Ứng dụng bàn nghiêng trong điều trị phục hồi chức năng
Thứ ba - 16/08/2022 23:03
Bàn nghiêng được sử dụng như một phương tiện trợ giúp cho người bệnh thực hiện các thay đổi tư thế từ nằm sang đứng thẳng. Kỹ thuật này được áp dụng rộng rãi không chỉ trong phục hồi chức năng mà còn trong nhiều chuyên khoa khác nhau với mục đích cung cấp cho người bệnh bài tập chịu trọng lượng giai đoạn sớm trước khi có thể tự mình đứng lên, đặc biệt trong những bệnh lý thần kinh, cơ xương khớp. Đồng thời bàn nghiêng còn được sử dụng trong phòng và điều trị hạ huyết áp tư thế (huyết áp hạ đột ngột khi chuyển từ tư thế nằm sang ngồi ).
Tác dụng sinh lý
- Phòng ngừa và điều trị co cứng / co rút các khớp háng, gối, cổ chân. - Tăng sức mạnh cơ chi dưới. - Phòng chống loãng xương thông qua các bài tập chịu trọng lực. - Phòng chống huyết khối tĩnh mạch, ngăn ngừa hình thành cục máu đông. - Tăng cường cảm giác, cảm thụ bản thể. - Chức năng nhận thức được cải thiện khi người bệnh ở tư thế đứng thẳng. - Tăng thông khí, cải thiện chức năng hô hấp. - Tạo thuận lợi cho người bệnh thực hiện các bài tập vận động vùng đai vai, hai tay và tập hô hấp. - Nếu đặt người bệnh ở tư thế nằm sấp hoặc đầu dốc xuống trên bàn nghiêng, có tác dụng trợ giúp thực hiện các kỹ thuật dẫn lưu tư thế và kéo dãn cơ vùng cột sống. - Phòng tránh loét do giảm áp lực tì đè lên vùng da nếu người bệnh phải ngồi lâu. - Phòng và điều trị tình trạng hạ huyết áp tư thế. Kỹ thuật này giúp người bệnh thay đổi tư thế từ từ, do đó các mạch máu co và dãn nở đáp ứng một cách thích hợp với sự thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi hoặc đứng dậy. - Tạo thuận cho hoạt động bài xuất nước tiểu của thận, bàng quang
CHỈ ĐỊNH
- Bệnh lý thần kinh: các bệnh lý gây liệt vận động như liệt nửa người, liệt tủy, viêm đa rễ, dây thần kinh, xơ cứng rải rác…hoặc các bệnh lý gây rối loạn thăng bằng. Bệnh lý cơ xương khớp: co cứng hoặc co rút cơ khớp ở chi dưới, gãy xương đã bó bột hoặc phẫu thuật… - Bệnh lý hô hấp: viêm phổi, viêm phế quản mạn tính… - Bệnh lý tim mạch: hạ huyết áp tư thế... - Người bệnh mắc các bệnh mạn tính, nằm bất động lâu. CHỐNG CHỈ ĐỊNH - Người bệnh suy đa phủ tạng. - Người bệnh đang trong giai đoạn cấp của các bệnh như thiếu máu cơ tim, suy hô hấp, tai biến mạch máu não… - Các chấn thương cấp chưa được xử trí như gãy xương, trật khớp, tổn thương phần mềm cấp.
Hình ảnh bàn nghiêng và bệnh nhân tại khoa phục hồi chức năng bệnh viện đa khoa tỉnh