Mục đích là hỗ trợ các nhóm đối tượng khắc phục những khó khăn về xã hội để đạt được những hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện là cầu nối để giải quyết các mâu thuẫn giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giữa bệnh nhân và bệnh nhân, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân,…Do đó, công tác xã hội trong bệnh viện thực sự có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ngoài ra, công tác xã hội trong bệnh viện là một nội dung hoạt động rất quan trọng trong quá trình chuyên nghiệp hóa lĩnh vực công tác xã hội, góp phần không nhỏ vào công cuộc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Tình hình phát triển công tác xã hội trong bệnh viện trên thế giới
Ngay từ cuối thế kỷ XVII, với cuộc cách mạng công nghiệp, xã hội Phương Tây đã bắt đầu phải chứng kiến những vấn đề phức tạp mới với quy mô rộng lớn. Trước những vấn đề này, đã có nhiều hoạt động từ thiện của các cá nhân, các tổ chức được thực hiện nhằm hỗ trợ cá nhân vượt qua khó khăn. Song, không những không thay đổi tình thế mà còn tạo ra thói quan ỷ lại trong các nhóm đối tượng yếu thế. Các hoạt động từ thiện chỉ có tác dụng xoa dịu nỗi đau nhất thời, không tìm ra căn nguyên vấn đề mà đối tượng đang gặp phải cũng như không giúp đối tượng tìm ra cách tháo gỡ. Vào giữa những năm 20 của thế kỷ trước, những nhà hoạt động xã hội ở Anh, Mỹ từ chỗ thấu hiểu sâu sắc những tác hại của cách làm từ thiện theo kiểu ban phát đã bắt đầu mở các khóa đào tạo ngắn hạn đầu tiên về công tác xã hội và vận dụng các môn Tâm lý, Xã hội học, Kinh tế học,…vào chương trình đào tạo. Cho đến giữa thế kỷ XX, công tác xã hội đã trở thành một ngành học được đào tạo chính quy ở hầu hết các nước trên thế giới, có cả ở Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ,…cả ở các nước tư bản cũng như ở các nước xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, trên thế giới đã hình thành mạng lưới quốc tế về công tác xã hội với nhiều tổ chức như: Hiệp hội các trường CTXH, Liên đoàn chuyên nghiệp xã hội, Các tổ chức và bảo vệ an ninh nhi đồng, dịch vụ gia đình,…Nhiều tổ chức Liên hiệp quốc như UNDP, UNICEF, ESCAP đã đặc biệt đề cao công tác xã hội như một cách tiếp cận khoa học và thích hợp nhằm thúc đẩy quá trình phát triển xã hội ở những nước chậm phát triển. Công tác xã hội vì vậy mà đã trở thành một ngành nghề được xã hội trọng dụng tại nhiều nước trên thế giới.
Đầu thế kỷ XIX, dạng công tác xã hội sơ khai được thực hiện bởi các nhà truyền giáo và tình nguyện viên (ở Mỹ). Những tình nguyện viên thường xuyên được tuyển chọn và được phân công giúp đỡ những người nghèo đói, ốm yếu, bệnh tật, trẻ em mồ côi, những người già không nơi nương tựa,…Họ được gọi là “những vị khách thân thiện” và “Vụ giải phóng nô lệ” giúp đỡ chăm sóc những nô lệ vừa được giải phóng nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng xã hội.
Năm 1877, “Tổ chức từ thiện xã hội” được thành lập ở Mỹ đã chú ý tới việc tổ chức các tình nguyện viên. Cũng từ đó “các tình nguyện viên” của những năm 1880-1890 đã trở thành những nhân viên công tác xã hội.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, công tác xã hội với mục đích thực hiện sự điều chỉnh xã hội giúp thân chủ vượt qua hoàn cảnh để hòa nhập và phát triển. Do vậy, công tác xã hội có một vai trò quan trọng trong việc tạo nên sức khỏe cho mỗi người. Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe bao gồm: hoàn cảnh và điều kiện sống (mức sống, vệ sinh, môi trường,…); trình độ học vấn và văn hóa; bùng nổ dân số - gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe; trình độ phát triển khoa học, kỹ thuật,…Ở Mỹ, công tác xã hội lần đầu tiên được đưa vào bệnh viện năm 1905 tại Boston và đến nay hầu hết các bệnh viện đều có phòng công tác xã hội và đây là một trong những điều kiện để các bệnh viện được công nhận là hội viên của Hội các bệnh viện Mỹ.
Tại Châu Á, hoạt động xã hội được công nhận đầu tiên tại Trung Quốc là hoạt động xã hội về y tế tại khoa công tác xã hội bệnh viện tại Bắc Kinh, thành lập năm 1921 bởi một nhân viên làm công tác xã hội Hoa Kỳ, Ida Pruitt. Bộ phận này cung cấp các dịch vụ nghiên cứu xã hội, công tác thích ứng, tái định cư; bên cạnh đó, đào tạo dịch vụ được tổ chức cho các nhân viên xã hội – có thể đây là công việc đào tạo đầu tiên tại Trung Quốc.
Tại bệnh viện, nhân viên xã hội là một thành phần trong ê kíp trị liệu. Nhân viên xã hội có nhiệm vụ tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, phương pháp chữa trị thích hợp trên cơ sở thu thập thông tin về điều kiện sống, thói quen, cá tính, đặc điểm tâm lý của bệnh nhân. Nhân viên xã hội còn thực hiện các trợ giúp về tâm lý đối với người bệnh như: trấn an, giảm áp lực, tránh xấu hổ, tư vấn về điều trị,…Nhân viên xã hội cũng có thể tham mưu về kế hoạch xuất viện của bệnh nhân và theo dõi bệnh nhân sau khi ra viện. Chăm sóc sứa khỏe tại gia đình và cộng đồng như: truyền thông, giáo dục sức khỏe, giúp các nhóm đặc thù phục hồi, phát triển thể chất và tinh thần,…Ngoài ra, sau khi điều trị bệnh, nhân viên công tác xã hội còn giúp bệnh nhân hồi phục và tái hòa nhập đời sống bình thường của gia đình và cộng đồng.
Sự xuất hiện của nhân viên xã hội trong chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng là phương thức để mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe đến với người dân ở mọi nơi, mọi lúc, nhằm khuyến khích họ tích cực tham gia giải quyết những vấn đề sức khỏe bằng chính khả năng của mình với những phương pháp thích hợp.
Tình hình phát triển công tác xã hội trong bệnh viện ở Việt Nam
Trong những năm gần đây, tại một số bệnh viện tuyến Trung ương cũng đã triển khai hoạt động công tác xã hội với sự tham gia của đội ngũ nhân viên y tế kiêm nhiệm và tình nguyện viên nhằm hỗ trợ thầy thuốc trong phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, hỗ trợ chăm sóc người bệnh,…Một số mô hình tổ chức hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện và tại cộng đồng cũng đã được hình thành trong thực tiễn như: phòng công tác xã hội, phòng Chăm sóc khách hàng, tổ Từ thiện xã hội,…thuộc bệnh viện hay nhóm công tác xã hội tham gia hỗ trợ người có HIV/AIDS, bệnh nhân tâm thần, giúp phục hồi chức năng tại xã/phường,…
Tuy nhiên, hoạt động công tác xã hội trong ngành hiện mới chỉ mang tính tự phát, chưa được điều chỉnh bởi các văn bản mang tính pháp lý. Hiện tại, ở cả 3 cấp độ hoạt động của ngành Y tế đều chưa có sự tham gia của công tác xã hội. Trước hết, tại các bệnh viện ở tất cả các tuyến của khu vực công lập cũng như ngoài công lập, hoạt động khám chữa bệnh mới chỉ được thực hiện bởi các nhân viên có trình độ chuyên môn về y, dược. Các biện pháp trị liệu về xã hôi chưa được quan tâm. Hiện một số bệnh viện, đặc biệt các tỉnh phía Nam có duy trì hoạt động xã hội mang tính từ thiện để trợ giúp bệnh nhân song vẫn chỉ là những việc làm tự phát do một số cá nhân hoặc tổ chức tự nguyện tham gia. Các hoạt động này còn thiếu tính chuyên nghiệp, mang nặng tính ban phát, chỉ giúp bệnh nhân giải quyết được một số nhu cầu bức thiết như: bếp ăn từ thiện, gây quỹ từ thiện,…Trong khi đó tại hầu hết các bệnh viện của cả nước, nhất là các bệnh viện tuyến trên thường xuyên ở trong tình trạng quá tải. Nhân viên y tế không có đủ thời gian và khả năng để giải quyết nhiều nhu cầu bức xúc của bệnh nhân như: khai thác thông tin về đặc điểm nhân khẩu xã hội của người bệnh, cung cấp thông tin về giá cả, chất lượng, địa điểm của các loại dịch vụ, tư vấn về phác đồ điều trị, tư vấn cách phòng ngừa, trấn an tinh thần cho người bệnh,…Từ đó, có thể thấy nhu cầu sử dụng đội ngũ nhân viên công tác xã hội của ngành y tế hiện nay là rất lớn và cần thiết.
Nghề công tác xã hội ở Việt Nam có thể được coi là chính thức được công nhận từ năm 2010 sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Công tác xã hội trong ngành y tế cũng đã được hình thành ngay sau đó khi mà Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2514/QĐ-BYT ngày 15/7/2011 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011-2020”. Và gần đây nhất là Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 15/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định lấy ngày 25 tháng 03 hàng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”, như vậy chúng ta có thể thấy, công tác xã hội trong bệnh viện ngày càng phát triển thực sự có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần giải quyết những nhu cầu bức thiết trong chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như làm gia tăng sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế.