Tầm soát là kiểm tra, tìm kiếm bệnh trước khi có triệu chứng bệnh xảy ra. Tầm soát ung thư cổ tử cung là tìm ra những thay đổi tiền ung thư ở tế bào cổ tử cung, khi đó có thể điều trị để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung phát triển.
2. Tại sao phải tầm soát ung thư cổ tử cung?
Theo thống kê năm 2020 của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), tỷ lệ ung thư cổ tử cung ở Việt Namlà 2,3% so với tỷ lệ ung thư chung. Trong đó, có đến 4.132 ca mắc mới và 2.223 ca tử vong (chiếm khoảng 54%). Việt Nam có tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư cổ tử cung cao hơn so với một số nước trong khu vực Châu Á. Trong quá trình tầm soát có thể phát hiện bệnh. Phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm có thể điều trị dễ dàng dẫn đến lành bệnh hoàn toàn. Bệnh nhân ở giai đoạn 1 có tỷ lệ sống 5 năm là 80 - 95% và giảm xuống 15% khi phát hiện ở giai đoạn 4. Tại Hoa Kỳ trong 30 năm, số ca mắc ung thư cổ tử cung và tử vong đã giảm một nửa. Điều này chủ yếu là nhờ phụ nữ thường xuyên tầm soát ung thư cổ tử cung.
3. Tầm soát ung thư cổ tử cung thực hiện như thế nào?
Có ba cách chính để sàng lọc ung thư cổ tử cung: Cách 1: Xét nghiệm virus u nhú ở người (HPV): Virus HPV là tác nhân chính gây ung thư cổ tử cung, trong đó có 2 type 16 và 18 (chiếm nguy cơ cao > 70%). Cách 2: Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung (hay còn gọi là xét nghiệm Pap) là thu thập các tế bào cổ tử cung để kiểm tra những biến đổi do nhiễm HPV, biến đổi ung thư hoặc tiền ung thư. Ngoài ra, xét nghiệm còn có thể phát hiện ra các tổn thương cổ tử cung không do u như nhiễm trùng hoặc nấm. Cách 3: Soi cổ tử cung (VIA): Đó là 1 thủ thuật được thực hiện thông qua một thiết bị phóng đại đặc biệt gọi là máy soi cổ tử cung để quan sát cổ tử cung. Trong quá trình soi, bác sĩ sẽ tiến hành bôi các dung dịch acid acetic và lugol lên cổ tử cung để quan sát sự biến đổi bất thường ở cổ tử cung.
Soi cổ tử cung và lấy mẫu làm xét nghiệm tế bào học cổ tử cung (Pap test).
4. Khi nào nên đi tầm soát ung thư cổ tử cung?
Khuyến cáo sàng lọc ung thư cổ tử cung dựa trên độ tuổi và tình hình sức khỏe. Vì vắc xin HPV không ngăn ngừa được tất cả các type HPV nên những người đã tiêm chủng vẫn nên tuân theo các khuyến cáo sàng lọc ung thư cổ tử cung. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society, ACS) khuyến cáo:
Tuổi 21-24
Xét nghiệm Pap 3 năm một lần
Tuổi 25-29
Xét nghiệm Pap 3 năm một lần
Tuổi 30‒65
Xét nghiệm Pap 3 năm một lần, xét nghiệm HPV 5 năm một lần hoặc xét nghiệm HPV/Pap 5 năm một lần
Tuổi từ 65 trở lên
Không sàng lọc nếu tất cả các xét nghiệm trước đó là bình thường và không có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung
Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (American College of Obstetricians and Gynecologists, ACOG) có thể tầm soát ở phụ nữ trẻ hơn từ 21 tuổi với Pap test mỗi 3 năm. Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị có đầy đủ các xét nghiệm tầm soát cổ tử cung. Các bác sỹ chuyên môn sâu sẵn sàng tư vấn và thực hiện cho những ai có nhu cầu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Văn Hiếu (2015). Ung thư cổ tử cung. Ung thư học, Nhà xuất bản Y Học, Hà Nội, 256-268.
Sung H, Ferlay J, Siegel RL, Laversanne M, Soerjomataram I, Jemal A, Bray F. Global Cancer Statistics 2020: GLOBOCAN Estimates of Incidence and Mortality Worldwide for 36 Cancers in 185 Countries. CA Cancer J Clin. 2021 May;71(3):209-249.
Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ,ACOG (2021). Updated Cervical Cancer Screening Guidelines.
Viện ung thư quốc gia Hoa Kỳ, NCI (2020). ACS’s Updated Cervical Cancer Screening Guidelines Explained.
Tác giả bài viết: BS. Nguyễn Trần Khánh – Khoa Giải Phẫu bệnh