tin tuc

Điểm tin thông tin thuốc - Cảnh giác dược

Thứ bảy - 22/07/2017 23:41
Nhằm đảm bảo việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả, khoa Dược thông báo đến các khoa lâm sàng về những thông tin liên quan đến tính an toàn của các thuốc chứa hoạt chất sau:

   1. Cung cấp thông tin liên quan đến tính an toàn của thuốc Fluoroquinolon

   Tiếp theo công văn số công văn số 24812/QLD-TT ngày 21/12/2016 về việc cung cấp các thông tin cho cán bộ y tế về độ an toàn, hiệu quả của các kháng sinh nhóm fluoroquinolon, ngày 27/4/2017, Cục Quản lý Dược tiếp tục có công văn số 5748/QLD-ĐK về việc cập nhật thông tin dược lý trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đối với kháng sinh nhóm này.

   Theo đó, kháng sinh fluoroquinolon dùng đường toàn thân được chỉ định điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu không phức tạp, đợt nhiễm khuẩn cấp của viêm phế quản mạn tính, viêm xoang cấp tính do vi khuẩn. Tuy nhiên, do kháng sinh fluoroquinolon liên quan đến phản ứng có hại nghiêm trọng và các tình trạng trên ở một số bệnh nhân có thể tự khỏi, nên chỉ sử dụng thuốc này cho những bệnh nhân không có lựa chọn điều trị khác thay thế.

    Mục “Cảnh báo và thận trọng” trên nhãn thuốc được bổ sung thêm thông tin:

   Các phản ứng có hại nghiêm trọng có khả năng không hồi phục và gây tàn tật, bao gồm viêm gân, đứt gân, bệnh lý thần kinh ngoại biên và các tác dụng bất lợi trên thần kinh trung ương. Kháng sinh nhóm fluoroquinolon có liên quan đến các phản ứng có hại nghiêm trọng có khả năng gây tàn tật và không hồi phục trên các hệ cơ quan khác nhau của cơ thể. Các phản ứng này có thể xuất hiện đồng thời trên cùng bệnh nhân. Các phản ứng có hại thường được ghi nhận gồm viêm gân, đứt gân, đau khớp, đau cơ, bệnh lý thần kinh ngoại vi và các tác dụng bất lợi trên hệ thống thần kinh trung ương (ảo giác, lo âu, trầm cảm, mất ngủ, đau đầu nặng và lú lẫn). Các phản ứng này có thể xảy ra trong vòng vài giờ đến vài tuần sau khi sử dụng thuốc. Bệnh nhân ở bất kỳ tuổi nào hoặc không có yếu tố nguy cơ tồn tại từ trước đều có thể gặp những phản ứng có hại trên.

   Ngừng sử dụng thuốc ngay khi có dấu hiệu hoặc triệu chứng đầu tiên của bất kỳ phản ứng có hại nghiêm trọng nào.

   Thêm vào đó, tránh sử dụng các kháng sinh nhóm fluoroquinolon cho các bệnh nhân đã từng gặp các phản ứng nghiêm trọng liên quan đến nhóm thuốc.

    2. Nhắc lại nguyên tắc sử dụng kaliclorid đường tĩnh mạch: Khuyến cáo từ ANSM

   Ngày 30/5/2017, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Pháp (ANSM) thông báo đã ghi nhận các báo cáo sai sót về thuốc liên quan đến việc tiêm tĩnh mạch kali clorid (KCl) nồng độ cao trực tiếp, không qua pha loãng. Sai sót này có thể gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong cho người bệnh. ANSM đã nhắc lại rằng dung dịch KCl ưu trương chỉ được truyền tĩnh mạch chậm cho bệnh nhân sau khi đã được pha loãng.

* Khuyến cáo dành cho bác sĩ: Tuân thủ các nguyên tắc kê đơn

- Ưu tiên dùng dạng uống cho bệnh nhân hạ kali máu mức độ nhẹ đến trung bình.

- Ưu tiên kê đơn dạng túi đã được pha loãng trước.

- Luôn ghi rõ trên đơn thuốc:

+ Liều dùng: số g KCl cần truyền cho người lớn và số mmol/kg mỗi ngày đối với trẻ em: 1 g KCl = 13,4 mmol kali (K+).

+ Tổng thể tích dung môi (NaCl 0,9% hoặc glucose 5%).

+ Truyền tĩnh mạch.

+ Tốc độ truyền: truyền tĩnh mạch chậm không vượt quá 1 g KCl/giờ.

+ Đặc biệt chú ý áp dụng khuyến cáo phù hợp cho các bệnh nhân cần hạn chế dịch, bệnh nhi và bệnh nhân trong hồi sức tích cực.

+ Kiểm tra tổng lượng KCl và tương tác với các thuốc làm tăng kali máu.

* Khuyến cáo dành cho điều dưỡng: Thuốc cần được pha loãng, truyền chậm

- Đọc kỹ thông tin trên nhãn thuốc.

- Không nên bị gián đoạn khi pha chế thuốc và nên kiểm tra lại chế phẩm nếu có thể nên kiểm tra lại chế phẩm 2 lần

- Luôn pha loãng dung dịch ưu trương (nồng độ tối đa 4 g/L KCl hay 53,6 mmol/L kali với người lớn) hoặc sử dụng một túi pha loãng trước.

- Ghi trên nhãn liều lượng và tổng thể tích.

- Truyền tĩnh mạch chậm có kiểm soát tốc độ (không vượt quá 1 g KCl/giờ hay 13,4 mmol kali/giờ với người lớn).

- Giám sát các thông số lâm sàng và cận lâm sàng khi truyền.

- Không dùng đường tĩnh mạch trực tiếp và không bao giờ sử dụng thuốc theo đường tiêm dưới da hoặc tiêm bắp.

* Khuyến cáo dành cho dược sĩ: Lưu trữ thuốc phù hợp

- Ưu tiên việc cung cấp dung dịch được pha loãng trước.

- Hạn chế tối đa việc lưu trữ các dung dịch KCl đặc trong chăm sóc và cung cấp cho các cơ sở và thủ tục khi có nhu cầu khẩn cấp.

- Gắn nhãn cảnh báo ở nơi lưu trữ và đặt ở khu vực riêng với các dung dịch điện giải khác.

 

*Bảng hướng dẫn:

 

Lượng kali clorua(KCl)

 

Lượng kali (K+)

Thể tích tối thiểu sau khi pha loãng trong NaCl 0,9% hoặc glucose 5%

Thời gian truyền tối thiểu

1g

13,4 mmol

250ml

1h

2g

26,8 mmol

500ml

2h

3g

40,2 mmol

1000ml

3h

4g

53,6 mmol

1000ml

4h

 

Nguồn: http://ansm.sante.fr/S-informer/Points-d-information-Points-d-information/Chlorure-de-potassium-par-voie-intraveineuse-et-erreurs-medicamenteuses-rappel-des-regles-de-bon-usage-Point-d-Information  

                                                                                Thông tin thuốc: DS. Nguyễn Thị Minh Thuận

Tác giả bài viết: Nguồn : canhgiacduoc.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây