(QT) - Khoa bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị thường được bệnh nhân gọi tắt bằng cái tên: khoa lây. Một tuần nằm viện điều trị tại khoa này, tôi thực sự rất chia sẻ trước những khó khăn cũng như cống hiến của tập thể y, bác sĩ, cán bộ đang làm việc tại khoa, tất cả vì người bệnh thương yêu.
Y tá Lê Thị Phương Thảo vừa bưng bát cơm trưa chưa kịp ăn đã vội vàng đặt xuống khi nghe tiếng người nhà của bệnh nhân trong khoa đề nghị giúp đỡ một bệnh nhân bị uốn ván. Thấy tôi ái ngại, Thảo nhẹ nhàng cho biết em quen rồi. Nhìn cô y tá bơm thuốc, bơm thức ăn, nước uống cho bệnh nhân uốn ván một cách nhẹ nhàng, thuần thục mới cảm phục câu chuyện “Lương y như từ mẫu” ở Khoa bệnh Nhiệt đới.
Tìm hiểu tôi được biết tiếng gọi cấp cứu đó là mẹ của bệnh nhân Trần Thế Ngọc ở thôn Hòa Bình, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh bị bệnh uốn ván. Sơ ý buông chân xuống đất trong khi đi xe máy đã làm ngón chân cái bên bàn chân phải của anh Ngọc bị sầy, xước, chảy máu. Không ngờ vết trầy xước nhỏ ấy chỉ mấy ngày sau buộc anh Ngọc quỵ xuống vì nhiễm vi trùng uốn ván. Hoàn cảnh của Ngọc rất khó khăn, là con liệt sĩ, nhà nghèo, mẹ anh Ngọc lập gia đình mới. Sau gần một tháng được y, bác sĩ ở khoa tận tình điều trị với những phác đồ hiện đại, phù hợp cùng với việc mở khí quản nên Ngọc bắt đầu thở tốt hơn. Bác sĩ Ngô Chiến, Trưởng Khoa bệnh Nhiệt đới cho biết với những loại thuốc điều trị và nâng cao thể trạng cho bệnh nhân không nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả thì người nhà cần mua thêm để điều trị cho người thân của mình. Thương hoàn cảnh của anh Ngọc không có tiền, bác sĩ Ngô Chiến phải kêu gọi sự ủng hộ từ bên ngoài, mà trước hết là của cán bộ trong khoa và bệnh viện. Số tiền ủng hộ anh Ngọc được y tá theo dõi ghi vào một quyển sổ chi tiết rồi giao lại cho mẹ anh Ngọc giữ để mua thêm thuốc bổ sung điều trị. Sau hai ngày kêu gọi, Khoa bệnh Nhiệt đới đã huy động được hơn ba triệu đồng. Mẹ anh Ngọc mừng chảy nước mắt, lật từng trang sổ ghi danh sách và tiền ủng hộ con trai, nghẹn ngào: “Cảm ơn các bác sĩ, y tá nhiều lắm. Con trai tui bị uốn ván ngỡ như chết rồi, vào đây được khoa cứu sống, nay lại vận động tiền cho gia đình mua thuốc nữa, ơn này tui không biết khi nào trả được”.
Đây không phải là lần đầu tiên Khoa bệnh Nhiệt đới cứu sống ca uốn ván tưởng chừng đã hết đường cứu chữa. Cách đây bốn năm, cụ ông Lê Văn Khuê, người ở thôn Sa Bắc, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh bị gai nhọn đâm xuyên vào kẽ ngón chân trái trong lúc làm vườn. Cụ Khuê được người nhà đưa đến Khoa bệnh Nhiệt đới. Chẩn đoán xác định người bệnh bị nhiễm trùng uốn ván cấp, giai đoạn toàn phát, các bác sĩ khoa đã sử dụng huyết thanh kháng độc tố uốn ván, thuốc an thần chống co cứng, kháng sinh phòng chống bội nhiễm và nuôi dưỡng người bệnh bằng đường tĩnh mạch.
Bác sĩ Ngô Chiến,Trưởng Khoa bệnh Nhiệt đới cho biết với bệnh uốn ván cấp giai đoạn toàn phát mức độ nặng thì tỉ lệ tử vong là 50/50 ở người trên 50 tuổi. Trường hợp một người già bị bệnh uốn ván cấp như cụ Khuê thì đặc biệt nguy hiểm, đòi hỏi quá trình điều trị phải đảm bảo lưu thông đường thở, khống chế được cơn co giật, dinh dưỡng phải đầy đủ, điều dưỡng chăm sóc phải sát sao để chống bội nhiễm phổi, chống tắc mạch, lở loét. Với nỗ lực điều trị và chăm sóc tích cực, sau ba tuần cụ Khuê mở được mắt và 20 ngày sau nữa cụ tỉnh táo dần.
Khoa bệnh Nhiệt đới có tất cả 15 cán bộ, trong đó có 3 bác sĩ tiếp nhận điều trị tất cả các bệnh truyền nhiễm, như sốt rét, sốt xuất huyết, siêu vi, thương hàn, uốn ván, viêm gan, HIV và thường xuyên thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm. Có nhiều thời điểm bệnh nhân đông đến 60 người, bị quá tải nên khoa phải xếp thêm giường để kịp điều trị. Công việc chuyên môn tại khoa rất áp lực nhưng các bác sĩ, y tá, điều dưỡng lúc nào cũng đặt sự cẩn trọng và trách nhiệm lên hàng đầu để hoàn thành nhiệm vụ một cách an toàn nhất.
Vì nằm gần Khoa Tâm thần kinh nên nhiều bệnh nhân ở Khoa bệnh nhiệt đới muốn có môi trường tĩnh lặng để nghỉ ngơi và điều trị bệnh. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Ngô Chiến giải thích do đang khó khăn về cơ sở làm việc nên cả hai khoa cùng chung một khu nhà không lớn, điều đó đã ảnh hưởng đến bệnh nhân của cả hai khoa. Hiện tại rất cần một khu nhà điều trị riêng dành cho Khoa Tâm thần kinh vì bệnh nhân khoa này cần được ưu tiên và điều trị cách li trong môi trường an toàn.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình Khu nhà H của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Bệnh viện cho biết trước mắt rất mong muốn bệnh nhân và cán bộ của hai khoa trên chia sẻ khó khăn với bệnh viện vì sự thiếu về cơ sở hạ tầng điều trị bệnh. Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị đã trình xin Hội đồng Nhân dân tỉnh nguồn vốn gần 20 tỉ đồng để xây khu nhà riêng dành cho Khoa Tâm thần kinh.