Chủ nhiệm | Ths. Hồ Thị Mỹ Châu | Thành viên | CN. Trần Thị Vân, CN. Trần Thị Thúy Mỹ, CN. Phan Thị Hải |
---|---|---|---|
Số | N/A | Năm | 2018 |
Cấp độ | Đề tài cấp cơ sở | Lĩnh vực | Y khoa |
Đặt vấn đề
Té ngã là một hiện tượng phổ biến của người cao tuổi. Theo thống kê của Hội đồng lão khoa quốc gia của Hoa Kỳ (National Council on Aging - NCOA), cứ 4 người từ 65 tuổi trở lên thì có 1 người bị té ngã trong một năm. Một thống kê khác của Altman và các cộng sự cho thấy tỷ lệ người cao tuổi bị té ngã trong năm là khoảng 28% – 35% đối với những người có tuổi từ 65 tuổi trở lên và 32% – 42% đối với những người có tuổi trên 75. Hơn 15% trong số đó bị té ngã 2 lần trong năm [1]. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 1.5 - 1.9 triệu người già bị té ngã mỗi năm và 5% số đó phải nhập viện vì các chấn thương [2].
Đối với người già, té ngã thường gây ra các tổn thương rất nghiêm trọng như gãy xương, chấn thương sọ não… Những số liệu gần đây của Trung tâm thống kê sức khỏe (National Center for Health Statistics) cho thấy trong năm 2015, khoảng 55% các ca tử vong do chấn thương của người cao tuổi tại Anh có nguyên nhân là do té ngã. Đối với những người có độ tuổi từ 75 trở lên thì tỷ lệ này là 78%. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của gia đình, cộng đồng và cả xã hội [3].
Té ngã không chỉ gây ra các chấn thương vật lý mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của người cao tuổi. Nó làm cho người cao tuổi sợ việc vận động, qua đó tác động một cách gián tiếp đến sức khỏe của họ. Ngoài ra, khi điều trị chấn thương thường phải bị cách ly tạm thời ra khỏi cộng đồng, xã hội, làm tăng cảm giác cô đơn và có thể dẫn đến trầm cảm [1, 4].
Việc phát hiện té ngã sớm có thể giúp người nhà, người chăm sóc hay nhân viên y tế đến một cách kịp thời và có thể giúp hạn chế hậu quả do té ngã gây ra [5]. Do đó, nhu cầu về đánh giá và phát hiện sớm nguy cơ té ngã để thông báo cho người chăm sóc hay những người có liên quan là rất cấp thiết.
Chính vì vậy, để có cái nhìn tổng quát về tình trạng té ngã của bệnh nhân lớn tuổi đang điều trị và từ đó đề xuất một số giải pháp dự phòng thiết thực, hiệu quả góp phần giảm thiểu vấn đề té ngã, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài nghiên cứu “Nguy cơ té ngã của bệnh nhân cao tuổi đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị” với mục tiêu:
1. Mô tả tỷ lệ té ngã ở bệnh nhân cao tuổi đang điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị.
2. Xác định các yếu tố liên quan đến té ngã ở bệnh nhân cao tuổi đang điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị