Bác sĩ không chỉ cứu bệnh nhân bằng kiến thức, kỹ năng học được
Trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị rơi vào cảnh thiếu máu, đặc biệt là nhóm máu O.
Vì vậy, từ trước Tết, Hội chữ thập đỏ của bệnh viện này đã lập danh sách viên chức, người lao động tình nguyện đăng ký tham gia hiến máu khẩn cấp.
Danh sách hiến máu khẩn cấp có 116 người, từ lãnh đạo bệnh viện, y bác sĩ đến các nhân viên. Trong trường hợp khi bệnh nhân cần hiến máu cấp cứu nhưng không có máu trong kho, thì sẽ bật chế độ “báo động đỏ” và các thành viên trong danh sách đăng ký hiến máu khẩn cấp phải có mặt.
16h chiều ngày 20.2, khi vừa ăn xong bữa cơm trưa muộn sau ca can thiệp nhồi máu cơ tim kéo dài, Bác sĩ Nguyễn Hữu Đức - Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị nhận được thông báo từ điều dưỡng trưởng là “cần nhóm máu O khẩn cấp”.
Bỏ ý định nghỉ ngơi ít phút sau ca làm việc căng thẳng từ sáng đến chiều, ông Đức đến ngay Khoa Huyết học truyền máu để hiến 200 ml máu.
“Can thiệp xong ca nhồi máu cơ tim, ra khỏi phòng ăn cơm mới cầm điện thoại, thấy tin nhắn ở nhóm. Biết khẩn cấp, nên đến cho máu, chứ cũng không rõ bệnh nhân là ai. Hỗ trợ cho bệnh nhân bằng máu của mình, cũng thấy vui như dùng kiến thức, kỹ năng của bác sĩ để cứu bệnh nhân vậy” - ông Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.
Số máu của ông Đức hiến, được truyền cho bệnh nhân Hoàng Kim Phổ (74 tuổi, trú tại Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) vào cấp cứu vì bị rối loạn nhịp tim xuất huyết tiêu hóa.
Ngoài máu của ông Đức, có thêm 3 đơn vị máu của y bác sĩ ở bệnh viện được truyền cho bệnh nhân, nhờ vậy bệnh nhân mới qua cơn nguy kịch.
Bệnh nhân cần là chìa tay ra thôi
1 ngày sau (21.2), bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị tiếp nhận bệnh nhân Hồ Thị Êng (77 tuổi, trú tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) bị nhiễm trùng huyết, thiếu máu nặng. “Báo động đỏ” cần nhóm máu O lại được bật, và lần này cần nhiều đơn vị máu, nên nhiều y bác sĩ được huy động đến.
Đang giao ban đầu giờ sáng, ông Nguyễn Minh Hải - Điều dưỡng trưởng Khoa Ngoại chấn thương bỏng lập tức đến Khoa Huyết học truyền máu. Nghe thông tin bệnh nhân cần nhiều đơn vị máu, ông Hải quyết định cho 350 ml.
Đây là lần thứ 6 ông Hải đi hiến máu khẩn cấp để cứu bệnh nhân. Cũng như ông Đức, ông Hải không quen, và cũng không biết thông tin gì về bệnh nhân đang cần máu kia.
“Chỉ nghĩ đơn giản là, không huy động được máu ở đâu nữa, muốn cứu bệnh nhân thì y bác sĩ chìa tay ra, vậy là đi hiến thôi” - ông Nguyễn Minh Hải thông tin.
Nghiêm trọng hơn bệnh nhân trước, bà Hồ Thị Êng cần đến 8 đơn vị máu và 4 đơn vị huyết tương. Ông Hải và nhiều y bác sĩ ở bệnh viện “chìa tay ra” kịp thời, nên bà Êng qua cơn nguy kịch.
Bà Trần Thị Vân - Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, từ ngày 20.2 đến nay, cán bộ, viên chức, người lao động ở bệnh viện hiến 25 đơn vị máu, kịp thời khắc phục tình trạng thiếu máu cục bộ nhóm máu O để cấp cứu cho bệnh nhân.
Được biết, trong năm 2023, cán bộ, viên chức, người lao động ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã hiến tổng cộng 50 đơn vị máu khẩn cấp. Và những năm trước đó, tùy theo tình hình, khi xảy ra tình trạng bệnh nhân cấp cứu nhưng thiếu máu, thì người lao động ở bệnh viện này đều chung tay khắc phục.
Tác giả bài viết: Hưng Thơ
Nguồn tin: laodong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
thành lập đơn vị đột quỵ - thầy thuốc ưu tú
ngày thầy thuốc Việt Nam 27.2.2018
hội thi quy tắc ứng xử 2018