Xét nghiệm Coombs còn được gọi là xét nghiệm kháng globulin, là một phương pháp xét nghiệm huyết học nhằm phát hiện sự hiện diện của kháng thể hoặc bổ thể gắn trên bề mặt hồng cầu.
Xét nghiệm Coombs còn được gọi là xét nghiệm kháng globulin, là một phương pháp xét nghiệm huyết học nhằm phát hiện sự hiện diện của kháng thể hoặc bổ thể gắn trên bề mặt hồng cầu.
Đây là một xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến thiếu máu tan máu tự miễn, bệnh lý tan máu của thai nhi và trẻ sơ sinh, phản ứng truyền máu. 1. Các loại xét nghiệm Coombs
Xét nghiệm Coombs trực tiếp và gián tiếp
a. Xét nghiệm Coombs trực tiếp (Direct antiglobulin Test - DAT)
Dùng để phát hiện kháng thể IgG hoặc bổ thể C3 bám trực tiếp trên bề mặt hồng cầu của người bệnh. Ứng dụng: - Chẩn đoán thiếu máu tan máu tự miễn (AIHA). - Phát hiện tan máuở trẻ sơ sinh do bất đồng nhóm máu mẹ - con (như bất đồng nhóm máu ABO, Rh,...). - Đánh giá phản ứng tan máu sau truyền máu.
b. Xét nghiệm Coombs gián tiếp (Indirect antiglobulin Test - IAT)
Dùng để phát hiện kháng thể tự do trong huyết tương có khả năng gắn kết với kháng nguyên hồng cầu. Ứng dụng: - Sàng lọc kháng thể bất đồng nhóm máu trong thai kỳ. - Sàng lọc trước truyền máu để phát hiện kháng thể kháng hồng cầu bất thường ở người nhận. - Dùng trong chuẩn bị máu tương hợp trước truyền. 2. Nguyên lý xét nghiệm Dựa trên khả năng ngưng kết hồng cầu khi có sự hiện diện của kháng thể kháng globulin người (anti-human globulin - AHG). - Trong xét nghiệm Coombs trực tiếp: Hồng cầu người bệnh được trộn với thuốc thử AHG. Nếu hồng cầu đã gắn kháng thể/bổ thể, sẽ xảy ra ngưng kết.
Nguyên lý xét nghiệm Coombs trực tiếp (Direct antiglobulin Test)
- Trong xét nghiệm Coombs gián tiếp: Huyết thanh người bệnh được trộn với hồng cầu có kháng nguyên tương ứng. Sau đó, hỗn hợp được ủ và rửa, rồi thêm AHG để phát hiện ngưng kết.
Nguyên lý xét nghiệm Coombs gián tiếp (Indirect antiglobulin Test)
3. Ứng dụng lâm sàng
Trong truyền máu: Phát hiện kháng thể bất thường ngoài hệ ABO (ví dụ: anti-D, anti-Kell...) để phòng tránh phản ứng truyền máu; Đảm bảo truyền máu an toàn thông qua xét nghiệm hòa hợp miễn dịch truyền máu; Đánh giá phản ứng tan máu sau truyền máu.
Xét nghiệm Coombs được thực hiện trong truyền máu
Trong sản khoa: Phát hiện kháng thể kháng Rh (đặc biệt anti-D) ở thai phụ Rh (-), nhằm dự phòng bệnh tan máu ở thai và sơ sinh; Chỉ định tiêm globulin anti-D ở thời điểm thích hợp.
Phát hiện kháng thể kháng Rh (anti-D)
Trong nhi khoa: Chẩn đoán bệnh tan ở trẻ sơ sinh do bất đồng nhóm máu mẹ con.
Trong nội khoa: Chẩn đoán thiếu máu tan máu tự miễn. Theo dõi hiệu quả điều trị với corticosteroid, truyền máu, hoặc các thuốc ức chế miễn dịch.
4. Một số lưu ý - Kết quả xét nghiệm Coombs dương tính không đồng nghĩa với bệnh lý. Cần kết hợp lâm sàng và các xét nghiệm khác để đưa ra chẩn đoán chính xác. - Một số thuốc (penicillin, methyldopa...) có thể gây xét nghiệm Coombs dương tính giả. - Trẻ sơ sinh có xét nghiệm Coombs dương tính cần được theo dõi sát về tình trạng vàng da, thiếu máu và nguy cơ tăng bilirubin máu. Xét nghiệm Coombs là một công cụ chẩn đoán quan trọng, giúp phát hiện và xử trí các rối loạn huyết học liên quan đến miễn dịch. Việc sử dụng đúng chỉ định và diễn giải kết quả một cách hợp lý là điều cần thiết để đem lại hiệu quả lâm sàng tối ưu.
Tài liệu tham khảo: 1. Bộ Y tế (2022). Quyết định số 1832/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý huyết học”. 2. Bộ Y tế (2013). Thông tư 26/2013/TT-BYT “Hướng dẫn hoạt động truyền máu”.
3. Đỗ Trung Phấn (2022). Kỹ thuật xét nghiệm huyết học và truyền máu ứng dụng trong lâm sàng, Nhà xuất bản Y học, 243-247.
Tác giả bài viết: Bác sĩ Bùi Ngọc Hoàng - Khoa Huyết học - Truyền máu