Những bệnh nhân tí hon
Những em bé nằm ở Phòng Hồi sức - nhi sơ sinh hầu hết đều sinh non, có bé chỉ nhỏ như bàn tay người lớn. Để chăm sóc các em, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng không chỉ cần kĩ thuật và kinh nghiệm, mà còn cần sự kiên trì và khéo léo. Bởi lẽ, những cơ thể non nớt của các bé rất mong manh nên việc cho các em ăn hay điều trị bệnh theo phác đồ hết sức khó khăn... Để tránh vi trùng từ bên ngoài xâm nhập vào, Phòng Hồi sức nhi - sơ sinh luôn được đóng kín cửa nhưng bên trong căn phòng im ắng tưởng chừng như cách biệt với thế giới bên ngoài ấy là ngọn lửa ấm áp luôn cháy sáng bởi tình yêu nghề, yêu trẻ vô bờ bến của những người thầy thuốc đang ngày đêm giành giật sự sống cho những thiên thần nhỏ.
Chị Hồ Thị Phước, người dân tộc Vân Kiều ở xã Húc, huyện Hướng Hóa, mẹ của bé gái sinh non ở tuần thứ 30 với cân nặng 1,6 kg đang nằm điều trị tại Phòng Hồi sức nhi - sơ sinh kể về hành trình sinh nở đầy vất vả của mình: “Mình mang thai đến lần thứ 3 mới sinh được cháu. Hai lần trước, mình đều bị sẩy thai ở tháng thứ 3, thứ 4. Con mình sinh non nên rất yếu, cháu phải nằm cách li trong lồng ấp. Gần nửa tháng nay ở bệnh viện, dù thỉnh thoảng mới được vào gặp con nhưng mình cảm thấy yên tâm vì bất kể ngày hay đêm, con mình luôn được các y, bác sĩ chăm sóc, chữa trị tận tình, chu đáo. Không những thế, khi biết về hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình, các cô điều dưỡng còn ủng hộ áo quần, bỉm sữa cho con của mình nữa”.
Con của chị Phước chỉ là một trong số hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhi đã được Phòng Hồi sức nhi - sơ sinh, Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp nhận, chăm sóc và điều trị. Điều dưỡng trưởng Phòng Hồi sức nhi - sơ sinh Lê Thị Bích chia sẻ: “Không giống như những bệnh nhi khác, bệnh nhân ở đây rất đặc thù khi mà các bé không biết gọi, không biết kêu nên hầu hết được theo dõi bởi hệ thống máy móc hiện đại. Các tín hiệu của cơn ngừng thở, tím tái, hạ thân nhiệt, thông số lồng ấp thay đổi... đều thể hiện qua những tiếng tít tít, bíp bíp, ting ting, ro ro… trong căn phòng với nhiều chiếc lồng ấp đang nuôi dưỡng sự sống cho các bé. Vì thế, bác sĩ, điều dưỡng không chỉ nhìn chỉ số trên máy móc mà phải theo dõi 24/24 quanh lồng ấp của các bé để kịp thời điều chỉnh”.
Cũng theo chị Bích, có những trẻ khi sinh ra chỉ mới 26 - 27 tuần, nặng tương đương với một chai nước lọc 500 ml, do đó việc chăm sóc vô cùng vất vả. Mỗi bé luôn có bốn đường truyền tĩnh mạch gồm kháng sinh, sữa, dịch, trợ tim. Hãy tưởng tượng lấy ven cho người bệnh bình thường đã khó, thì ven của những bé này mỏng mảnh như sợ chỉ. Rồi thực hiện thủ thuật, thay bỉm với các ống truyền bao quanh, cho bé ăn sữa... các điều dưỡng cũng phải hết sức nhẹ nhàng, khéo léo, nếu để dính phân hay vết bẩn sẽ khiến các bé bị nhiễm trùng. Phòng điều trị phải đảm bảo ánh sáng, nhiệt độ như trong bụng mẹ, nhân viên luôn phải vô khuẩn, lúc rảnh lại đi xin sữa mẹ cho bé. Các bé được chăm sóc hoàn toàn bởi nhân viên y tế, nên đội ngũ y, bác sĩ tại Phòng Hồi sức nhi - sơ sinh đều rất yêu thương trẻ và dành nhiều thời gian, công sức để chăm sóc các bé như con đẻ của mình.
Cảm xúc vỡ òa nhất của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng ở đây có lẽ là khi được bế các em trên tay và bước ra khỏi căn phòng kín, được nhìn thấy niềm vui, niềm hạnh phúc đong đầy trong ánh mắt của người nhà bệnh nhân. Giờ phút ấy, dường như không còn ranh giới của những bác sĩ với bệnh nhân, mà thân thương, gắn bó như những người thân yêu, ruột thịt.
Mẹ hiền của trẻ bị bỏ rơi
Gần 20 năm gắn bó với bệnh nhân nhi, điều dưỡng Lê Thị Tuyết không thể nhớ nỗi mình đã làm mẹ đỡ đầu cho bao nhiêu trẻ sơ sinh, thế nhưng qua mỗi lời tâm sự của chị, chúng tôi hiểu được nhiều hơn về tấm lòng và tình yêu nghề của những người mang trên mình chiếc áo blouse trắng. Với họ, niềm hạnh phúc mỗi ngày là được nhìn thấy những trái tim bé bỏng còn nguyên nhịp đập, được nâng niu và sưởi ấm những hình hài non nớt. Kể về một kỉ niệm đáng nhớ, chị Tuyết không giấu được niềm vui khi cho chúng tôi xem lại hình ảnh cậu bé kháu khỉnh trong tin nhắn gửi đến cho “mẹ Tuyết”: “Đây là một bé trai rất bụ bẫm, nặng 2,7 kg, nhập viện trong tình trạng thân nhiệt thấp, mất hết các phản xạ. Sau khi được hồi sức cấp cứu kịp thời, được nuôi dưỡng trong lồng ấp và chăm sóc đặc biệt, sức khỏe của cháu mới dần ổn định. Thế nhưng, điều đáng buồn là cháu bị mẹ ruột bỏ rơi ngay sau khi vừa sinh ra”. Xót thương cho hoàn cảnh của bé, những ngày sau đó, chị và đồng nghiệp ở Phòng Hồi sức nhi - sơ sinh đã tự nguyện đóng góp tiền để mua bỉm, sữa, chăm sóc và yêu thương như máu mủ của mình cho đến khi bé xuất viện và được một gia đình nhận nuôi.
Được biết, đã có rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi hoặc người nhà cố tình “gửi” lại cho Phòng Hồi sức nhi - sơ sinh cưu mang, chăm sóc. Không ít trong số đó là con của các gia đình người dân tộc thiểu số, vì hoàn cảnh quá khó khăn nên họ không thể ở lại bệnh viện để chăm sóc con mình trong một thời gian được. Công việc của các y bác sĩ, điều dưỡng nơi đây vốn rất vất vả, nay lại càng bận rộn hơn khi hằng ngày, ngoài hoạt động chuyên môn, họ còn phải đảm đương vai trò “bà mẹ bỉm sữa” cho những “đứa con nuôi”. Điều dưỡng trẻ Bùi Thị Lan Ngọc chia sẻ với chúng tôi: “Chị em trong phòng thường đi xin sữa của các mẹ mới sinh ở Khoa Sản về cho trẻ ăn, rồi tự nguyện quyên góp và vận động các mạnh thường quân ủng hộ để có thêm sữa và đồ dùng cho các cháu sử dụng hằng ngày. Chúng tôi cứ hay nói đùa với nhau rằng, dường như trời thương những đứa trẻ bị bỏ rơi và bản thân chúng cũng biết thân biết phận nên thường rất ngoan, ít khóc. Nhiều bé khi bố mẹ bỏ còn nhỏ xíu nhưng đến khi chúng tôi làm thủ tục giao cho cha mẹ nuôi thì đã cứng cáp, bụ bẫm, đáng yêu lắm”.
Khi được hỏi về những khó khăn, bỡ ngỡ của một điều dưỡng trẻ, chưa lập gia đình nhưng đã có hơn 6 năm công tác tại Phòng Hồi sức nhi - sơ sinh, Lan Ngọc tâm sự: “Khi chăm sóc và điều trị cho các bé, mình luôn cảm thấy như là một người mẹ thực sự. Được nhìn thấy các bé khỏe mạnh, trở về với gia đình là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao mà mình có được qua nhiều năm công tác”.
Một đứa trẻ ra đời an lành, trọn vẹn đã là một phép màu. Một đứa trẻ được đưa từ lồng ấp qua bao gian nan tới tay cha mẹ còn hơn cả một điều kì diệu. Đó là nỗ lực và yêu thương của rất nhiều người, trong đó có sự cống hiến miệt mài và thầm lặng của những người bác sĩ, điều dưỡng luôn mang trong mình một trái tim nhân từ và ấm áp.
Tác giả bài viết: Hà Trang
Nguồn tin: baoquangtri.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
thành lập đơn vị đột quỵ - thầy thuốc ưu tú
ngày thầy thuốc Việt Nam 27.2.2018
hội thi quy tắc ứng xử 2018