Kỹ thuật lọc máu đã được áp dụng phổ biến để điều trị cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Tuy nhiên sau thời gian dài lọc máu nhiều bệnh nhân đã gặp nhiều biến chứng do tỷ lệ các chất có trọng lượng phân tử trung bình và lớn tăng cao như beta2-microglobulin (β2-M), parathyroid hormone, cytokine,... Lọc máu hấp phụ có khả năng hấp phụ có chọn lọc các độc tố urê, các chất có trọng lượng phân tử trung bình và lớn nên điều trị phối hợp với thận nhân tạo (HĐ) có thể loại bỏ nhiều loại độc tố trong máu ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, làm giảm các biến chứng ngắn hoặc dài hạn, kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân lọc máu. Trên thế giới kỹ thuật lọc máu hấp phụ đã được ứng dụng rất phổ biến ở nhiều nước và đã được chứng minh có hiệu quả giảm các biến chứng ngắn hạn, dài hạn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân suy thận mạn tính lọc máu chu kỳ ( STM LMCK).
Ngoài việc giảm thấp các chất có trọng lượng phân tử trung bình và cao nói trên, nghiên cứu của tác giả S.J Chen còn cho thấy về lâm sàng chỉ số huyết áp, nhịp tim, mức Hb, chỉ số khối lượng thất trái (LVMI), phân số tống máu (EF), chỉ số khối lượng thân thể (BMI)… cũng tốt hơn ở nhóm kết hợp HD và HP so với nhóm chỉ HD đơn thuần.
1. Mục đích kỹ thuật
Đưa thêm một quả lọc hấp phụ vào cuộc lọc máu chu kỳ của bệnh nhân STM, nhằm lọc các chất có trọng lượng phân tử trung bình, lớn như: β2-M, PTH, cytokine, acid uric, photpho…nhằm giảm các biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân suy thận mạn tính lọc máu chu kỳ.
2. Chỉ định điều trị
2.1 Điều trị cấp
+ Ngộ độc thuốc hay chất độc cấp tính.
+ Hội chứng ure máu cao đặc biệt với nổi mày đay và tăng huyết áp.
+ Viêm gan nặng, đặc biệt bệnh lý gan-não và tăng bilirubin máu do suy gan nặng.
+ Hội chứng nhiễm trùng do viêm hệ thống.
+ Các bệnh tự miễn
+ Các bệnh lý khác như: tâm thần phân liệt, cơn cường giáp
2.2. Điều trị duy trì
+ Bệnh nhân suy thận LMCK nồng độ b2-M tăng cao và có các triệu chứng trên lâm sàng (đau nhức xương, rối loạn thần kinh ngoại biên)
+ Bệnh nhân STM LMCK có nồng độ PTH tăng cao và có các triệu chứng trên LS (ngứa)
+ Bệnh nhân STM LMCK có nồng độ phophos cao, cytokine cao, mất ngủ…
+ Bệnh nhân STM LMCK có biến chứng tim mạch, tăng huyết áp kháng trị
3. Các bước tiến hành
Chuẩn bị người bệnh
Bác sĩ khám bệnh: khám toàn thân, kiểm tra huyết áp.
Kiểm tra các xét nghiệm và thăm dò gần nhất.
Chỉ định các thông số kỹ thuật: UF, giờ lọc, tốc độ bơm máu, quả lọc, thuốc chống đông và liều lượng.
Điều dưỡng chuẩn bị giường và sát trùng tay có FAV chọc kim FAV.
Kỹ thuật rửa quả lọc 45 - 50 phút.
Bước 1: 500ml glucose 5%. Tốc <100ml/phút.
Bước 2: 2500ml NaCl 0,9%, mỗi chai 500ml thêm 2000UI heparine, tốc độ bơm <100ml/phút.
Bước 3: 500ml NaCl 0,9%, thêm 12500UI heparine để tốc độ <50ml/phút.
Bước 4: 100ml NaCI 0,9%. không pha heparine, rửa đến khi còn 200ml chuẩn bị dẫn máu ra và bẳt đầu tiến trình lọc hấp phụ.
Sau 2 giờ giảm tốc độ, tắt bơm máu, tháo dây động mạch ra, nối đường ra lên chai NaCl 0,9%, dồn máu về người bệnh. Khi dịch dồn máu qua quả hấp phụ, ngừng bơm. Kẹp và tháo rời quả hấp phụ. Nối đường máu vào quả lọc HD, nối đường động mạch với kim FAV, tiếp tục bật bơm máu. Nâng dần tốc độ lên 200-350 ml/phút (theo chỉ định của bác sĩ). Tiếp tục lọc máu thêm 2 giờ. Đủ 4 giờ kết thúc ca lọc máu HD+HP.