 95% 92-95% < 92%
Tím Không Không
Ngưng thở Không Có thể có cơn ngưng thở ngắn Cơn ngưng thở có thường xuyên, kéo dài
 
3.3. Chẩn đoán phân biệt
  • Hen phế quản: rất khó phân biệt với những cơn hen đầu tiên
  • Phế quản phế viêm do vi khuẩn kèm theo căng giãn phổi do tắc nghẽn lan tỏa.
  • Chèn ép khí phế quản từ ngoài vào (mạch máu, u)
  • Tắc nghẽn đường hô hấp ở trong: u, u mạch máu, hẹp khí quản
  • Dị vật đường thở
  • Trào ngược da dày thực quản
  • Suy tim
  • Ho gà
  • Khó thở thứ phát sau nhiễm virus
4.BIẾN CHỨNG
  • Suy hô hấp cấp
  • Tràn khí màng phổi
  • Suy tim ở trẻ có sẵn bệnh tim trước đó
  • Xẹp phổi
  • Tử vong
5.ĐIỀU TRỊ
5.1.Thể nặng
  • Hút thông đường hô hấp trên, tư thế Fowler
  • Thở oxy, thở oxy lưu dòng cao (HFNC), NCPAP, hay thở máy để duy trì SpO2 ≥ 95%.
  • Thuốc giãn phế quản đường khí dung ẩm (thuốc nhóm kích thích b2
    Adrenergic như Salbutamol. Liều 150mg/kg/lần hoặc Adrenalin 0,4-0,5ml/kg/lần.
  • Truyền nước, điện giải, cung cấp đủ theo nhu cầu bù lượng bị thiếu hụt.
  • Theo dõi ở trung tâm hồi sức.
  • Phối hợp vật lý trị liệu hô hấp, vỗ rung giải thoát đờm khi không có suy hô hấp.
  • Chỉ sử dụng kháng sinh trong trường hợp có biểu hiện nhiễm vi khuẩn thứ phát.
  • Cân nhắc khi sử dụng Corticoid, nếu cần thiết có thể dung Methylprednisolon 2mg/kg/24h.
5.2.Thể trung bình
  • Thông thoáng đường thở
  • Thở oxy nếu SpO2 < 92% để duy trì SpO2 ≥ 95%.
  • Xem xét điều trị thử khí dung thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh như Salbutamol (150mg/lần/kg), hoặc/và nước muối ưu trương.
  • Bù đủ dịch và điện giải theo nhu cầu và thiếu hụt do thở nhanh, sốt, nôn.
  • Vật lý trị liệu hô hấp, vỗ rung, hút đàm
  • Cân nhắc khi sử dụng kháng sinh.
5.3.Thể nhẹ
  • Có thể điều trị ngoại trú
  • Thông thoáng đường thở
  • Uống nhiều nước, ăn bú bình thường
  • Điều trị triệu chứng sốt
  • Không chỉ định kháng sinh, giãn phế quản, corticoid, long đàm, vật lý trị liệu hô hấp.
6.DỰ PHÒNG
  • Các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo:
Rửa tay: là biện pháp quan trọng nhất
Các biện pháp có thể áp dụng tùy theo điều kiện
  • Cách ly bệnh nhân theo nhóm
  • Mang găng, khẩu trang, mặc áo choàng
  • Hạn chế tiếp xúc
-  Chưa có vaccine đặc hiệu cho tất cả các căn nguyên. Có hai loại thuốc có thể phòng ngừa nhiễm RSV là Immunoglobulin miễn dịch đối với RSV dạng tiêm (RSV-IVIG) được tạo từ huyết thanh người và Palivizumab, một kháng thể đơn dòng của chuột được biến đổi giống như của người. Cả hai loại được chứng minh là có khả năng phòng được bệnh lý nhiễm RSV ở trẻ dưới 24 tháng có loạn sản phế quản phổi bẩm sinh hoặc có tiền sử sinh non (tuổi thai dưới 35 tuần). Tuy nhiên cả hai loại này đều không được dùng để điều trị bệnh do RSV.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Bộ Y tế (2015) Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em, trang 218-222.
  2. Bệnh viện Nhi Đồng 1 (2020) Phác đồ điều trị Nhi khoa, Viêm tiểu phế quản cấp, trang 670-678
  3. Shawn L. Ralston, Allan S. Lieberthal, H. Cody Meissner(2014), “Clinical Practice Guideline: The Diagnosis, Management, and Prevention of Bronchiolitis”, Journal of the American Academy of Pediatrics

Tác giả bài viết: Ths.Bsnt. Nguyễn Thị Hoài Thu – Khoa Nhi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây