tin tuc

Chỉ số PSA - giá trị trong chẩn đoán và theo dõi sau điều trị ung thư tiền liệt tuyến

Chủ nhật - 17/11/2019 19:36
Ung thư tiền liệt tuyến là bệnh lý phổ biến ở nam giới. Ở giai đoạn đầu ung thư tiền liệt tuyến không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó phát hiện. Xét nghiệm PSA là phương pháp giúp phát hiện ung thư tiền liệt tuyến ngay từ giai đoạn đầu. Vậy chỉ số PSA là gì? Giá trị của nó trong tiên đoán và điều trị ung thư tiền liệt tuyến như thế nào?
1. PSA là gì?
        PSA (Prostate-Specifc Antigen) là một glycoproteine có phân tử nhẹ và thường có trong tinh dịch. Nó lần đầu tiên được phát hiện vào những năm 70 của thế kỷ trước, nhưng phải một thập kỷ sau mới được ứng dụng rộng rãi trong niệu khoa lâm sàng. PSA bình thường có nồng độ rất thấp trong huyết tương (ng/mL). Theo một số nghiên cứu của Việt Nam thì giá trị bình thường trong huyết tương là < 4 ng/ml.  Trong huyết tương PSA tồn tạo dưới 2 dạng: tự do và kết hợp. Hầu hết PSA trong huyết tương ở dạng kết hợp với antiproteases ACT và macroglobulin (MG).
        PSA được tiết ra chủ yếu bởi các tế bào biểu mô ồng tuyến tiền liệt. Mặc dù là kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (TTL), PSA không phải là kháng nguyên đặc hiệu của ung thư TTL
2. PSA thay đổi trong các hoàn cảnh nào?

        Nồng độ PSA tăng trong huyết tương có lẽ là do sự phá vỡ cấu trúc tế bào của TTL Sự mất đi các rào cản tạo ra bởi lớp đáy và màng nền trong tuyến bình thường có lẽ là nơi thoát ra của PSA rồi đổ vào máu. Điều này xảy ra trong bệnh cảnh các bệnh lý TTL như tăng sản lành tính (BPH), viêm hay ung thư TTL và các thao tác trên TTL như sờ nắn hay sinh thiết.
        Chấn thương TTL như sau sinh thiết TTL có thể làm phát tán PSA vào tuần hoàn mà đòi hỏi hơn 4 tuần để trở lại giá trị ban đầu. Thăm khám TTL qua ngả trực tràng có thể làm tăng PSA trong huyết tương, tuy nhiên không có ý nghĩa nhiều về mặt lâm sàng.
        Các tế bào ung thư TTL không phải tạo ra nhiều PSA hơn các tế bào TTL bình thường. Nồng độ tăng trong huyết tương trong ung thư TTL có lẽ là do sự phát triển của tế bào ung thư và sự mất ổn định cấu trúc mô học của TTL. Khi không có ung thư TTL, nồng độ PSA trong huyết tương phụ thuộc vào tuổi, chủng tộc và thể tích TTL.
        Các nghiên cứu về ảnh hưởng của xuất tính lên nồng độ PSA trong huyết tương đã cho thấy ở các bệnh nhân ≥ 50 tuổi thì xuất tinh làm tăng PSA trong huyết tương và sau 48 giờ thì PSA sẽ trở lại giá trị ban đầu.
        Điều trị các bệnh lý TTL (BPH hay ung thư) có thể làm giảm nồng độ PSA trong huyết tương vì chúng làm giảm các tế bào biểu mô TTL sản xuất ra PSA cũng như lượng PSA sản xuất ra bởi mỗi tế bào. Điều trị nội tiết như phẫu thuật cắt tinh hoàn hay LHRH, thuốc ức chế 5α-reductase, xạ trị và phẫu thuật điều trị ung thư TTL hay BPH tất cả đều làm giảm nồng độ PSA trong huyết tương. Các thuốc ức chế 5α-reductase điều trị BPH làm giảm 50% nồng độ PSA trong huyết tương sau 6 tháng điều trị. vì vậy cần phải nhân đôi giá trị PSA đo được để được giá trị thực ở các bệnh nhân BPH điều trị bằng 5α-reductase ≥ 6 tháng. Những bệnh nhân BPH được điều trị bằng thuốc ức chế 5α-reductase nên được đo nồng độ PSA ban đầu trước khi điều trị và theo dõi liên tục PSA theo thời gian. Nếu PSA không giảm khoảng 50% hay tăng lên khi đang điều trị bằng thuốc ức chế 5α-reductase thì phải nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư TTL và cần sinh thiết TTL để xác minh
        Chính vì vậy Khi đọc kết quả xét nghiệm PSA chúng ta phải luôn xem xét đến các bệnh lý TTL bệnh nhân đang mắc, các thủ thuật chẩn đoán trước đó và các điều trị bệnh lý TTL hiện có.
3. Giá trị của PSA trong tiên đoán ung thư tuyến tiền liệt
        Người ta thấy rằng:
        - PSA > 10 ng/ml giá trị tiên lượng đúng ung thư TTL là 80%
        - PSA > 20 ng/ml giá trị tiên lượng đúng ung thư TTL là 90%
        Do vậy đối với những người có chỉ số PSA> 10 ng/ml chúng ta cần sinh thiết TTL để xác minh chẩn đoán. Đối với những bệnh nhân có chỉ số PSA từ 4-10 ng/ml thì có nên làm sinh thiết TTL hay không? để giải quyết vấn đề trên có 3 biện pháp để giúp ích đó là:
        a. Đo tỷ lệ PSA tự do / toàn phần (% f PSA): giá trị để ứng dụng lâm sàng cũng khác nhau ở một số tác giả và nó thay đổi từ 15% - 25%. kết quả dưới giá trị này nên nghĩ đến ung thư và làm sinh thiết TTL.
        b. Đo tốc độ tăng của PSA ( PSA velocity): nếu sau mỗi năm PSA tăng đều trên 0,75 ng/ml, nên nghĩ đến ung thư và làm sinh thiết TTL.
        c. Đo mật độ PSA ( PSA density): là tỷ số PSA huyết tương chia cho khối lượng TTL được xác định bằng siêu âm TTL qua ngả trực tràng. Mât độ PSA càng lớn thì khả năng ung thư TTL càng có ý nghĩa về mặt lâm sàng. Trị số bình thường là 0,15 ng/gam bướu
        PSA còn giúp tiên lượng mức độ tiến triển của ung thư
- PSA < 10 ng/ml:  ung thư còn khu trú trong TTL
- PSA > 30 ng/ml: 80% ung thư ở giai đoạn T3
- PSA > 50 ng/ml: 80% ung thư đã lan tới bọng tinh
- PSA > 100 ng/ml: 100% có di căn xa
4. Giá trị của PSA trong theo dõi sau điều trị
        - Sau phẫu thuật cắt bỏ TTL toàn phần, PSA phải không được tìm thấy hay thấp hơn 0,05 ng/ml sau 21 ngày. Nếu PSA xuất hiện trở lại là có dấu hiệu bướu tái phát.
        - Sau điều trị nội tiết tố, nếu PSA trở lại bình thường sau 3 tháng đó là dấu hiệu rất tốt. Khả năng sống trên 42 tháng.
        - Sau điều trị tia xạ, PSA phải xuống dần đến mức rất thấp < 1 ng/ml (PSA giảm 50% sau 6 tháng và điểm thấp nhất là sau 14-16 tháng)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Getzenberg R.H. , Partin A.W.(2012), "Prostate Cancer Tumor Markers", Campbell-Walsh Urology. – 10th ed, pp: 2748-62.
2.Hội tiết niệu- Thận học Việt Nam (2018), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư tiền liệt tuyến, NXB Y học, Hà Nội.
3. Nguyễn Đạo Thuấn (2017), "Ung thư tuyến tiền liệt", Bài giảng SĐH, Đại học Y-Dược TP HCM.

Tác giả bài viết: Ts.Bs. Phan Khánh Việt – Khoa Ngoại Tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây