tin tuc

Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

Thứ ba - 27/10/2020 22:29
Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
1. ĐẠI CƯƠNG
      Ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 sau bệnh lý tim mạch.​ Theo số liệu Globocan 2018, trên thế giới có 18 triệu người mắc mới và 43,8 triệu người hiện mắc ung thư; 9,6 triệu người chết trong năm 2018 vì ung thư. Tại Việt Nam có 164 nghìn người mắc mới và 114 nghìn người chết trong năm 2018.​
      Ung thư và các phương pháp điều trị gây ra tình trạng: chán ăn, giảm khả năng dung nạp thức ăn, suy mòn. ​Từ đó làm giảm đáp ứng điều trị, tăng chi phí điều trị, tăng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.​ Điều trị ung thư là điều trị toàn diện trong đó dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống​.
2. HỘI CHỨNG SUY MÒN TRONG UNG THƯ
2.1. Định nghĩa
      Suy mòn ung thư là một hội chứng đa yếu tố được xác định bởi sự mất khối cơ liên tục (có hoặc không có mất khối mỡ ) mà không thể đảo ngược hoàn toàn bằng hỗ trợ dinh dưỡng thông thường và dẫn đến suy giảm chức năng cơ thể.​
Về mặt bệnh học hội chứng suy mòn là tập hợp của 2 yếu tố: giảm cung cấp dinh dưỡng và chuyển hóa bất thường.​ Suy mòn ung thư liên quan chặt chẽ với tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư, cũng như các biến chứng sau phẫu thuật và giới hạn liều trong liệu pháp điều trị ung thư hệ thống. 
2.2.
Cơ chế suy mòn trong ung thư
​​​​​2.2.1.Giảm lượng chất dinh dưỡng
  • Khối u gây tắc nghẽn, chèn ép đường tiêu hóa.
  • Rối loạn hấp thu có thể do khối u trực tiếp làm thay đổi niêm mạc đường tiêu hóa, do liệu pháp xạ trị hóa trị gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa. Hay sau phẫu thuật cắt bỏ 1 phần đường tiêu hóa.
  • Chán ăn là triệu chứng khá phổ biến trong ung thư.
2.2.2.Các rối loạn chuyển hóa
      Các rối loạn chuyển hóa do khối u sinh ra các chất trung gian dị hóa như: PIF, LMF,... Ngoài ra cơ thể cũng đáp ứng với sự xuất hiện của khối u bằng cách sản sinh các cytokines gây viêm như: TNF-alpha, TNF-beta, interleukin-1, interleukin-6, Interferon- alpha. Các rối loạn chuyển hóa này đặc trưng bởi tình trạng giảm đồng hóa, tăng dị hóa, tăng tiêu hao năng lượng khi nghỉ ngơi
image
Sơ đồ: Cơ chế trao đổi chất của suy mòn dẫn tới sự mất cân

3. CHẨN ĐOÁN TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG
Theo Fearon, 2011 chẩn đoán suy mòn dựa vào các triệu chứng sau:
- Sụt cân >5% trong vòng 6 tháng hoặc BMI<20 và sụt >2% ​
- Bệnh nhân thường có biểu hiện ăn uống kém + đáp ứng viêm toàn thân.
- Sụt cân kéo dài sẽ dẫn đến suy mòn. ​Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng: Sụt cân làm giảm tỉ lệ cũng như thời gian sống ở bệnh nhân ung thư​. Sụt cân khi bắt đầu điều trị ung thư là một tiêu chí quan trọng trong theo dõi tác dụng phụ của trị liệu. Nó liên quan với việc giảm tỷ lệ đáp ứng và tăng độc tính của thuốc.​ Do đó cần phát hiện sớm dấu hiệu của sụt cân, tiền suy mòn để tiến hành can thiệp kịp thời
4. CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG
4.1. Mục tiêu
Mục tiêu là ngăn chặn hoặc phục hồi sự thiếu hụt dinh dưỡng, bảo tồn khối lượng nạc cơ thể, làm giảm thiểu các tác dụng phụ liên quan và nâng cao chất lượng cuộc sống.
4.2. Nguyên tắc
Quá trình điều trị ung thư là một quá trình điều trị đa mô thức bao gồm:
  • Điều trị ung thư đặc hiệu (phẫu thuật, hóa, xạ trị).
  • Điều trị triệu chứng như giảm đau, nôn…
  • Điều trị dinh dưỡng. Quá trình điều trị dinh dưỡng cần được tiến hành sớm tại giai đoạn tiền suy mòn, hoặc giai đoạn suy mòn. Nó bao gồm:
  • Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và năng lượng cho bệnh nhân​
  • Điều hòa đáp ứng chuyển hóa liên quan viêm (dưỡng chất đặc biệt và thuốc) ​
  • Vận động cơ thể (exercise đối kháng- Resistance exercise)​
4.2.1.Nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng
Nhu cầu năng lượng khuyến nghị cho bệnh nhân ung thư(Theo ASPEN) như sau:
  • Bệnh nhân ung thư duy trì cân nặng, nghỉ ngơi cần 25-30Kcal/kg cân nặng hiện tại/ ngày
  • Bệnh nhân ung thư cân tăng cân hoặc tăng đồng hóa cần 30-35 Kcal/ Kg cân nặng hiện tại/ngày.
  • Bệnh nhân stress nặng cần >35Kcal/ Kg cân nặng hiện tại/ngày
  • Bệnh nhân ung thư béo phì cần 21-25Kcal/ Kg cân nặng hiện tại/ngày
Nhu cầu Protein
  • Bệnh nhân ung thư duy trì cân nặng cần 1-1,5 g/ Kg cân nặng hiện tại/ngày
  • Bệnh nhân ung thư tăng chuyển hóa hoặc bị mất protein qua ruột cần 1,5-2,5 g/ Kg cân nặng hiện tại/ ngày. Tăng chuyển hóa thường gặp trong nhiễm trùng, phẫu thuật lớn...
      Nhu cầu Lipid: chiếm 20-30 % tổng năng lượng.
4.2.2.Vai trò của Omega 3 trong ung thư
      Tăng lượng năng lượng nạp vào không bù trừ được những thay đổi chuyển hóa dẫn tới suy mòn.​ Một số nghiên cứu cho thấy rằng dù đã tăng lượng Kcal hằng ngày của bệnh nhân ung thư lên gấp 1,5-1,7 lần mức chuyển hóa cơ sở nhưng tăng cân là không đáng kể.
Omega 3 được cho là chất có khả năng kìm hãm đáp ứng miễn dịch đối với khối u cũng như hạn chế khối u tiết các chất trung gian dị hóa. ​
      Nhiều công trình nghiên cứu cho kết quả: Việc bổ sung omega-3 có thể giúp ổn định cân nặng ở bệnh nhân ung thư có chế độ ăn uống tăng cường và làm giảm sụt cân không chủ ý.​
Theo khuyến cáo của hội dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ (ASPEN)
- Liều < 2g Omega - 3/ngày: Không hiệu quả​
- Liều 2g Omega - 3/ngày: Liều tối ưu
- Liều 6g Omega - 3/ngày: Không hiệu quả hơn liều 2g​
5. MỘT SỐ LỜI KHUYÊN DINH DƯỠNG
5.1. Lời khuyên dinh dưỡng cho bệnh nhân chán ăn​
  • Chia thực phẩm thành nhiều bữa nhỏ trong ngày ​
  • Tránh ăn nhiều chất lỏng trong bữa ăn (trừ bệnh nhân khô miệng hoặc có vấn đề về nuốt)​
  • Trình bày thức ăn đẹp mắt để tăng sự thích thú trong bữa ăn​
  • Tập thể dục nhẹ hoặc đi bộ trước ăn để  cảm thấy đói​
  • Ăn các món tráng miệng giàu năng lượng và giàu protein
5.2. Lời khuyên dinh dưỡng cho bệnh nhân khô miệng
  • Uống 8-10 ly nước mỗi ngày​
  • Chế biến thực phẩm nhỏ,mềm hoặc có thể chế biến thức ăn bổ sung dạng lỏng​
  • Ăn các loại thực phẩm ướt các loại trái cây mềm, thịt nấu nhừ, sinh tố trái cây​
  • Làm mềm thức ăn bằng nước sốt,sữa ,kem…​
  • Ngậm hoặc nhai keo cao su để tăng tiết nước bọt​
  • Giữ vệ sinh  răng miệng​
  • Tránh uống các đồ ngọt có ga, các chất kích thích, có cồn, tính axit, coffee..​
5.3. Lời khuyên dinh dưỡng cho bệnh nhân đau miệng họng​
  • Tránh ăn thức ăn chua cay, mặn, các thực phẩm ngâm dấm, các súp đóng hộp…​
  • Tránh các thức ăn cứng, bánh mì khô, khoai tây…​
  • Không nên ăn các thức ăn quá nóng hay quá lạnh​
  • Nên xay hoặc nghiền nhỏ thức ăn
5.4. Lời khuyên dinh dưỡng cho bệnh nhân thay đổi vị giác​
  • Không sử dụng đồ nhựa đựng thực phẩm​
  • Sử dụng nguồn protein động vật khác nhau​
  • Sử dụng  trái cây tươi  thay vì đông lạnh​
  • Đồ ăn hơi chua hoặc hơi cay để kích thích vị giác​
  • Sử dụng thêm các gia vị thảo mộc​
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Gioulbasanis, V.E. Baracos, Z. Giannousi( 2011) “Baseline nutritional evaluation in metastatic lung cancer patients: Mini Nutritional Assessment versus weight loss history”, Annals of Oncology, Volume 22, Issue 4, Pages 835-841.
  2. Nutrition Support Therapy During Adult Anticancer Treatment and in Hematopoietic Cell Transplantation JPEN 2009, Vol 33, Issue 5, pp. 472 - 500
  3. Poulsen GM, Pedersen LL,” Randomized trial of the effects of individual nutritional counseling in cancer patients”, Clin Nutr. 2014 Oct;33(5):749-53
  4. Bộ Y tế Viện dinh dưỡng(2019) “Dinh dưỡng lâm sàng”,Nhà xuất bản  Y học Hà Nội,trang 288-303.
  5. Bộ Y tế Viện dinh dưỡng (2016) “ Tài liệu tập huấn khóa học Dinh dưỡng điều trị”Nhà xuất bản Y học Hà Nội,trang 287-291.

Tác giả bài viết: Bs. Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổ Dinh dưỡng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây