Mới đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị đã cấp cứu thành công bệnh nhân T.B.H, trú tại phường 2, thị xã Quảng Trị bị bỏng do điện giật. Trước đó, do bất cẩn nên nạn nhân đã để điện chạm vào người và bị điện giật nằm bất tỉnh ngay tại chổ, may mắn là địa điểm nạn nhân gặp nạn gần với cơ sở y tế nên đã được sơ cứu vết thương và đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời nên không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Nạn nhân H. chỉ là 1 trong số hơn 100 lượt bệnh nhân/ năm bị bỏng ở các dạng như: bỏng do nước sôi, cồn, lửa, ống bô, điện, hóa chất... phải vào cấp cứu, điều trị tại Khoa Ngoại chấn thương- Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Điều đáng nói là trong số các nạn nhân phải nhập viện thì có đến hơn 60 % là trẻ em dưới 10 tuổi. “Thời gian qua, nhiều lần các y, bác sĩ chúng tôi phải chứng kiến những vụ tai nạn thương tích đau lòng do bỏng gây ra, đặc biệt những vụ xảy ra ở trẻ em thường rất nguy hiểm và để lại hậu quả nghiêm trọng, nặng nề về tâm sinh lý, tạo nên trạng thái hốt hoảng, sợ tiếp xúc cho các em... mà hầu hết nguyên nhân là do sự lơ là, bất cẩn của người lớn, các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ...”, bác sĩ Lê Thanh Ngọc, Khoa Ngoại chấn thương- Bỏng, BVĐK tỉnh cho biết.
Có thể thấy, bỏng là một tai nạn rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, song bên cạnh các biện pháp dự phòng như: phải thường xuyên chú ý giám sát trẻ, sắp xếp đồ đạc mọi thứ quanh nhà hợp lý, để phích nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa ở nơi trẻ không với tới được; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện trong nhà..., thì việc sơ cứu ban đầu cho nạn nhân bị bỏng là rất quan trọng và càng sớm càng tốt. Thế nhưng thực tế hiện nay cho thấy, không phải ai cũng biết cách sơ cứu ban đầu khi bị bỏng, bởi nếu xử lý sai cách có thể khiến vết thương ăn sâu thêm, gây biến chứng nguy hiểm và mất rất nhiều thời gian cho việc điều trị, tốn kém tiền của, thậm chí dẫn đến tử vong.
Do đó, bên cạnh mỗi nguyên nhân gây bỏng sẽ có một nguyên tắc sơ cứu khác nhau, thì một nguyên tắc chung khi sơ cứu bỏng ban đầu cần phải biết và thực hiện đó là khi phát hiện nạn nhân bị bỏng, phải nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi nguồn bỏng, xả nước trực tiếp vào vết bỏng càng sớm càng tốt, liên tục trong vòng 15-20 phút để làm giảm nhiệt độ bề mặt của da và giúp giảm độ sâu của vết bỏng, sau đó sử dụng gạc hoặc khăn bông thấm nước đắp vào chỗ bỏng để bớt đau và tùy vào tình trạng của vết bỏng để mua thuốc trị bỏng bôi tại nhà hoặc đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để chữa trị. “Trong quá trình điều trị, chúng tôi không ít lần gặp phải các trường hợp nạn nhân bị bỏng nhập viện với tình trạng nặng hơn do sử dụng các phương pháp xử lý bỏng sai lầm, phản khoa học, trong đó lỗi sai khi sơ cứu phổ biến nhất mà nhiều người mắc phải đó là: bôi nước mắm; bôi kem đánh răng lên vùng bị bỏng; chọc vỡ các bóng nước.... Đặc biệt, nhiều trường hợp còn dùng nước đá lạnh để chườm trực tiếp lên vết bỏng, chính điều này đã làm cho vết thương trở nên tệ hơn vì đột ngột gặp lạnh sẽ khiến biểu bì da co rút lại, vết bỏng sẽ càng lâu khỏi và dễ viêm loét”, bác sĩ Hồ Phan Trọng Quỳnh- Khoa Ngoại chấn thương- bỏng, BVĐK tỉnh khuyến cáo.
Bỏng là một tình trạng tổn thương rất phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể mắc phải, nhất là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, để phòng tránh tai nạn bỏng hiệu quả nhất thì việc nâng cao ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh” từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc sơ cứu, xử lý vết bỏng đúng cách nhằm tránh để lại những hậu quả đáng tiếc sau này.
Tác giả bài viết: Hoài Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
thành lập đơn vị đột quỵ - thầy thuốc ưu tú
ngày thầy thuốc Việt Nam 27.2.2018
hội thi quy tắc ứng xử 2018