tin tuc

Đột quỵ não- bệnh lí nguy hiểm có thể phòng tránh và điều trị khỏi

Thứ hai - 29/07/2019 22:06
(QT) - Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên thế giới sau các bệnh tim mạch, ung thư và là nguyên nhân thường gặp nhất gây tử vong, tàn phế ở người tại các nước phát triển. Tại Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ mới, trong đó tỉ lệ nam giới cao gấp 4 lần nữ giới và trên 50% trường hợp đột quỵ tử vong, có đến 90% người bệnh đột quỵ được chữa trị kịp thời phải gánh chịu các di chứng sau cơn tai biến như liệt nửa người, liệt toàn thân, bại não, biến chứng tâm lí và tâm thần.
 
Một bệnh nhân được chăm sóc tích cực sau can thiệp lấy huyết khối động mạch não gây đột quỵ
Một bệnh nhân được chăm sóc tích cực sau can thiệp lấy huyết khối động mạch não gây đột quỵ

Thường xảy ra bất ngờ, đột quỵ là bệnh lí nguy hiểm khi máu lên não bị gián đoạn đột ngột với 2 dạng chính là nhồi máu não tắc mạch và xuất huyết não vỡ mạch dẫn đến giảm hoặc mất chức năng của các tế bào được nuôi dưỡng. Tổ chức Đột quỵ não quốc tế đã phổ cập các dấu hiệu của đột quỵ với công thức FAST (nhanh) là viết tắt của Facial weakness (liệt mặt), Arm weakness (yếu tay và/hoặc chân), Speech difficulty (nói khó), Time to act fast (thời điểm phải hành động nhanh). Khi bị đột quỵ, ở người bệnh thường đột ngột xuất hiện một hoặc các dấu hiệu: Yếu nửa người và/hoặc mất cảm giác nửa người bên đối xứng; liệt mặt; khó nói; khó cử động; rối loạn ý thức và lú lẫn; nhìn một thành hai; chóng mặt; rung giật nhãn cầu... Cụ bà Đặng Thị Th., (96 tuổi) ở thành phố Đông Hà đột ngột bị suy giảm tri giác, liệt nửa người bên phải được đưa vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị sau 1,5 giờ xuất hiện triệu chứng.

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy cụ Th. bị tắc hoàn toàn động mạch cảnh chung trái từ gốc xác định bị nhồi máu não cấp do tắc mạch máu, Khoa Hồi sức tích cực-chống độc và Đơn vị Đột quỵ phối hợp với Khoa Nội tim mạch-lão học điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Để đạt hiệu quả tối ưu trong điều trị đột quỵ não, bác sĩ quyết định lấy huyết khối động mạch não dưới máy chụp X-quang số hóa xóa nền tại Đơn nguyên Tim mạch can thiệp (TMCT). Sau 1 giờ can thiệp, ê-kip của bác sĩ Phùng Hưng đã lấy rất nhiều cục huyết khối động mạch não, đưa dòng chảy của mạch máu vùng cổ và não bên trái thông hoàn toàn, cụ Th. được cải thiện tri giác và qua cơn nguy kịch. 24 giờ sau, hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy tổn thương não ở cụ Th. không đáng kể. Đến ngày thứ 3 sau phẫu thuật, cụ Th. đã hồi phục phần lớn các chức năng vận động, có sự nhận biết khi được gọi hỏi, cử động được và có cảm giác ở tay chân bên trái. Một thời gian sau, Đơn nguyên TMCT của BVĐK tỉnh đã tiến hành thủ thuật tái thông mạch máu não cứu sống một người bệnh nam 67 tuổi và một người đàn ông Thái Lan 51 tuổi bị đột quỵ do nhồi máu não được một bệnh viện ở tỉnh Quảng Bình chuyển vào cấp cứu theo quy trình báo động đỏ liên viện.

Vấn đề quan trọng nhất trong cấp cứu và điều trị đột quỵ là thời gian nên phải nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để thầy thuốc có điều kiện tận dụng “thời gian vàng” của não được tính từ 3 đến 4,5 giờ đồng hồ từ lúc khởi bệnh, cứu sống người bệnh. Trong thực tế có hơn 90% người bệnh đột quỵ đến điều trị đã quá “thời gian vàng”, đặc biệt là nhiều người do chưa biết về các triệu chứng và sự nguy hiểm của đột quỵ nên lầm tưởng bị trúng gió đã tự chích lễ, bấm huyệt, xoa dầu, tự uống thuốc huyết áp… dẫn tới đến bệnh viện muộn khi phần lớn tế bào não đã chết, không thể phục hồi. Hiện nay, BVĐK tỉnh đã có Đơn vị Đột quỵ nên việc cấp cứu và điều trị đột quỵ rất thuận lợi và hiệu quả. Nhiều người bệnh đột quỵ não đã được cứu sống bằng tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học để khôi phục dòng máu đến vùng đang thiếu máu, tái thông mạch máu.

Bác sĩ Phùng Hưng cho biết: “Với kĩ thuật lấy huyết khối động mạch não trực tiếp đường động mạch do Đơn nguyên TMCT thực hiện, đã có nhiều trường hợp đột quỵ nhồi máu não nặng được điều trị thành công, điển hình là bà Hồ Thị M., (73 tuổi) ở huyện Vĩnh Linh đột ngột liệt nửa người phải, méo miệng, nói khó khi đang ăn, liệt mặt bên phải, hôn mê được chẩn đoán nhồi máu não bán cầu trái giờ thứ 3,5 kèm rung nhĩ được điều trị bằng tiêu sợi huyết không thấy cải thiện tiếp tục được Đơn nguyên TMCT lấy huyết khối trực tiếp và bà Lương Thị Minh Ng., (63 tuổi) ở thành phố Đông Hà vào viện với nửa người bên phải bị liệt, méo mặt, nói khó đột ngột do nhồi máu não cấp giờ thứ nhất được tiến hành tiêu sợi huyết và tái thông động mạch cảnh trong bên trái bị tắc hoàn toàn. Sau can thiệp, cả hai người bệnh này đều tỉnh táo và cải thiện tình trạng liệt 3/5 và 4/5”.

Về phương pháp ngăn ngừa đột quỵ não, giới chuyên môn khuyến cáo mỗi người cần luôn giữ huyết áp ổn định, áp dụng chế độ ăn nhiều rau quả, không ăn quá mặn và quá nhiều mỡ động vật, không hút thuốc lá và không lạm dụng rượu bia, uống nhiều nước và ngủ đủ giấc mỗi ngày, tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài, thường xuyên tập thể dục, kiểm soát mỡ máu và đường huyết, giữ cân nặng hợp lí, không tắm ngay sau khi vừa ở ngoài trời nắng gắt hoặc vận động thể lực ra nhiều mồ hôi, giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh, tránh những đợt gió lạnh bất thường, không ra ngoài gió ngay khi thức dậy để tránh cơ thể bị thay đổi nhiệt độ cũng như không đi ra ngoài ngay sau khi rời khỏi chăn ấm để tránh nhiễm lạnh đột ngột. Khi có các dấu hiệu của đột quỵ, phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất trong khoảng thời gian nhanh nhất để thầy thuốc có điều kiện tận dụng “thời gian vàng” của não, cứu sống người bệnh.

Tác giả bài viết: Bội Nhiên

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây