Điều trị bệnh lý cơ xương khớp bằng phương pháp y học cổ truyền
Thứ tư - 10/06/2020 03:26
Điều trị bệnh lý cơ xương khớp bằng phương pháp y học cổ truyền
I. Đại cương - Bệnh lý cơ xương khớp là bệnh lý của hệ thống vận động: xương, cơ , khớp, dây chằng. Là bệnh mạn tính rất phổ biến hiện nay, bao gồm hơn 100 bệnh lý cơ xương khớp khác nhau xuất hiện ở hầu hết các lứa tuổi. Tần xuất mắc bệnh xương khớp ở nước ta chiếm 47,6% số người trên 60 tuổi. Các bệnh lý cơ xương khớp trước đây thường gặp nhất: Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, bệnh hệ thống. Ngày nay, loãng xương sau mãng kinh, loãng xương tuổi già, thoái hóa khớp, các bệnh khớp do chuyển hóa (gout…), ung thư di căn xương đang trở thành vấn đề thời sự trong những năm gần đây. - Bệnh danh Y học cổ truyền các bệnh lý cơ xương khớp theo y học hiện đại với tên gọi là " Chứng tý", chỉ khí huyết bị bệnh tà nghẽn lấp. Vì cơ biểu, kinh lạc của con người sau khi cảm nhiễm các tà khí Phong, hàn, thấp, nhiệt, khiến sự vận hành khí huyết không thông lợi, dẫn đến chứng gân xương, cơ bắp, các khớp đau mỏi, tê dại, nặng nề co duỗi khó khăn và sưng nóng, đỏ.... II. Cơ chế bệnh sinh - Ngoại cảm: Phát sinh Tý chứng do tấu lý thưa hở, doanh vệ không bền, tà khí phong hàn thấp nhân chổ hư yếu xâm nhập mà gây nên bệnh. Các chứng tý do doanh vệ hư trước, tấu lý không kín đáo, phong hàn, thấp nhân chổ hư xâm nhập, chính khí bị tà khí ngăn trở không lưu thông, do đó khí huyết bị ngưng trệ lâu ngày thành Tý. - Chấn thương: có tiến sử chấn thương, hoặc lao thương kéo dài, khí huyết vận hành không tốt, khí trệ, huyết ứ, mạch lạc không thông cúng phát sinh chứng Tý. - Nội thương: vốn thể trạng mệt nhọc, tuổi cao thể lực suy yếu, mắc bệnh lâu ngày sức khỏe kém đến nổi Can-Thận tinh suy yếu không nuôi dưỡng được kinh mạch, cơ nhục, gân cốt. - Thể chất con người không giống nhau, tà khí phong hàn thấp cũng có chổ thiên thắng. Sau khi tà khí phong hàn thấp xâm nhập, nặng về Phong thắng là Hành Tý; nặng về Hàn thắng là Thống tý; nặng về Thấp thắng là Trước Tý; nặng về Nhiệt là Nhiệt Tý; Chứng Tý lâu ngày không khởi, bệnh tà từ nông vào sâu, từ kinh lạc tiến vào tạng phủ gây nên chứng hậu Can Thận bất túc, bệnh tình càng khó chữa. III. Mục tiêu điều trị bệnh lý cơ xương khớp Do các bệnh cơ xương khớp rất thường gặp và phong phú nên các biện pháp điều trị cũng rất đa dạng, tùy theo đặc điểm từng bệnh, nguyên nhân và giai đoạn tiến triển của bệnh mà sử dụng phương pháp điều trị phù hợp. Mục tiêu là điều trị nguyên nhân, điều trị theo cơ chế bệnh sinh và điều trị triệu chứng. Nếu điều trị được nguyên nhân gây bệnh thì bệnh sẽ khỏi, không có khả năng tái phát được nữa. Tuy nhiên nhiều bệnh khớp vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể, do vậy điều trị chỉ hướng tới thanh toán các yếu tố nguy cơ gây bệnh như các yếu tố di truyền, yếu tố phát triển của cá thể và yếu tố môi trường. Điều trị bao gồm sự kết hợp hài hòa của các phương pháp nội khoa, ngoại khoa, chỉnh hình, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Thông thường ở những giai đoạn ban đầu của bệnh thì chỉ cần dùng thuốc, kết hợp với vật lý trị liệu và phục hồi chức năng là có thể chữa khỏi bệnh, tái lập lại chức năng vận động của khớp. Tuy nhiên, khi bệnh đã tiến triển nặng, có nhiều biến chứng, gây cứng và dính khớp thì điều trị lại phải chỉ định bổ sung các biện pháp điều trị ngoại khoa, hay phẫu thuật thay khớp giả. Nhìn chung, các biện