Khó khăn chồng chất khó khăn
Hơn một năm trôi qua kể từ khi COVID - 19 bùng phát trong cả nước, ngành Y tế Quảng Trị nói chung, trong đó có Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn. Bác sĩ CK II Trương Xuân Nhuận, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh cũng như chủ động ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới, bệnh viện lên kế hoạch phân chia đội ngũ nhân viên y tế, trong đó tăng cường lực lượng đoàn viên, thanh niên vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia phân luồng, sàng lọc, cách ly người bệnh ngay từ cổng ra vào liên tục 24/7. Song song với đó là tập trung nhân lực thực hiện chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, đảm bảo cách ly, không để dịch bệnh lây lan, đặc biệt tại các khoa dễ lây nhiễm, tỉ lệ tử vong cao như Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc hay Khoa Thận nhân tạo. Điều này vì thế đã làm gia tăng khối lượng công việc của các nhân viên y tế tại bệnh viện lên gấp nhiều lần so với thông thường. Cùng với khó khăn về nhân lực, do ảnh hưởng của dịch bệnh, bệnh viện cũng đang gặp một số khó khăn khác như thiếu thốn vật tư y tế; thiếu hụt nguồn máu, số lượng máu tại ngân hàng máu của bệnh viện…
Nếu như trước đây, mỗi bệnh nhân điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đều có ít nhất một người nhà được phép ra, vào hỗ trợ chăm sóc thì nay, việc chăm sóc bệnh nhân từ thăm, khám bệnh cho đến vệ sinh thân thể, cho ăn uống... đều do các y, bác sĩ trong khoa phụ trách hoàn toàn nhằm hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm COVID - 19 cho bệnh nhân. Công việc vốn đã nhiều nay vì thế lại càng “đè nặng” trên đôi vai của lực lượng nhân viên y tế. Họ gần như phải di chuyển liên tục, hoạt động hết công suất mỗi ngày mới có thể xử lý được hết toàn bộ công việc từ nhiệm vụ chuyên môn cho đến chăm sóc bệnh nhân. Bác sĩ CK I Hoàng Ngọc Huỳnh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc chuyển tuyến cho bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn, nên hiện tại, chúng tôi tiếp nhận điều trị cho khoảng 50 - 55 người/ngày. Số lượng bệnh nhân đông, việc chăm sóc người bệnh đều do nhân viên y tế trong khoa phụ trách buộc lực lượng y, bác sĩ chúng tôi phải nỗ lực gấp 3, gấp 4 lần bình thường để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Nỗ lực vượt qua
Để có thể vượt qua khó khăn, thách thức trong dịch bệnh đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía bệnh viện và lực lượng y, bác sĩ đang công tác tại đây. Thay vì chỉ làm tốt công việc chuyên môn của mình như trước đây, họ phải đồng thời xử lý một lúc nhiều công việc để có thể làm tốt nhiệm vụ “kép”: Vừa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân; vừa chống dịch hiệu quả. Bác sĩ CK I Hoàng Ngọc Huỳnh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết: “Gác lại những mệt mỏi cùng khó khăn riêng, chúng tôi luôn xác định rằng, tính mạng bệnh nhân là trên hết, vì vậy việc quan trọng hàng đầu chính là cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân, đồng thời góp một phần công sức của mình vào công tác phòng chống COVID - 19 chung của cả nước”.
Cùng với đó, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn máu, số lượng máu nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong những trường hợp khẩn cấp, các y, bác sĩ tại bệnh viện đã tình nguyện cùng gia đình bệnh nhân tham gia hiến máu cứu người. Trường hợp của bệnh nhân Đặng Thị Phụng (61 tuổi), đang điều trị tại Khoa Nội tổng hợp và bệnh nhân Võ Huy Triện (92 tuổi), điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc là ví dụ. Được biết, vào ngày 3/3/2021, các bệnh nhân này được cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, đe dọa đến tính mạng. Thời điểm đó, ngân hàng máu của bệnh viện không còn đủ máu để truyền cho bệnh nhân. Trước tình hình ấy, 3 cán bộ y tế của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc gồm: bác sĩ Lê Thảo Sương, các điều dưỡng Lê Thị Lan Thảo và Lê Huy Tường đã không ngần ngại hiến máu, giúp bệnh nhân thoát khỏi bàn tay tử thần. Đối với những trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nhằm kịp thời huy động sự phối hợp chuyên môn, kỹ thuật cao của nhiều khoa cùng tham gia cứu sống bệnh nhân. Lực lượng y, bác sĩ của bệnh viện đã dồn toàn lực, làm việc không kể ngày đêm và cứu được nhiều trường hợp bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch nhất. Chị Nguyễn Thị Thu Sương, người nhà của một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc xúc động cho biết: “Cha tôi nhập viện trong tình trạng đột quỵ, khiến gia đình vô cùng lo lắng. Thế nhưng nhờ có các y, bác sĩ tận tình cứu chữa, sức khỏe của cha tôi đang dần hồi phục từng ngày. Thật sự tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn sâu sắc dành cho họ”.
Bác sĩ CK II Trương Xuân Nhuận, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Ban giám đốc bệnh viện luôn động viên cán bộ, công chức, viên chức nỗ lực hơn nữa vì sức khỏe của Nhân dân. Thông qua các cuộc giao ban, cuộc họp, ban giám đốc bệnh viện đã thống nhất và đưa ra những yêu cầu, quy định nhằm đảm bảo lực lượng y, bác sĩ, nhân viên y tế trong bệnh viện tập trung tất cả nguồn lực để vừa làm tốt công tác khám, chữa bệnh; vừa thực hiện phòng, chống dịch một cách hiệu quả nhất. Với những sự chuẩn bị chặt chẽ về nhân lực và trang thiết bị y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh quyết tâm cùng với chính quyền, ngành y tế và Nhân dân Quảng Trị xây dựng môi trường khám, chữa bệnh an toàn, phòng ngừa và đẩy lùi COVID - 19”.
Tác giả bài viết: Trúc Phương
Nguồn tin: www.baoquangtri.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
thành lập đơn vị đột quỵ - thầy thuốc ưu tú
ngày thầy thuốc Việt Nam 27.2.2018
hội thi quy tắc ứng xử 2018