Ở độ tuổi còn trẻ song anh Nguyễn Phúc Chiến (sinh năm 1998), hiện đang sống tại xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, đã bị suy thận. Cách đây 2 năm, đều đặn mỗi tuần 3 lần, anh phải có mặt tại Bệnh viện Trung ương Huế để tiến hành lọc máu, chạy thận nhân tạo. Nhưng kể từ khi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị bổ sung thêm các trang thiết bị lọc máu, máy chạy thận hiện đại, quãng đường đến bệnh viện của người đàn ông này được rút ngắn đi rất nhiều.
Anh Chiến phát hiện bệnh từ 4 năm trước. Thời điểm này, mặc dù Khoa Nội thận - tiết niệu - thận nhân tạo, BVĐK tỉnh đã được thành lập nhưng số lượng máy không đáp ứng đủ cho nhu cầu lọc máu, chạy thận nhân tạo của bệnh nhân nên anh được các bác sĩ chuyển lên tuyến trên. “8 tuần chạy thận ở Huế của tôi vô cùng khó khăn.
Tôi luôn trong tình trạng mệt mỏi, không đi làm việc chuyên cần, thu nhập vì thế giảm đi nhiều. Chưa kể lúc nào cũng phải có người thân đi cùng, tốn kém lắm. May mắn là sau đó một thời gian, tôi đã được về BVĐK tỉnh để chạy thận nhân tạo.
Ở đây, các bác sĩ rất nhiệt tình, chu đáo chăm lo cho người bệnh từng chi tiết nhỏ. Trang thiết bị của bệnh viện cũng hiện đại. Ra đây chạy thận, đi lại đỡ vất vả, tôi tiết kiệm được thời gian, chi phí. Tiền từ việc đi lại tôi có thể bù vào để mua thuốc điều trị”, anh Chiến nói.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng số bệnh nhân bị suy thận mạn thời gian qua, trong đó có những nguyên nhân như: bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, viêm ống thận mô kẽ, bệnh thận đa nang. Các bệnh nhân mắc bệnh tắc nghẽn kéo dài đường tiết niệu, có thể do phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận và một số bệnh ung thư, trào ngược bàng quang niệu quản gây ra tình trạng nước tiểu trào ngược lên thận; viêm đài bể thận tái phát nhiều lần cũng dễ dẫn đến suy thận mãn... Bệnh suy thận diễn biến âm thầm, khó phát hiện. |
Tương tự, anh Trần Quốc Tuấn (sinh năm 1986), hiện sống tại xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, con trai của bệnh nhân Trần Cháu không giấu được niềm xúc động khi bố mình được chuyển về điều trị tại Khoa Nội thận - tiết niệu - thận nhân tạo, BVĐK tỉnh. Bố của anh được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối khi tuổi đã cao nên buộc phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên để tiến hành mổ cầu tay chạy thận.
Tuy nhiên, cách đây 3 tháng, thực hiện mong muốn của bệnh nhân và người nhà, bố anh Tuấn lại được chuyển về điều trị trong tỉnh. “Ở đây điều kiện vật chất, giường bệnh, máy móc không khác gì các bệnh viện tuyến trên, không chỉ đảm bảo cho việc điều trị của bố mà người nhà chúng tôi vào chăm sóc cũng thuận tiện hơn.
Lúc trước, thể trạng của bố tôi rất yếu nhưng nhờ có sự quan tâm, chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện, sức khỏe bố tôi được cải thiện đáng kể. Mong rằng BVĐK tỉnh sẽ không ngừng tiến bộ, đổi mới để bệnh nhân có điều kiện được khám, chữa bệnh tốt hơn”, anh Tuấn bộc bạch.
Tháng 11/2017, sau khi được thành lập, Khoa Nội thận - tiết niệu - thận nhân tạo được trang bị máy lọc máu và hệ thống RO, 11 máy chạy thận thông thường, 1 máy siêu lọc HDF online là loại máy B.braun, Gambo do Đức sản xuất với chất lượng tốt, 20 giường bệnh nội trú được thiết kế riêng biệt. Trên địa bàn tỉnh có nhiều mặt bệnh về thận và tiết niệu như: suy thận mạn, suy thận lọc máu chu kỳ, suy thận cấp, viêm cầu thận, sỏi thận...
Tuy nhiên, số lượng máy thời điểm bấy giờ có hạn, dù hoạt động hết công suất từ 6 giờ 30 phút sáng đến 21 giờ đêm vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu của bệnh nhân. Bác sĩ CKI Trương Công Luận, Trưởng Khoa Nội thận - tiết niệu - thận nhân tạo cho biết, có nhiều phương pháp điều trị nhưng chạy thận nhân tạo vẫn là phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối phổ biến hiện nay. Đây là quá trình lâu dài, tốn thời gian và chi phí.
Với người bệnh suy thận, sức khỏe vốn đã yếu cộng thêm việc phải di chuyển quãng đường dài sang địa phương khác để chạy thận nhân tạo cũng khiến họ thêm mệt mỏi. Do đó, bằng mọi nỗ lực, quý 4/2023 vừa qua, BVĐK tỉnh đã tiến hành bổ sung, lắp đặt thêm hệ thống máy lọc máu, chạy thận theo hướng hiện đại nhằm giúp người dân trong tỉnh giảm gánh nặng chi phí khám và chữa các bệnh lý của thận và hệ thống tiết niệu; giúp giảm tải ở bệnh viện tuyến trên.
Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, Khoa Nội thận - tiết niệu - thận nhân tạo đã có tổng cộng 36 máy lọc máu; thu dung, điều trị đều đặn cho 230 bệnh nhân mắc các bệnh thận cấp và mạn tính trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận bệnh nhân từ các tuyến trên về điều trị.
Liên tục 6 ngày/tuần không kể ngày lễ, tết, các bệnh nhân chạy thận nhân tạo sẽ theo chu kỳ vào thứ hai, tư, sáu hoặc vào thứ ba, năm, bảy. Mỗi ngày có 3 ca chạy, 110 bệnh nhân/ngày.
Các bác sĩ, nhân viên y tế phải chia nhiều kíp làm việc, đồng thời bố trí giờ chạy cụ thể cho từng bệnh nhân, tránh tình trạng bệnh nhân dồn cùng lúc phải chờ đợi lâu, mất thời gian. Trong quá trình chạy thận nhân tạo, nếu bệnh nhân có khó khăn, các bác sĩ, nhân viên y tế đều tận tình giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để bệnh nhân yên tâm điều trị.
Với bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vào dịp lễ, tết, bệnh viện có những phần quà nhằm động viên, chia sẻ, giúp họ phần nào vơi bớt khó khăn. Khi biết thông tin BVĐK tỉnh bổ sung thêm máy móc, trang thiết bị phục vụ cho chạy thận nhân tạo, nhiều người bệnh rất phấn khởi. Lưu lượng bệnh nhân của khoa vì thế tăng lên khoảng 15%. Bác sĩ CKI Trương Công Luận chia sẻ: “Hiện khoa đang điều trị cho đa dạng bệnh nhân.
Mỗi người một tình trạng khác nhau, vì thế những bệnh nhân nặng các bác sĩ sẽ phải xử lý nhiều hơn, thăm khám kỹ, tránh tai biến, biến chứng đáng tiếc xảy ra trong quá trình lọc máu, chạy thận nhân tạo. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn sẽ được quan tâm, lắp đặt thêm máy móc để hỗ trợ tối đa cho quá trình lọc máu của bệnh nhân”.
Những người không may bị suy thận nếu không tìm được nguồn thận hiến tặng sẽ phải chấp nhận chạy thận nhân tạo đến hết cuộc đời. Không chỉ gánh nặng kinh tế, họ còn phải đối mặt với những lo lắng, tổn thất về tinh thần trước nỗi đau bệnh tật kéo dài.
Việc bổ sung, lắp đặt thêm trang thiết bị, máy móc hiện đại tại Khoa Nội thận - tiết niệu - thận nhân tạo, BVĐK tỉnh góp phần giảm gánh nặng chi phí đi lại cho những người bệnh suy thận, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện.
Tác giả bài viết: Trúc Phương
Nguồn tin: baoquangtri.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
thành lập đơn vị đột quỵ - thầy thuốc ưu tú
ngày thầy thuốc Việt Nam 27.2.2018
hội thi quy tắc ứng xử 2018