pháp điều trị nội khoa đóng vai trò trung tâm, cần thiết ngay cả sau khi bệnh nhân đã được phẫu thuật. Ngay cả khi các biện pháp điều trị là thỏa đáng thì theo dõi và giáo dục bệnh nhân, tăng cường sự hợp tác của người bệnh là rất quan trọng để nâng cao hiệu quả điều trị. IV. Điều trị nội khoa bệnh lý cơ xương khớp theo y học hiện đại Có nhiều thuốc có hiệu quả để điều trị các bệnh khớp. Các thuốc điều trị nội khoa có 3 nhóm chính là thuốc chống viêm (thuốc chống viêm không steroid và thuốc corticoid chứa steroid), thuốc giảm đau và các thuốc điều trị cơ bản (điều trị theo cơ chế sinh bệnh). Các thuốc chống viêm không steroid như voltaren, celebrex có các tác dụng chính là chống viêm, giảm đau, hạ sốt. Các thuốc corticoid như prednisonlon, methylprednisolon có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Tuy nhiên các thuốc chống viêm không steroid và corticoid đều ít nhiều có tác dụng phụ lên đường tiêu hóa, gan, thận, tim mạch... nên bệnh nhân luôn cần phải khám bác sĩ để lựa chọn thuốc phù hợp và được theo dõi, xử trí kịp thời các tác dụng phụ của thuốc. Các thuốc giảm đau cũng chỉ cần dùng khi đau, chứ không cần lạm dụng trong tất cả các trường hợp. Hiện nay có tình trạng lạm dụng thuốc chống viêm rất phổ biến, cũng như tình trạng tiêm khớp bừa bãi, để lại rất nhiều di chứng như viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, thậm chí dẫn đến tử vong. Một số thuốc điều trị cơ bản bệnh như chloroquin, methotrexate được dùng với liều thấp trong thời gian dài có tác dụng ổn định bệnh, tránh được bệnh tái phát. Chỉ trong một số rất ít các trường hợp nặng hay những thể bệnh kháng với các thuốc khác thì phải dùng thêm các thuốc độc tế bào như cyclophosphamide, azathioprine. Gần đây các thuốc điều trị sinh học (ức chế tổng hợp TNF alpha, thuốc kháng IL-1) tỏ ra có nhiều hứa hẹn. Nhìn chung các thuốc Tây y có tác dụng nhanh, mạnh, chính xác, phù hợp với các kỹ thuật chẩn đoán bệnh hiện đại. V. Điều trị bệnh lý cơ xương khớp theo y học cổ truyền Một đặc điểm của điều trị nội khoa bệnh lý xương khớp ở Việt Nam là sự kết hợp Đông Tây y. Các biện pháp điều trị Đông y cũng rất phong phú, đa dạng như thuốc dùng, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, điều trị kéo giãn cột sống bằng máy, laser điều trị, xông hơi thuốc, ngâm thuốc y học cổ truyền, điều trị bằng tia hồng ngoại, thủy châm...Tùy theo tình trạng bệnh lý của bệnh nhân bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc nhiều phương pháp điều trị khác nhau nhằm tăng kết quả điều trị, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cuả bệnh nhân.
VI. Các phương pháp điều trị tạo khoa y học cổ truyền Bệnh viện tỉnh 1. Phương pháp châm cứu: Châm cứu là dùng kim châm vào huyệt đạo trên cơ thể, dùng để giảm đau và chữa bệnh. Châm cứu về bản chất là hiện tượng giải phóng các nguồn năng lượng của cơ thể bằng cách kích thích vào các huyệt đạo trên 14 đường kinh mạch. Châm cứu giải phóng hoocmôn endophin, một loại hoocmôn được xem như thuốc giảm đau tự nhiên, làm tăng lưu lượng máu, làm giãn cơ, mền khớp...
2. Phương pháp Xoa bóp - bấm huyệt: Xoa bóp, bấm huyệt là một kích thích cơ học, trực tiếp tác động vào da thịt, thần kinh, mạch máu và các cơ quan cảm thụ gây nên những thay đổi về thần kinh, thể dịch, nội tiết, qua đó nâng cao năng lực hoạt động của hệ thần kinh. Đây là hai phương pháp thường được Đông y dùng phối hợp nhuần nhuyễn trong phòng và chữa bệnh, nâng cao sức khỏe.
3. Điều trị bằng máy kéo giãn cột sống: Hội chứng đau cột sống cổ, cột sống thắt lưng thường gặp trên lâm sàng và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người bệnh đau cột sống cổ và thắt lưng chủ yếu được điều trị theo phương pháp nội khoa (90%), chỉ 10% có chỉ định phẫu thuật. Phương pháp kéo giãn điều trị hội chứng đau cột sống cổ bằng máy kéo giãn có lập trình vi tính đã chứng minh được hiệu quả điều trị trong thực tế.
4. Thủy châm điều trị: Thủy châm (hay tiêm thuốc vào huyệt) là một phương pháp chữa bệnh kết hợp Đông - Tây y, phối hợp tác dụng chữa bệnh của châm kim theo học thuyết kinh lạc của YHCT với tác dụng chữa bệnh của thuốc tiêm. Có những loại thuốc tiêm có tác dụng toàn thân, có những loại thuốc chỉ có tác dụng tăng cường và duy trì kích thích của châm kim vào huyệt để nâng cao hiệu quả chữa bệnh.
5. Phương pháp Ngâm thuốc, Xông hơi thuốc y học cổ truyền: - Ngâm thuốc và xông hơi là hai phương pháp nằm trong phép chữa ngoài của đông y, thường dùng các thuốc có tinh dầu tác dụng khu phong, tán hàn, trừ thấp, hoạt huyết, tiêu viêm, lưu thông kinh lạc…tác động lên bộ phận phía ngoài cơ thể như da, niêm mạc, gân cơ để chữa bệnh. - Ngâm thuốc và xông hơi có tác dụng kích thích hệ tuần hoàn, tiêu hoá, thần kinh, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng chuyển hoá, chống viêm, chống stress và điều hoà cơ thể. Đặc biệt ngâm thuốc giải phóng cho cơ thể khỏi những cơn đau do co gân cơ, cứng khớp.
6. Điều trị bằng tia hồng ngoại: Hồng ngoại nguồn nhân tạo do (các loại đèn hồng ngoại phát ra có công suất khác nhau. Tác dụng chủ yếu là nhiệt nóng. Thường được chỉ định để: Giảm đau, giãn cơ, tăng cường lưu thông máu, ngoại vi; Chống viêm: mạn tính; Sưởi ấm.
7. Điều trị bằng Laser châm: Là một phương pháp châm cứu đặc biệt, sự kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại. Việc sử dụng ánh sáng đơn sắc phát ra từ một thiết bị laser công suất thấp (<=250 milliwatt) chiếu vào các huyệt trên hệ thống kinh lạc giúp cơ thể lập lại thăng bằng âm - dương nhằm mục đích điều trị và phòng bệnh. Đặt biệt là không gây đau, không có nguy cơ nhiểm khuẩn.
8. Cấy chỉ Là một phương pháp được kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại. Đặt một đoạn chỉ catgut vào huyệt vị thích ứng với bệnh tật, gây kích thích liên tục ở kinh huyệt để chữa bệnh.
9. Phương pháp dùng thuốc y học cổ truyền 9.1 Thể phong hàn - Phép điều trị: Khu phong - tán hàn - trừ thấp - thông lạc. - Điều trị: Dùng bài thuốc Thận trước thang gia giảm 9.2 Thể phong thấp nhiệt - Phép điều trị: Khu phong - thanh nhiệt giải độc - lợi niệu trừ thấp - hành khí hoạt huyết. - Điều trị: Dùng bài Bạch hổ thang gia giảm. 9.3 Thể huyết ứ - Phép điều trị: Hoạt huyết hóa ứ - lý khí chỉ thống. - Điều trị: Dùng bài thuốc Đào hồng tứ vật gia giảm hoặc bài Thân thống trục ứ thang 9.3 Thể phong hàn thấp - Phép điều trị: Khu phong - tán hàn - trừ thấp - hành khí hoạt huyết - bổ can thận. - Điều trị: Dùng bài thuốc Độc hoạt tang ký sinh thang.
Tài liệu tham khảo:
Bộ Y Tế (2011), Chẩn đoán và điều trị đau thắt lưng theo y học hiện đại và y học cổ truyền, Nxb Y học, Hà Nội.
Nguyễn Thị Bay (2007), Bệnh học và điều trị Nội khoa kết hợp Đông Tây y. Nxb Y học.
Phan Quan Chí Hiếu (2009), Bệnh học và điều trị Đông y, Nxb Y học.
Nguyễn Thị Ngọc Lan (2012), Bệnh học cơ xương khớp nội khoa, Nxb giáo dục Việt Nam.
Tác giả bài viết: Bs. Trần Đình Hải Trưởng Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện tỉnh Quảng Trị