tin tuc

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

Thứ tư - 24/07/2019 21:55
Bệnh võng mạc trẻ sinh non (tên viết tắt là ROP) đây là một bệnh lý xảy ra ở võng mạc của trẻ sinh non và nhẹ cân. Bình thường, ở những trẻ sinh đủ tháng mạch máu sẽ được phát triển đầy đủ từ gai thị để nuôi tất cảvõng mạc giúp bé có thể nhìn thấy và ghi nhận được các hình ảnh xung quanh.Tuy nhiên, với những trẻ sinh non và nhẹ cân thì trẻcó thể mắc phải một số bệnh lý trong quá trình phát triển sau sinh, làm cho những võng mạc này không thể phát triển bình thường mà mạch máu võng mạc có thể tăng sinh lên quá mức, bám vào võng mạc và co kéo, gây ra bong võng mạc, gây mù lòa.

1. Các yếu tố nguy cơ
1.1. Tuổi thai và cân nặng lúc sinh thấp: Là yếu tố nguy cơ quan trọng đầu tiên, tuổi thai và cân nặng lúc sinh càng thấp thì tỉ lệ mắc bệnh và bệnh nặng càng cao 
1.2. Sử dụng oxy : nồng độ ô xy trong máu thấp hay cao đều là yếu tố nguy cơ gây bệnh võng mạc trẻ sinh non.
1.3. Các yếu tố khác: Chủng tộc, ánh sáng, vitamin E, truyền máu, xuất huyết nội sọ, co giật, bại não; loạn sản phế quản phổi và bệnh màng trong; thụ tinh ống nghiệm; thiếu oxy mãn trong tử cung; có nhiều cơn ngưng thở, tím, nhịp tim chậm; nhiễm trùng huyết Candida; … 
2.Phân loại bệnh võng mạc trẻ đẻ non
2.1. Phân loại theo vị trí: Vùng 1-3
2.2. Phạm vi: mô tả theo giờ như đồng hồ, mỗi múi giờ là một hình quạt 30o. 

m1
Hình 1. Phân loại theo vùng và phạm vi

2.3. Giai đoạn
Võng mạc trước khi bệnh phát triển, mạch máu hóa võng mạc chưa hoàn tất và gọi là võng mạc non nớt. Bệnh lý võng mạc sinh non là một bệnh tiến triển, bắt đầu bằng những thay đổi nhẹ ở mạch máu, có thể tiến triển dần đến những thay đổi nặng hơn ở vùng tiếp nối giữa võng mạch đã mạch máu hóa và võng mạc vô mạch, chia thành 5 giai đoạn. Trên cùng một mắt có thể hiện diện nhiều giai đoạn, giai đoạn được ghi nhận để phân tích trong tất cả mọi trường hợp là giai đoạn nặng nhất nhìn thấy.

m2
Hình 2  Mạch máu võng mạc còn non nớt, nhỏ dần (Phân loại quốc tế ICROP)

Giai đoạn 1: đường giới hạn. Có một đường giới hạn rõ ràng, thường phẳng, màu trắng, nằm trong mặt phẳng võng mạc giữa vùng võng mạc bình thường phía gần gai thị và vùng võng mạc vô mạch phía chu biên.

m3
Hình 3  Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non giai đoạn (Phân loại quốc tế ICROP)

Giai đoạn 2: gờ sợi mạch. Có sự hình thành một gờ mô sợi và mạch máu mới, màu trắng nếu ít mạch máu và màu hồng nếu nhiều mạch máu, có chiều cao nghĩa là nằm trên mặt phẳng võng mạc, có chiều rộng ở ngay vị trí đường giới hạn. Có thể thấy những búi tân mạch nhỏ trên bề mặt võng mạc phía sau gờ thường được gọi là bắp rang, chúng chưa lớn đến mức hình thành nên khối tăng sinh sợi mạch máu.

m4
Hình 4  Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non giai đoạn 2 (Phân loại quốc tế ICROP)

Giai đoạn 3: tăng sinh sợi mạch ngoài võng mạc. Có sự hình thành khối tăng sinh sợi mạch máu trên gờ phát triển trên bình diện võng mạc về phía dịch kính. Mô sẹo xơ bắt đầu hình thành ở giai đoạn này dính dịch kính vào gờ. Giai đoạn 3 lại được chia thành nhẹ, trung bình, nặng tùy thuộc vào mức độ tăng sinh về phía dịch kính.

m5
Hình 5  Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non giai đoạn 3 các mức độ (Phân loại quốc tế ICROP)

Giai đoạn 4: bong võng mạc một phần. Giai đoạn 4A khi bong chưa liên quan đến hoàng điểm, giai đoạn 4B khi bong cả vùng hoàng điểm.
 

m6
Hình 6. Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non giai đoạn 4 (Phân loại quốc tế ICROP)

Giai đoạn 5: bong võng mạc toàn bộ. Có 3 loại: phễu mở, phễu đóng, phía trước đóng, phía sau mở

m7
Hình 7  Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non giai đoạn 5, phễu mở (Phân loại quốc tế ICROP)

2.4. Bệnh dấu cộng:  là dấu hiệu nặng của bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non, đặc trưng bởi tĩnh mạch cực sau dãn lớn, động mạch ngoằn ngoèo ít nhất ở 2 góc tư, nếu ở mức độ nặng hơn thường đi kèm với đồng tử khó dãn và pha lê thể mờ, ký hiệu bằng dấu “+” đặt cạnh bên số của giai đoạn bệnh. Ví dụ: khi bệnh ở giai đoạn 2, có kèm theo tĩnh mạch cực sau dãn, động mạch ngoằn ngoèo, chúng ta sẽ viết là ROP giai đoạn 2+.
 

m8
Hình 8  Bệnh dấu cộng báo hiệu tình trạng bệnh nặng (Phân loại quốc tế ICROP)

2.5. Bệnh tiền dấu cộng: mức độ giữa bình thường và bệnh dấu cộng, nghĩa là động mạch ngoằn ngoèo nhưng tĩnh mạch chưa đủ dãn. Đa số trường hợp sẽ chuyển thành bệnh dấu cộng thật sự do đó cần ghi nhận trong chẩn đoán.

m9
Hình 9  Bệnh tiền dấu cộng (Phân loại quốc tế ICROP)

2.6. Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non hung hãn cực sau (Aggressive posterior retinopathy of prematurity – AP-ROP)

3. Thời điểm nào là phù hợp nhất để đưa trẻ sinh non đi tầm soát bệnh võng mạc?

Đối với bệnh võng mạc ở trẻ sinh non thì thời điểm thăm khám trẻ là cực kì quan trọng.
Lần khám mắt đầu tiên sẽ được quyết định bởi tuần tuổi thai của trẻ.

Lần khám mắt đầu tiên cần được tiến hành khi trẻ được 3-4 tuần sau khi sinh hoặc khi trẻ được ≥ 31 tuần tuổi (tính cả tuổi thai và tuổi sau khi sinh), tuỳ thuộc vào mốc thời gian nào đến sau.

4. Đối tượng khám sàng lọc bệnh võng mạc trẻ sinh non

Tất cả những trẻ có tuổi thai khi sinh ≤ 33 tuần và cân nặng khi sinh ≤ 1800g. Với những trẻ có tuổi thai khi sinh >33 tuần, cân nặng khi sinh > 1800g, nhưng có thêm các yếu tố nguy cơ như suy hô hấp, viêm phổi, thở oxy kéo dài, thiếu máu, nhiễm trùng ... cũng cần phải được khám mắt nếu có yêu cầu của bác sĩ sơ sinh
5. Điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non như thế nào ?
Bệnh võng mạc nếu được chẩn đoán và xử lý kịp thời sẽ có thể ngăn chặn được tiến trình bong võng mạc ở trẻ. Đây là một điều hết sức quan trọng mà các bậc cha mẹ cần phải quan tâm.
Trước đây, phương pháp chính để thực hiện việc phẫu thuật võng mạc mắt mà các bác sĩ thường áp dụng chính là phương pháp laser quang đông. Phương pháp này sử dụng các tia laser để bắn vào các mạch máu tăng sinh nhằm chặn đứng và cắt đứt sự phát triển của các mạch máu bất thường tại võng mạc.
Hiện nay đã có một phương pháp mới đang được bắt đầu áp dụng điều trị cho những trường hợp bệnh võng mạc mắt không cần phẫu thuật chính là sử dụng thuốc tiêm vào mắt (tiêm nội nhãn).
6. Phòng ngừa bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh thế nào ?
Đối với những trẻ được sinh ra thiếu tháng, cân nặng bé dưới 2,5kg thì cha mẹ cần lưu ý, sau khi bé được sinh ra được 3 tuần hay 4 tuần tuổi thì nên chủ động đưa bé đến tại bệnh viện có chuyên khoa về mắt để được thăm khám chính xác.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh võng mạc ở trẻ sinh non thai phụ cần chú ý chăm sóc bản thân để tránh sinh non. Thăm khám thai sản định kỳ để giúp ngăn chặn sinh non.
7. Một số lưu ý cần nhớ khi tiến hành khám võng mạc cho trẻ
Đối với những trường hợp trẻ được khám lần đầu tiên và chẩn đoán đang bị bệnh võng mạc ở giai đoạn nhẹ (giai đoạn 1, 2) thì đa phần đều sẽ được bác sĩ hẹn lịch tái khám lần tiếp theo. Việc tiến hành tái khám lần tiếp theo sẽ giúp bác sĩ đánh giá lại bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh đã dừng lại chưa hay vẫn con tiếp tục phát triển.
Do đó, việc thực hiện theo đúng lịch hẹn tái khám của bác sĩ là vô cùng cần thiết mà cha mẹ tuyệt đối không được bỏ qua. Bởi bác sĩ có thể dựa vào tình hình sức khỏe hiện tại của bé để đánh giá lại tổng quan bệnh trạng.
Nếu sau khi tái khám bác sĩ chỉ định tình trạng mắt của bé ổn định, không có tiến triển gì thêm thì cha mẹ cũng có thể an tâm hơn. Khi bé lớn bé có thể sẽ mắc phải một số khuyết điểm như bị cận thị, bị lé… Tuy nhiên, cha mẹ có thể an tâm vì những trường hợp này bác sĩ mắt sẽ điều chỉnh cho bé khi bé được 1 tuổi, 2 tuổi.
Đối với những bé bị bệnh võng mạc mắt không đồng đều, tức là một bên nặng một bên nhẹ thì các bác sĩ có thể chỉ cần tiến hành phẫu thuật mắt cho trẻ ở bên phía mắt nặng và bên nhẹ có thể sử dụng các thiết bị chuyên dụng về mắt mà không cần thiết phải thực hiện phẫu thuật.
Riêng với những trường hợp bé bị bệnh võng mạc mắt cả 2 bên thì cha mẹ cần phải hết sức lưu ý đến mức độ bệnh để xem bé đã giai đoạn cần phải phẫu thuật chưa hay vẫn có thể áp dụng điều trị bằng nội khoa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
Phan Hồng Mai (2006), Đánh giá kết quả điều trị bệnh lý võng mạc trẻ sinh non bằng Laser quang đông trên hình ảnh soi đáy mắt gián tiếp. Luận án chuyên khoa cấp II, Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh
Nguyễn Thị Hồng Phụng (2007), Khảo sát ngưỡng tầm soát bệnh võng mạc trẻ sinh non tại thành phố Hồ Chí Minh. Luận án chuyên khoa cấp II, Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh
Nguyễn Xuân Tịnh, Tôn Thị Kim Thanh (2007), “Đặc điểm bệnh võng mạc trẻ sinh non và kết quả bước đầu ứng dụng laser trong điều trị”.Nội san nhãn khoa, số 9 tháng 2/2007, trang 16-21.
Võ Nguyễn Uyên Thảo (2009), Đánh giá kết quả chức năng thị giác sau một năm điều trị bệnh lý võng mạc trẻ sinh non bằng Laser quang đông. Luận án chuyên khoa cấp II, Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh
Tiếng Anh
Hartnett ME, Penn JS. Mechanisms and management of retinopathy of prematurity. N Engl J Med. 2012; 367: 2515–2526.
Hellstrom A, Smith LE, Dammann O. Retinopathy of prematurity. Lancet. 2013; 382: 1445–1457.
Fierson WM, American Academy of Pediatrics Section on Ophthalmology, American Academy of Ophthalmology, American Association for Pediatric Ophthalmology, Strabismus, American Association of Certified Ophthalmology. Screening examination of premature infants for retinopathy of prematurity. Pediatrics. 2013; 131: 189–195.
Thompson DK, Thai D, Kelly CE, et al. Alterations in the optic radiations of very preterm children—perinatal predictors and relationships with visual outcomes. Neuroimage Clin. 2014; 4: 145–153.
Allred EN, Capone AJr, Fraioli A, et al. Retinopathy of prematurity and brain damage in the very preterm newborn. J AAPOS. 2014; 18: 241–247.
Bassi L, Chew A, Merchant N, et al. Diffusion tensor imaging in preterm infants with punctate white matter lesions. Pediatr Res. 2011; 69: 561–566.
International Committee for the Classification of Retinopathy of Pediatrics. The international classification of retinopathy of prematurity revisited. Arch Ophthalmol. 2005; 123: 991–999.
Aaberg T, Ben-Sira I, Charles S, et al. An international classification of retinopathy of prematurity. II. The classification of retinal detachment. Arch Ophthalmol. 1987; 105: 906–912.
The Committee for the Classification of Retinopathy of Prematurity. An international classification of retinopathy of prematurity. The Committee for the Classification of Retinopathy of Prematurity.Arch Ophthalmol. 1984; 102: 1130–1134.
Oishi K, Mori S, Donohue PK, et al. Multi-contrast human neonatal brain atlas: application to normal neonate development analysis. Neuroimage. 2011; 56: 8–20.
Rose J, Vassar R, Cahill-Rowley K, et al. Neonatal physiological correlates of near-term brain development on MRI and DTI in very-low-birth-weight preterm infants. Neuroimage Clin. 2014; 5: 169–177.
Rose J, Vassar R, Cahill-Rowley K, Guzman XS, Stevenson DK, Barnea-Goraly N. Brain microstructural development at near-term age in very-low-birth-weight preterm infants: an atlas-based diffusion imaging study. Neuroimage. 2014; 86: 244–256.
Avants BB, Tustison NJ, Song G, Cook PA, Klein A, Gee JC. A reproducible evaluation of ANTs similarity metric performance in brain image registration. Neuroimage. 2011; 54: 2033–2044.
Yeh FC, Verstynen TD, Wang Y, Fernandez-Miranda JC, Tseng WY. Deterministic diffusion fiber tracking improved by quantitative anisotropy. PLoS One. 2013; 8: e80713.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây