Triển khai điều trị thuốc sinh học trong bệnh vảy nến tại Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Quảng Trị
Thứ tư - 08/07/2020 21:26
Triển khai điều trị thuốc sinh học trong bệnh vảy nến tại Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Quảng Trị
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh vảy nến trên thế giới là 2%, trong đó vảy nến thể mảng chiếm 90%, vảy nến có kèm tổn thương khớp là 30%. Đây là bệnh phổ biến trong chuyên ngành Da liễu, tỷ lệ mắc trong cộng đồng ngày càng tăng song bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các phương pháp quang trị liệu và các thuốc điều trị hiện tại chỉ làm giảm triệu chứng và tác dụng tạm thời, dễ tái phát sau điều trị.
Tháng 1/2015, cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công nhận thuốc sinh học có tác dụng ức chế tế bào đích gây ra bệnh vảy nến là Secukinumab 150mg của hãng Novartis, Thụy Sĩ trong điều trị vảy nến thể trung bình đến nặng. Đến tháng 6/2016, thuốc được Bộ y tế cấp phép đưa vào sử dụng tại Việt Nam. Như vậy, đây là một trong những loại thuốc điều trị vảy nến mới nhất trên thế giới và Việt Nam. Thuốc đã được ứng dụng điều trị tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương và đã mang lại kết quả hữu hiệu, ít tác dụng phụ trên nhiều bệnh nhân.
Hiện tại số lượng bệnh nhân mắc vảy nến trên địa bàn tỉnh Quảng Trị rất đông, trong đó có nhiều bệnh nhân đã và đang sử dụng thuốc trên, với kết quả lâm sàng rất mỹ mãn. Vì vậy khoa Da liễu đã tiếp cận, đề xuất với khoa Dược và Bảo hiểm y tế để triển khai áp dụng điều trị tại khoa. Nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhiều bệnh nhân mắc vảy nến trên địa bàn tỉnh, giảm bớt chuyển viện và chi phí đi lại tuyến trên cho người bệnh.
II. CƠ CHẾ TÁC DỤNG CỦA THUỐC
Secukinumab là kháng thể đơn dòng igG1/k hoàn toàn người , gắn chọn lọc và làm trưng hòa cytokine tiền viêm interleukin-17A(IL-17A). Secukinumab hoạt động nhắm vào IL-17A và ức chế tác động của IL-17A với receptor IL-17 (receptor bộc lộ ở một số loại tế bào khác nhau trong đó có tế bào sừng). Từ đó Secukinumab ức chế sự giải phóng các cytokine tiền viêm, chemokine và các chất trung gian của các mô bị tổn thương, làm giảm, sự tham gia qua trung gian OL-17A trong các bệnh tự miễn và viêm. Một số Secukinumab phù hợp về lâm sàng đi đến da và làm giảm các marker viêm tại chỗ. Secukinumab làm giảm các dát đỏ, giảm thâm nhiễm và bong vảy ở các tổn thương vảy nến mảng là kết quả trực tiếp của điều trị. IL-17A là một cytokine tự nhiên có tác động lên đáp ứng viêm và miễn dịch bình thường. IL-17A đóng vai trò chủ chốt trong sinh bệnh học của vảy nến thể mảng, viêm khớp vảy nến và viêm cột sống dính khớp và được điều chỉnh tăng lên trên da có thương tổn so với vùng da lành của bệnh nhân vảy nến thể mảng và trong dịch khớp của bệnh nhân viêm khớp vảy nến. Số lượng tế bào sản sinh IL-17 cũng cao hơn một cách có ý nghĩa trong vùng tủy xương dưới sụ khớp của các khớp liên mỏm bên của cột sống trên bệnh nhân viêm cột sống dính khớp.
III. MỘT SỐ LÝ DO NÊN CHUYỂN SANG DÙNG THUỐC SINH HỌC
Theo tạp chí y học Healthline của Mỹ, dưới đây là một số lý do nên chuyển sang dùng thuốc sinh học: 1. Phương pháp điều trị truyền thống không phát huy tác dụng như dùng corticosteroid bôi tại chỗ, cyclosporine, retinoids, methotrexate và quang trị liệu. Tác dụng mang tính cục bộ và mất hiệu quả dần theo thời gian. Theo khuyến cáo của Hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD), nếu bị bệnh vảy nến từ trung bình đến nặng và khi chế độ điều trị hiện tại không hiệu quả, hoặc các phương pháp điều trị này gây ra nhiều tác dụng phụ, nên chuyển sang trị liệu sinh học bằng tác nhân sinh học. 2. Bệnh vảy nến tuy nhẹ nhưng thực sự gây phiền toái, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Như đau ngứa lòng bàn chân, lòng bàn tay, mặt hoặc bộ phận sinh dục. Cơn đau có thể khiến bạn không thể hoạt động bình thường, cũng nên chuyển sang dùng thuốc sinh học.
3. Khi muốn dùng liều ít hơn: Thông thường, điều trị bệnh vảy nến phải được thực hiện hàng ngày, đúng giờ mới có hiệu quả nhưng ở nhóm bận rộn điều này không thực hiện được. Thuốc sinh học khắc phục được nhược điểm này, dùng ít liều hơn nên dễ sử dụng. Một số thuốc sinh học phải được tiêm mỗi tuần 1 lần, ví dụ những người dùng Ustekinumab (Stelara) chỉ cần tiêm một lần cho 12 tuần sau hai liều đầu tiên. 4. Nếu điều trị thuốc truyền thống gặp nhiều tác dụng phụ: Việc dùng cyclosporine, corticosteroid và methotrexate thường để lại tác dụng phụ như loét miệng, buồn nôn, đau dạ dày, tổn thương gan-thận và thậm chí là ung thư da.
IV. CHỈ ĐỊNH ĐIỀU TRỊ - Vảy nến thể mảng - Vảy nến thể khớp - Vảy nến mụn mủ lan tỏa - Vảy nến đỏ da toàn thân - Viêm cột sống dính khớp V. CHỐNG CHỈ ĐỊNH - Dị ứng hoặc tăng mẫn cảm của các thành phần của thuốc - Nhiễm trùng quan trọng có biểu hiện lâm sàng. VI. LIỆU TRÌNH ĐIỀU TRỊ Thuốc lọ bột đông khô Secukinumab 150mg của hãng Novartis, Thụy Sĩ. Liều tấn công: Tiêm dưới da 2 lọ/lần/tuần trong 4 tuần liên tiếp Liều duy trì: Tiêm dưới da 2 lọ/lần/tuần/tháng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Phạm Văn Hiển (2009), “Bệnh vảy nến”, Da liễu học, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tr 57- 62.
Trần Nguyên Anh Tú, Nguyễn Trọng Hào, Đặng Văn Em (2018), “Nồng độ IL-17A và hs-CRP trên bệnh nhân vảy nến thông thường”, Tạp chí Y Dược lâm sàng 108, tập 13 –Số đặc biệt, tr. 88-91.
Trần Nguyên Anh Tú, Nguyễn Trọng Hào, Đặng Văn Em (2020), “Tác dụng lâm sàng của Secukinumab trong điều trị vảy nến thông thường”, Tạp chí y học lâm sàng, số 28.
Bùi Thị Thanh Hương (2018), “Thực tế điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học Secukinumab tại bệnh viện Phong da liễu TW Quy Hòa”, Hội nghị Da liễu miền trung tây nguyên tháng 12/2018.
Richard GL et al |(2014), “Secukinumab in Plaque Psoriasis – Result of Two Phase 3 Trials”, New England Journal of Medicine, 371, pp. 326-338.
Magnano M (2018), “Secukinumab in multi-failure psoriatic patients : the last hope?”, J Dermatology Treat, 1 (3), pp. 235-41.
Tác giả bài viết: BSCKI. Nguyễn Anh Vũ - Khoa Da liễu