1. Sốt co giật là gì ?
Sốt co giật là cơn co giật xảy ra ở trẻ nhỏ khi trẻ sốt 38oC trở lên, thường xảy ra từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi, không có bằng chứng của nhiễm trùng thần kinh trung ương hay nguyên nhân nào khác gây co giật.
Tiêu chuẩn sốt co giật:
- Cơn co giật xuất hiện khi sốt trên 38oC
- Nhóm tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi
- Không có nhiễm trùng thần kinh trung ương
- Không có bất thường về chuyển hóa cấp tính gây co giật
- Không có tiền sử co giật không sốt trước đó
2. Phân loại sốt co giật
Sốt co giật được chia thành ba dạng:
- Sốt co giật thể đơn giản: thường gặp hơn
- Cơn co giật toàn thể
- Kéo dài không quá 15 phút (trung bình 3 đến 4 phút)
- Không có cơn giật tái phát trong vòng 24 giờ
- Sốt co giật thể phức tạp: ít gặp hơn
- Cơn co giật cục bộ, thường ở một bên chi hay một bên cơ thể
- Cơn co giật kéo dài quá 15 phút
- Có cơn giật tái phát trong vòng 24 giờ
- Có thể liệt thoáng qua sau sốt co giật (liệt Todd), hiếm xảy ra, khoảng 0.4-2% ca.
- Trạng thái động kinh có sốt (FSE - febrile status epilepticus)
- Co giật liên tục hoặc từng cơn kèm rối loạn tri giác
- Thường biểu hiện co giật khu trú
- Cơn co giật kéo dài hơn 30 phút
- Thường sốt cao, nhiệt độ trung bình 39.4oC
- Thường có tiền sử gia đình bị bệnh động kinh hoặc bệnh lý thần kinh
Lưu ý rằng: việc phân biệt sốt co giật đơn giản hay phức tạp dựa vào thời gian co giật, nếu trẻ được dùng thuốc chống co giật thì không còn chính xác nữa (ví dụ : Diazepam được chỉ định khi cơn co giật kéo dài trên 5 phút)
Sốt co giật thể phức tạp gặp ở những trẻ nhỏ hơn, thường liên quan đến bất thường phát triển hơn. Việc phân biệt sốt co giật đơn giản hay phức tạp có ý nghĩa trong việc tiên lượng bệnh vì hầu hết các nghiên cứu chỉ ra rằng sốt co giật phức tạp có nguy cơ cao bị sốt co giật tái phát và có nguy cơ cao hơn diễn tiến thành co giật không sốt sau này.
3. Yếu tố nguy cơ
Sốt co giật là bệnh lý xảy ra tùy thuộc vào lứa tuổi, liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ xảy ra trên một cá thể có hệ thống thần kinh dễ bị tổn thương và có thể liên quan đến nhạy cảm về mặt cấu trúc gen. Bên cạnh tuổi, yếu tố nguy cơ thường gặp sốt co giật gồm: sốt cao, nhiễm virus, tiêm chủng, tiền sử sốt co giật của gia đình.
- Sốt cao: Mặc dù vấn đề này đang được bàn cãi, sốt càng cao chứ không phải là tốc độ tăng của sốt mới là nguy cơ của sốt co giật. Một vấn đề cần quan tâm nữa là ngưỡng co giật của trẻ (seizure threshold). Ngưỡng co giật này khác nhau từ thuộc từng cá thể và độ tuổi của trẻ. Trẻ nhũ nhi có ngưỡng co giật thấp hơn, lứa tuổi này cũng dễ co giật hơn khi có rối loạn nước điện giải (đặc biệt hạ Natri máu) và một số thuốc.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng do virus thường gặp sốt co giật hơn là nhiễm trùng do vi khuẩn. Nhiễm virus liên quan đến sốt co giật là nhiễm HHV-6 (Human herpesvirus 6) và Influenza A. Tại Mỹ, nhiễm HHV-6 trong sốt co giật chiếm 1/3 trẻ dưới 2 tuổi sốt co giật lần đầu. Đặc điểm sốt do nhiễm HHV-6 là sốt rất cao, thường trên 39.5oC, lứa tuổi thường gặp 12-15 tháng tuổi. Một nghiên cứu ở Châu Âu, sốt co giật do HHV-6 gặp 35%, Adenovirus 14 %, RSV( Respiratory Syncytial Virus) : 11 %, HSV (herpes simplex virus) : 9 %, Cytomegalovirus : 3 %, và HHV-7 : 2 %. Ở châu Á, nhiễm virus Influenza là nguyên nhân thường gặp gây sốt co giật, chiếm 20% ca trong một nghiên cứu ở Hồng Kông, Parainfluenza (12%) và Adenovirus (9%).
- Tiêm chủng: một số vaccin có khả năng gây sốt co giật ở trẻ em gồm vaccin bạch hầu - ho gà toàn bào - uốn ván (Diphtheria, Tetanus toxoid, and whole-cell Pertussis - DTwP), sởi - quai bị - rubella (MMR), mặc dù nguy cơ là nhỏ. Nguyên nhân gây co giật do vaccin có thể do thành phần của vaccin, lứa tuổi của trẻ hoặc tính mẫn cảm của bộ gen của trẻ. Đối với trẻ sốt co giật trong vòng vài ngày sau tiêm vaccin ở trẻ , quyết định tiêm nhắc lại hay không tùy thuộc vào cân nhắc nguy cơ và lợi ích. Trong nhiều trường hợp, cân nhắc lợi ích vượt quá nguy cơ thì vẫn quyết định tiêm nhắc lại vaccin.
- Yếu tố gen: hiện nay không rõ sốt co giật có nguyên nhân di truyền hay không. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây ghi nhận, nếu trẻ có cha mẹ hoặc anh chị em bị sốt co giật thì có khoảng 10-20% trẻ có nguy cơ sốt co giật. Những trẻ sinh đôi cùng trứng nguy cơ cao hơn những trẻ sinh đôi khác trứng.
- Yếu tố nguy cơ khác: Việc tiếp xúc với một số chất trong giai đoạn bào thai có thể là nguy cơ gây sốt co giật của trẻ sau này: mẹ hút thuốc lá (nicotin). Một số nghiên cứu còn ghi nhận viêm mũi dị ứng và hen cũng là yếu tố nguy cơ gây sốt co giật ở trẻ.
4. Diễn tiến sốt co giật
Khoảng 2-5% trẻ khoẻ mạnh bình thường trải qua ít nhất một lần sốt co giật, thường gặp là sốt co giật đơn giản. Không có bất lợi lâu dài nào khi trẻ có một hoặc nhiều cơn co giật do sốt. Khi so sánh với nhóm chứng cùng độ tuổi, bệnh nhi sốt co giật không thấy tăng tỷ lệ về bất thường hành vi, học tập, nhận thức hoặc chú ý. Tuy nhiên những trẻ bị động kinh sau này có thể gặp những khó khăn như vậy.
Nguy cơ tái phát sau cốt co giật lần đầu tiên là 30%. Nếu trẻ có hai hay nhiều cơn sốt co giật thì nguy cơ tái phát cơn tiếp theo là 50%. Mặc dù khoảng 15% trẻ động kinh đã từng bị sốt co giật, nhưng chỉ 5% (từ 1-33% tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ) trẻ sốt co giật bị động kinh sau này.
Dưới đây là các yếu tố nguy cơ làm tăng tái phát co sốt co giật
- Yếu tố chính: trẻ dưới 1 tuổi, co giật khi sốt 38-39oC, co giật khởi phát sớm trong vòng 24 giờ sau khi sốt
- Yếu tố phụ: tiền sử gia đình sốt co giật, tiền sử gia đình bị động kinh, sốt co giật phức tạp, đi gửi nhà trẻ, trẻ nam, nồng độ Natri tại thời điểm co giật thấp
Nếu không có yếu tố nguy cơ nào kể trên thì khả năng tái phát co giật khoảng 12%. Trẻ có một yếu tố nguy cơ thì khả năng tái phát là 25-50%, có hai yếu tố nguy cơ thì khả năng tái phát là 50-59% và khi có từ ba yếu tố nguy cơ trở lên thì khả năng tái phát 73-100%.
Bảng 1. Các yếu tố nguy cơ động kinh sau sốt co giật
Yếu tố nguy cơ |
Tần suất chuyển thành động kinh (%) |
Sốt co giật đơn giản |
1 |
Sốt co giật tái phát |
4 |
Sốt co giật phức tạp (thời gian co giật > 15 phút hoặc tái phát trong vòng 24 giờ) |
6 |
Co giật khởi phát sớm khi sốt dưới 1 giờ |
11 |
Tiền sử gia đình động kinh |
18 |
Sốt co giật phức tạp (co giật cục bộ) |
29 |
Chậm phát triển tâm thần |
33 |
5. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị sốt co giật ?
Khi trẻ xuất hiện triệu chứng sốt co giật các bậc cha mẹ cần:
- Giữ bình tĩnh không nên hốt hoảng, la khóc. Kêu gọi người phụ giúp lau mát
- Đặt trẻ ở một nơi an toàn nếu trẻ ở gần nơi nguy hiểm như gần hồ nước, cạnh bếp lửa, cầu thang ... Vị trí đặt trẻ nên bằng phẳng (giường hay nền nhà..), rộng rãi, thoáng mát, tránh các đồ vật sắc nhọn xung quanh gây tổn thương trẻ
- Đặt trẻ nằm nghiêng một bên
- Tuyệt đối không nhỏ bất kì dung dịch hay chất gì vào miệng trẻ miệng bé như chanh, sả .. vì dễ gây hít, sặc các chất đó vào phổi gây viêm phổi.
- Không cố gắng nạy răng của trẻ
- Không giữ quá chặt trẻ để kiềm cơn giật
- Bảo vệ vùng đầu cho trẻ như đặt khăn, gối hoặc dùng tay giữ đầu trẻ, tránh trong trường hợp cơn co giật gây đập đầu xuống đất
- Nới lỏng áo quần, dây nịt, cởi bỏ mắt kính
- Nhét thuốc hạ sốt vào hậu môn nếu trẻ sốt (sẽ đề cập cụ thể hơn ở phần tiếp theo)
- Chú ý theo dõi thời gian co giật (nếu có thể)
- Đưa trẻ vào bệnh viện để tiếp tục theo dõi.
Cách hạ sốt cho trẻ:
- Đặt trẻ tư thế thoải mái, dễ chịu để thông đường hô hấp
- Cởi bỏ hết áo quần của trẻ
- Theo dõi nhiệt độ của trẻ bằng cặp nhiệt nách hoặc miệng
- Đắp khăn ướt với nước ấm 34-35oC lên hai nách, hai bẹn, có thể đắp ở trán. Thường xuyên thay đổi khăn để việc giải nhiệt cho trẻ được thực hiện tốt và nhanh hơn. Không nên dùng cồn 90o, nước đá, chanh, sả, rượu, dấm để lau mát cho trẻ.
- Dùng thuốc hạ nhiệt Paracetamol qua đường hậu môn (nếu lúc này trẻ đang co giật) liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại sau 4-6 giờ (tối đa: 4 lần/ngày). Ví dụ: trẻ 10kg, dùng Paracetamol 150mg / viên, dùng 1 viên khi trẻ sốt 38.5oC trở lên.
Sốt co giật không phải là một hiện tượng hiếm gặp ở trẻ. Mức độ nguy hiểm còn tùy thuộc vào các nguyên nhân gây co giật. Tuy nhiên, co giật đi kèm với sốt có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nhiễm trùng nặng như viêm màng não, viêm não,...
Trong quá trình xử lý co giật ở trẻ, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng, tiếp cận chẩn đoán và có thể chỉ định xét nghiệm sau:
- Công thức máu, CRP, điện giải đồ, đường máu
- Chọc dò dịch não tủy
- CT-scanner sọ não, MRI sọ não, điện não đồ
- Xét nghiệm gene …
Không phải trẻ nào cũng cần làm tất cả những xét nghiệm này. Tùy vào lâm sàng của từng trẻ mà quyết định thái độ xử trí phù hợp. Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện sốt co giật, cha mẹ cần đưa bé đi khám ngay để được bác sĩ kiểm tra và có phác đồ điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo
- JM, J. (2022). Clinical features and evaluation of febrile seizures. Retrieved from Uptodate: https://www.uptodate.com
- JM, J. (2022). Treatment and prognosis of febrile seizures. Retrieved from Uptodate: https://www.uptodate.com
- MK, R., & W, J. (2020). Nelson Textbook of Pediatrics. In Febrile Seizure (pp. 3092-3094). Elsevier, 21th ed.
- Giovine, M. D. (2022). Febrile Seizures in Children. Retrieved from https://www.healthychildren.org
- Matesanz. (2020). Seizure First Aid for Children. Retrieved from https://www.healthychildren.org