tin tuc

Một số kỹ thuật cơ bản nội soi phế quản

Thứ tư - 12/06/2019 06:18

1.Hút dịch phế quản hoặc rửa phế quản:  Khi phế quản có tình trạng tăng tiết, dịch tiết được hút qua ống soi vào trong một lọ vô trùng để gởi đi làm xét nghiệm theo yêu cầu chẩn đoán. Nếu phế quản không tăng tiết, bơm 10-20ml nước cất vào nhánh phế quản ứng với vị trí tổn thương rồi hút.
2. Chải phế quản

- Chỉ định:

+ Khi tổn thương ở xa ngoài tầm quan sát của ống soi.

+ Khi tổn thương nằm song song với trục của ống soi gây khó khăn cho việc sinh

thiết hoặc khi kềm sinh thiết không đưa được vào nhánh phế quản mong muốn.

- Chống chỉ định: rối loạn đông máu.

- Kỹ thuật: Đưa ống soi đến gần tổn thương, hút sạch đàm nhớt xung quanh để bộc lộ rõ tổn thương. Sau đó, đưa dụng cụ chải phế quản qua kênh thủ thuật của ống soi đến gần tổn thương hoặc luồn vào trong lòng nhánh phế quản đã được định vị tổn thương (qua phim X quang thẳng và nghiêng hoặc phim CT-Scanner)  và cọ xát bàn chải vài lần trên bề mặt niêm mạc, sau đó rút ra, phết mẫu bệnh phẩm lên lam kính để đọc tế bào học.

3. Sinh thiết tổn thương niêm mạc khí - phế quản

Là kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm trên niêm mạc khí phế quản trong khi nội soi để làm chẩn đoán giải phẫu bệnh.

3.1 Chỉ định  

- Nhìn thấy tổn thương trong khi soi phế quản.

- Sinh thiết cựa phế quản (nơi cây phế quản chia nhánh) trong các bệnh lý hạch trung thất hoặc để đánh giá độ lan rộng của ung thư phế quản – phổi.

3.2 Chống chỉ định :

- Rối loạn đông máu.

- Nguy cơ xuất huyết gây tắc nghẽn khí đạo ở một tổn thương đã làm chít hẹp sẵn lòng khí quản.

3.3 Kỹ thuật tiến hành :

- Đưa ống soi đến gần tổn thương, hút sạch đàm nhớt hoặc máu xung quanh nếu có, để bộc lộ rõ tổn thương.

- Đầu ống soi để cách xa tổn thương ít nhất 2 cm. Luồn kềm sinh thiết qua kênh thủ thuật của ống soi đến khi đầu kềm lộ ra khỏi đầu ống soi 1cm. Mở kềm. Sau khi thấy rõ đầu kềm đã mở, đưa kềm đến áp sát tổn thương rồi đóng kềm và rút ra khỏi ống soi. Mở kềm để lấy mẫu mô sinh thiết được, bỏ vào lọ đựng Formol 10%.

- Nên tránh vùng mô hoại tử khi sinh thiết vì có thể không cho chẩn đoán đặc hiệu.

- Có thể lập lại động tác sinh thiết nhiều lần (3-4 lần) trên cùng 1 tổn thương hoặc tại các vị trí tổn thương khác nhau để nâng cao hiệu quả chẩn đoán.

3.4 Theo dõi và xử lý tai biến:

- Thông thường xuất huyết ít: không xử trí gì

- Nếu xuất huyết nhiều: Adrenalin 1/10.000 2ml bơm vào tổn thương.

4. Rửa phế quản phế nang: Là kỹ thuật bơm nước muối sinh lý vào một phân thùy phổi, sau đó hút ra, qua ống soi phế quản, để lấy bệnh phẩm xét nghiệm tế bào học, vi trùng học, và phân tích các chất hòa tan trong dịch rửa.

4.1 Chỉ định :

- Bệnh phổi mô kẽ lan tỏa.

- Bệnh phổi nghề nghiệp.

- Bệnh phổi do khiếm khuyết miễn dịch: phổi xơ nang (cystic fibrosis), thiếu alpha 1 antitrypsin, AIDS.

- Hen, viêm phế quản mạn, bệnh phổi do ô nhiễm môi trường.

- Nhiễm trùng phổi ở người suy giảm miễn dịch.

 - Nghi ung thư phổi.

4.2 Chống chỉ định :

- SpO2 < 90% với oxy.

- Tâm phế mạn.

- Mới bị nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực không ổn định, suy tim.

4.3 Kỹ thuật tiến hành :

- Nếu dự định làm nhiều kỹ thuật trên cùng một nhánh phế quản, rửa phế quản phế nang phải được thực hiện trước.

- Nếu tổn thương phổi dạng lan tỏa, nhánh phế quản được chọn sẽ là thùy giữa hoặc thùy lưỡi hoặc thùy dưới.

- Gây tê kỹ nhánh phế quản đã chọn, đưa đầu ống soi vào bít chặt nhánh phế quản này.

- Bơm 20-60ml NaCl 0,9% vào phế quản rồi hút ra lại một cách nhẹ nhàng bơm vào ống nghiệm.

- Lặp lại thao tác 3 - 5 lần. Như vậy sẽ có 3 - 5 ống nghiệm đựng bệnh phẩm với tổng lượng NaCl bơm vào từ 100ml đến 300ml.

- Ống đầu tiên đại diện cho mẫu dịch rửa phế quản và được để riêng. Các ống sau đều được xem là mẫu dịch rửa phế nang và có thể gộp chung.

4.4 Tai biến :

- Sốt sau rửa phế quản phế nang chiếm 20% trường hợp và tự hết không cần xử trí gì.

- Giảm ôxy máu: oxy liệu pháp. 

- Tình trạng co thắt phế quản được dự phòng hay cắt cơn bằng các thuốc đồng vận beta 2 ở những cơ địa tăng phản ứng phế quản.

Tác giả bài viết: BsCKI. Lê Nhân Trung – Khoa Nội Tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây