Bệnh nhân sau khi đặt stent sẽ cảm thấy cảm giác đau ngực giảm đi, dễ chịu hơn, tăng khả năng gắng sức hơn trước. Tuy vậy cần có một số vấn đề cần lưu ý sau đặt Stent mạch vành mà bệnh nhân và thầy thuốc cần quan tâm.
STENT ĐỘNG MẠCH VÀNH TỒN TẠI BAO LÂU?
Stent động mạch vành làm bằng kim loại, chính vì vậy nó sẽ tồn tại vĩnh viễn trong lòng động mạch vành (Trừ Stent tự tiêu sẽ tiêu biến sau 2 năm). Thông thường stent sẽ ổn định động mạch vành rất lâu (10-15 năm) tuy vậy nếu bệnh nhân và bác sĩ kiểm soát không tốt các yếu tố gây xơ vữa động mạch vành thì thời gian trên sẽ giảm xuống (có thể chỉ còn vài tháng). Các yếu tố có thể gây nên tái hẹp stent: hút thuốc lá, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, uống thuốc không đầy đủ, kiểm soát không tốt bệnh lý đái tháo đường, huyết áp cao hay rối loạn lipid máu kèm theo, stent phủ không hết vùng tổn thương, lối sống tĩnh tại,…
Trong đó cần nhấn mạnh rằng hút thuốc lá là yếu tố gây tái hẹp stent hàng đầu, thời gian đầu sau đặt stent bệnh nhân cần uống thuốc kháng tiểu cầu kép (Aspirin kết hợp với Clopidogrel hoặc Ticagrelor). Stent là vật lạ đối với cơ thể, nếu không sử dụng kháng tiểu cầu kép, tiểu cầu và hồng cầu sẽ tới bám vào stent và tạo huyết khối tắc mạch – một biến chứng cực kỳ nguy hiểm, gây tử vong cao. Chính vì vậy bệnh nhân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt việc uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
VẾT MỔ SAU CAN THIỆP CẦN CHĂM SÓC NHƯ THẾ NÀO?
Các bác sĩ sẽ tiến hành đặt ống thông (Sheath) vào động mạch quay cánh tay hoặc động mạch đùi để tạo đường dẫn đưa các dụng cụ can thiệp vào động mạch vành. Sau thủ thuật sẽ chỉ để lại một lỗ nhỏ ở trên da, bệnh nhân sẽ được băng ép vết mổ bằng dụng cụ đặc biệt trong vòng 12 giờ (đối với động mạch quay) hoặc 24 giờ (đối với động mạch đùi). Lưu ý trong thời gian đó bệnh nhân cần hạn chế vận động gập duỗi ở vết mổ để tránh chảy máu.
- Điều dưỡng sẽ làm ẩm trước để lấy bỏ băng gạc cho vết thương, sau đó sẽ rửa lại bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn, có thể băng lại bằng băng dán cá nhân hoặc để thoáng khí.
- Rửa vết thương ít nhất 1 lần/ngày bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn. Dùng tay hoặc khăn mềm lau nhẹ nhàng, không chà xát vết thương.
- Cố gắng giữ vết thương khô ráo, trừ khi tắm.
- Không bôi kem, thuốc mỡ hay bất kỳ thứ gì lên vết thương.
- Mặc quần áo rộng rãi.
- Không ngâm mình trong bồn tắm, đi bơi trong một tuần sau thủ thuật.
Bệnh nhân sau can thiệp nên nghỉ ngơi tuyệt đối 1 tuần, sau đó tập vận động nhẹ nhàng. Thường sẽ xuất viện sau vài ngày
Lưu ý cho người bệnh luồn ống thông qua động mạch đùi
- Không nên đi lại hay vận động quá nhiều vì có thể khiến vết thương ở đùi chảy máu.
- Không nâng vật nặng hơn 4,5 kg hoặc kéo đẩy các vật nặng khi làm việc trong khoảng từ 5 – 7 ngày sau thủ thuật.
- Không nên vận động gắng sức trong khoảng 5 ngày sau thủ thuật, bao gồm cả các hoạt động vui chơi, thể thao.
- Người bệnh có thể leo cầu thang sau đặt stent nhưng cần lưu ý đi chậm rãi để đảm bảo an toàn.
- Người bệnh nên tăng dần thời gian và cường độ các bài tập thể dục sau một tuần thực hiện thủ thuật.
Lưu ý cho người bệnh luồn ống thông qua động mạch cánh tay
- Không sử dụng cổ tay để nâng vật nặng trên 900 gram trong vòng 24h kể từ khi đặt stent.
- Không vận động gắng sức tối thiểu 2 ngày sau thủ thuật, ngay cả với các trò chơi thể thao như, cầu lông, golf, chơi tennis…
- Không làm việc với các dụng cụ yêu cầu cần sự chính xác và linh hoạt của tay như lái xe, dùng các vật sắc nhọn như dao kéo… trong tối thiểu 2 ngày sau thủ thuật.
Người bệnh lưu ý trước khi trở lại làm việc, cần hỏi ý kiến của bác sỹ. Thông thường, người bệnh có thể trở lại làm việc bình thường trong khoảng từ 1 – 2 tuần sau thủ thuật. Nếu người bệnh bị nhồi máu cơ tim thì thời gian phục hồi sẽ cần phải kéo dài hơn.
Ngoài ra người bệnh nên:
- Đi bộ khoảng cách ngắn và hạn chế lên xuống cầu thang
- Không làm việc nặng, quá sức mà phải nhờ sự giúp đỡ của người chăm sóc
- Nếu chỗ rạch bị chảy máu hoặc có biểu hiện sưng phồng, người bệnh cần nằm xuống và ép tay lên vết thương trong khoảng 30 phút để cầm máu.
- Nếu vết mổ có dấu hiệu chảy mủ, cần đi khám lại ngay lập tức để điều trị nhiễm trùng vết mổ, tránh các biến chứng không đáng có.
BỆNH NHÂN NÊN TÁI KHÁM ĐÚNG HẸN
Sau xuất viện, bệnh nhân sẽ được kê toa để điều trị tiếp tục, cần tuân thủ tuyệt đối nghiêm ngặt đối với uống thuốc trong đó có kháng tiểu cầu kép để đạt lợi ích điều trị.
Thời gian tái khám tại phòng khám tim mạch nên là mỗi 1 tháng – 3 tháng hoặc khi có các biểu hiện bất thường như đau ngực tăng lên, khó thở, hạn chế gắng sức, choáng váng, buồn nôn, xuất huyết dưới da, đại tiện phân đen …. Khi đó bệnh nhân cần được tái khám và làm các xét nghiệm để kiểm tra chức năng tim, chức năng đông máu, lượng tiểu cầu.
Ngoài ra cần phối hợp điều trị giữa các chuyên khoa, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ các rối loạn đường máu, lipid máu để giảm thiểu tỉ lệ tái hẹp stent cho bệnh nhân.
CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG, SINH HOẠT NHƯ THẾ NÀO LÀ HỢP LÝ?
Chế độ ăn uống lành mạnh để vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa giúp vết thương mau lành.
- Chất đạm (Protein): Nên ăn lượng vừa phải thịt nạc, thịt gà bỏ da, trứng, đậu phụ; mỗi tuần nên ăn 2 bữa có các loại cá như cá hồi, cá thu hoặc cá mòi để cung cấp cho cơ thể nhiều chất béo omega-3 có lợi cho tim. Ngoài ra, cần tránh thịt có màu đỏ như thịt bò, thịt chó… để tránh làm tăng cholesterol và làm nặng thêm tình trạng xơ vữa mạch vành.
- Chất béo: Nên sử dụng chất béo dễ tiêu (chất béo chưa bão hòa) như dầu thực vật (dầu ô liu, hướng dương, dầu cải…) hoặc các từ các loại hạt, bơ, dầu cá; hạn chế tối đa mỡ động vật, đồ ăn nhanh, da các loài động vật.
- Chất xơ: Bổ sung vào thực đơn nhiều trái cây tươi và rau xanh.
- Nước lọc: Uống nhiều nước (trừ bệnh nhân suy tim nặng) và hạn chế chất kích thích, đồ uống có đường. Nên uống 8 – 10 ly nước mỗi ngày để tăng đào thải chất cản quang sử dụng khi can thiệp. Ngoài nước, bệnh nhân cũng nên uống sữa ít béo, sữa chua, sữa không đường hoặc tốt nhất là uống sữa đậu nành.
- Cần lưu ý nấu ăn nhạt, giảm nêm muối, mắm khi chế biến, nên ăn nhạt hơn người bình thường để tránh tăng huyết áp, giảm phù.
- Bỏ hút thuốc lá kể cả hút thuốc lá thụ động.
- Nên tập thể dục đều đặn, gắng sức vừa phải, hạn chế ra đường khi thời tiết lạnh.
Tác giả bài viết: Bs. Bùi Duy Hà – Khoa Nội TMLH
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
thành lập đơn vị đột quỵ - thầy thuốc ưu tú
ngày thầy thuốc Việt Nam 27.2.2018
hội thi quy tắc ứng xử 2018