tin tuc

Phòng ngừa nhiễm khuẩn tiết niệu liên quan đặt Sonde tiểu

Thứ ba - 11/10/2022 21:56
Ai cũng biết rằng nếu không muốn có nhiễm khuẩn tiết niệu liên quan đến đặt sonde tiểu thì chúng ta phải tôn trọng những chỉ định đặt sonde tiểu, thực hiện tốt Quy định phòng ngừa chuẩn; vô khuẩn trong quá trình đặt sonde tiểu và chăm sóc hệ thống dẫn lưu nước tiểu.
Theo Bộ Y Tế tỷ lệ nhiễm khuẩn tiết niệu (NKTN) chiếm khoảng 25% số người bệnh mắc nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV), trong đó 80% các trường hợp NKTN liên quan đến đặt ống thông tiểu dẫn lưu nước tiểu. Chính vì vậy, chủ động phòng ngừa NKTN là rất quan trọng. Hướng dẫn phòng ngừa NKTN liên quan đến đặt ống thông tiểu trong bệnh viện nhằm thống nhất các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát loại NKBV này.
Các đường lây truyền dẫn đến nhiễm khuẩn tiết niệu
  1. Tiếp xúc trực tiếp: Là con đường chủ yếu chiếm tới 90% số ca mắc nhiễm khuẩn tiết niệu.
  2. Theo đường máu: Vi khuẩn gây nhiễm khuẩn máu xâm nhập vào đường tiết niệu gây nhiễm khuẩn tiết niệu, các trường hợp này thường nặng, tỷ lệ tử vong cao do hậu quả của nhiễm khuẩn máu.
  3. Theo đường bạch huyết: Nhiễm khuẩn từ các vùng xung quanh theo đường bạch mạch lan đến đường tiết niệu.
Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn tiết niệu liên quan đến đặt sonde tiểu và dẫn lưu nước tiểu
  1. Kỹ thuật đặt ống thông tiểu không đảm bảo vô khuẩn: Thực hiện vô khuẩn chưa tốt khi đặt và chăm sóc ống thông tiểu. Vi sinh vật có thể xâm nhập vào đường tiết niệu qua bàn tay của nhân viên y tế, dụng cụ, dung dịch bôi trơn bị nhiễm khuẩn.
  2. Tắc nghẽn ứ đọng nước tiểu: Ống dẫn lưu bị tắc nghẽn tạo điều kiện cho các vi sinh vật có thời gian phát triển nhân lên tại niệu đạo, bàng quang gây nhiễm khuẩn tiết niệu.
  3. Trào ngược nước tiểu khi dẫn lưu: Nước tiểu trong túi dẫn lưu trào ngược đưa vi khuẩn theo nước tiểu vào bàng quang gây nhiễm khuẩn tiết niệu.
  4. Thời gian đặt ống thông tiểu kéo dài: Thời gian đặt ống thông tiểu tỷ lệ thuận với tỷ lệ nhiễm khuẩn tiết niệu trên người bệnh.
  5. Hệ thống dẫn lưu bị hở: Do các mối nối bị hở hoặc tuột ra trong quá trình chăm sóc khiến hệ thống dẫn lưu không kín, một chiều, dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn ngược dòng.
  6. Chất liệu ống sonde tiểu không tốt, điều kiện bảo quản không đảm bảo dễ làm nhiễm khuẩn tiết niệu khi sử dụng cho người bệnh.
     Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn tiết niệu   
 Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn tiết niệu
Đường xâm nhập của vi khuẩn gây nhiễm khuẩn tiết niệu
( Hình ảnh minh họa)
Đường xâm nhập của vi khuẩn gây nhiễm khuẩn tiết niệu
Các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn tiết niệu liên quan đến đặt sonde tiểu và dẫn lưu nước tiểu.
Chỉ thực hiện đặt sonde theo chỉ định của bác sĩ.
  1. Vệ sinh tay ngay trước và sau khi đặt ống thông tiểu hoặc khi thực hiện bất kỳ thao tác nào có tiếp xúc với thiết bị hoặc vị trí đặt ống thông tiểu.
  2. Sử dụng các dụng cụ, thiết bị đặt ống thông tiểu đã được tiệt khuẩn.
  3. Cố định ống thông tiểu ngay sau khi đặt (cố định mặt trong đùi ở vị trí thấp hơn bàng quang) để tránh di lệch ống và kéo giãn niệu đạo.Sử dụng ống thông tiểu có đường kính nhỏ nhất có thể với khả năng dẫn lưu tốt để giảm thiểu chấn thương niệu đạo và cổ bàng quang.
  4. Khi di chuyển người bệnh phải dùng panh thẳng kẹp chặt đường dẫn nước tiểu (hoặc khóa chặt đối với các hệ thống dẫn lưu có khóa) để tránh trào ngược từ túi chứa nước tiểu vào bàng quang người bệnh.
  5. Duy trì hệ thống dẫn lưu nước tiểu kín khi thay túi nước tiểu, loại bỏ nước tiểu trong túi và khi lấy bệnh phẩm nước tiểu.
  6. Thay dây dẫn lưu và túi chứa nước tiểu khi phát hiện rò rỉ nước tiểu từ các vị trí kết nối giữa ống thông tiểu với ống dẫn lưu hoặc kết nối giữa ống dẫn lưu với túi chứa nước tiểu.
  7. Đặt túi dẫn lưu luôn thấp hơn so với bàng quang, giữ ống thông và túi/ống dẫn lưu nước tiểu không bị gấp, xoắn vặn để duy trì luồng nước tiểu thông suốt. Không để túi dẫn lưu chạm sàn nhà.
  8. Loại bỏ nước tiểu trong túi dẫn lưu thường xuyên tránh để căng, đầy túi, sử dụng túi lưu nước tiểu dùng riêng cho mỗi người bệnh.
  9. Mang găng khi thực hiện bất kỳ thao tác nào có động chạm tới ống thông tiểu hoặc túi lưu nước tiểu.
  10. Thay ống thông tiểu khi bị tắc hoặc theo chỉ định của Bác sĩ, không thay thế định kỳ hoặc thường xuyên.

Tác giả bài viết: Lê Thị Liễu

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây