tin tuc

Thoái hóa khớp

Thứ ba - 14/06/2022 03:18
Thoái hóa khớp là bệnh khớp phổ biến nhất, thường xảy ra ở độ tuổi từ 40 và 50 trở lên và gần như toàn bộ ở tuổi 80 nhưng chỉ có một nửa số bệnh nhân thoái hóa khớp là có triệu chứng. Dưới 40 tuổi, hầu hết thoái hóa khớp lớn xảy ra ở nam giới và thường là kết quả của chấn thương hoặc biến đổi giải phẫu (ví dụ, loạn sản xương hông). Từ 40 đến 70 tuổi, thoái hóa khớp hay gặp ở phụ nữ, còn trên 70 tuổi, tỷ lệ thoái hóa khớp ở nam và nữ là như nhau.Vậy thoái hóa khớp là gì?
I. Định nghĩa
        Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn khớp kèm theo phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch khớp do quá trình tái tạo sụn không đủ bù đắp cho lớp sụn ở khớp bị hao mòn. Theo thời gian, lớp sụn khớp phủ trên bề mặt xương sẽ dần bị mỏng và hư tổn, gây đau nhức và hạn chế vận động, thậm chí có thể bị tàn phế.
     Sự mất cân bằng này có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố như di truyền, tổn thương tại vị trí khớp hoặc quá trình lão hóa theo thời gian. 
II. Triệu chứng và dấu hiệu
    Thoái hoá khớp thường bắt đầu từ từ, thường bắt đầu với một hoặc vài khớp. Đau là triệu chứng sớm nhất của thoái hoá khớp, đôi khi được mô tả là đau sâu. Đau thường tăng lên ở những tư thế chịu trọng lực và giảm khi nghỉ ngơi nhưng cuối cùng có thể đau liên tục. Cứng khớp sau khi ngủ dậy hoặc không hoạt động nhưng kéo dài < 30 phút và giảm đi khi vận động. Khi thoái hoá khớp tiến triển, vận động khớp sẽ trở nên hạn chế, xuất hiện đau và cảm giác lục khục, lạo xạo. Sự tăng sinh của sụn, xương, dây chằng, gân, bao khớp, và màng hoạt dịch, cùng với tràn dịch khớp với các mức độ khác nhau, cuối cùng sẽ gây ra tình trạng sưng khớp trong thoái hoá khớp. Có thể xuất hiện co cứng ở tư thế gấp ở giai đoạn muộn. Viêm màng hoạt dịch cấp và nặng là không phổ biến.
     Đau khi sờ và đau khi vận động thụ động là những dấu hiệu tương đối muộn. Co cứng cơ và co rút làm đau tăng. Chèn ép cơ học bởi dị vật nội khớp hoặc mảnh sụn chêm bất thường vị trí có thể gây kẹt khớp. Sự biến dạng và các lỏng lẻo cũng có thể xuất hiện.
    Các khớp thường bị ảnh hưởng nhiều nhất trong thoái hóa khớp toàn thể bao gồm:
  • Khớp liên đốt xa (DIP) và khớp liên đốt gần (PIP) (gây ra các hạt Heberden và Bouchard)
  • Khớp bàn ngón tay cái
  • Đĩa đệm và khớp liên mấu trong thoái hóa cột sống cổ và thắt lưng
  • Khớp bàn ngón chân cái
  • Khớp háng
  • Khớp gối
III.Chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp
    Chẩn đoán thoái hóa khớp ngoài việc thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số các xét nghiệm cận lâm sàng sau:
  • X-Quang: X-Quang là kỹ thuật chẩn đoán quan trọng đối với các bệnh lý xương khớp. Qua hình ảnh từ kỹ thuật này, bác sĩ có thể xác định được tổn thương ở mô sụn và giai đoạn phát triển của bệnh.
  • Siêu âm khớp: Siêu âm khớp giúp phát hiện một số biểu hiện của thoái hóa khớp như tràn dịch khớp, hình thành gai xương và hẹp khe khớp. Ngoài ra, kỹ thuật này còn giúp đo độ dày của sụn khớp, phát hiện các mảnh sụn khớp thoái hóa bong vào ổ khớp và hiện tượng viêm màng hoạt dịch.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI giúp bác sĩ quan sát khớp một cách đầy đủ và phát hiện được tổn thương ở mô sụn, màng hoạt dịch, dây chằng, …
  • Nội soi khớp: Nội soi khớp giúp bác sĩ quan sát trực tiếp tổn thương sụn do thoái hóa khớp gây ra. Ngoài ra khi nội soi, bác sĩ có thể sinh thiết màng hoạt dịch để chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý có triệu chứng tương tự.
  • Xét nghiệm khác: Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu, sinh hoạt và dịch khớp để loại trừ một số khả năng khác.
     Thoái hóa khớp được xác định khi có các tiêu chuẩn sau:
  • Tuổi trên 38
  • Cứng khớp dưới 30 phút
  • Dịch khớp được xác định là dịch thoái hóa
  • Có gai xương mọc trên rìa khớp
  • Tràn dịch khớp
  • Khớp biến dạng
    Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý sau:
  • Viêm khớp vảy nến
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Viêm khớp lupus
  • Bệnh gout
IV. Điều trị
4.1. Nguyên tắc chung
      Không có thuốc điều trị khỏi được thoái hóa, chỉ có thể điều trị triệu chứng, làm chậm quá trình thoái hóa, phục hồi chức năng khớp và phòng bệnh bằng cách ngăn ngừa, hạn chế các tác động cơ học quá mức lên khớp và cột sống. Làm giảm triệu chứng đau. Mục tiêu điều trị:

+ Duy trì, hoặc làm phục hồi chức năng của các khớp.

+ Hạn chế tối đa khuyết tật.

+ Tránh các tác dụng độc do dùng thuốc.

4.2. Điều trị bảo tồn

4.2.1. Thuốc chống viêm giảm đau

  -  Thuốc chống viêm không steroid

  -  Các thuốc giảm đau

   - Corticoid

      Các biện pháp dùng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid có hiệu quả nhanh chóng nhưng do tác động toàn thân hay gây nhiều biến chứng như viêm loét dạ dày hành tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, tổn thương gan, thận… trong đó có biến chứng nặng có thể gây tử vong. Tiêm corticoid tại khớp gối có tác dụng cải thiện triệu chứng nhanh chóng nhưng dùng kéo dài có thể gây tổn thương thoái hóa sụn khớp hoặc gây biến chứng tại chỗ như phản ứng viêm khớp do tinh thể thuốc, nhiễm khuẩn khớp. Nhìn chung các biện pháp trên chủ yếu điều trị triệu chứng bệnh chứ chưa làm ngừng quá trình phát triển bệnh và có nhiều tác dụng phụ.
4.2.2 Thuốc chống thoái hóa khớp (tác dụng chậm)
Thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm (SySADOA: Symptom-SlowActing Drugs for Osteoarthritis) thường tác dụng sau khi dùng ít nhất một tháng và duy trì sau ngưng thuốc 2-3 tháng. Liều trình dùng thuốc nên kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm nếu muốn bảo tồn sụn khớp. Một số loại thuốc này như sau:

- Glucosamin sulfat: liều 1-1,5g/ngày.

- Chondroitin sulfat: chế phẩm viên nang 450mg hoặc gói 250mg, uống 1g/ngày.

 - Thuốc có tác dụng ức chế enzyme tiêu sụn như metalloprotease. Jex max peptan: uống 2 viên/ngày, trong 3 - 6 tháng.

4.2.3. Tiêm acid hyaluronic vào nội khớp

Tiêm dịch nhờn ( acid hyaluronic) cho khớp cũng là một cách điều trị thoái hóa khớp khá hiệu quả. Chất nhờn được sử dụng như Acid hyaluronic hoặc dẫn xuất của chất này đã được ứng dụng khá rộng rãi vì tính an toàn, ít tác dụng phụ và hiệu quả lâu dài.
     Thông thường trong khớp gối có chứa khoảng 2ml dịch khớp. Chất Acid hyaluronic là một yếu tố có ở trong thành phần dịch khớp, hàm lượng từ 2,5 - 4,0mg/ml. Chất này có tác dụng bôi trơn mô mềm và phủ trên bề mặt của sụn khớp và được tổng hợp bởi tế bào sụn. Acid hyaluronic có vai trò làm giảm xóc và bảo vệ khớp, có tính đàn hồi nếu lực tác động lớn, còn nếu lực tác động nhẹ thì nó có vai trò như là dầu bôi trơn. Với những ai bị thoái hóa khớp thì hàm lượng và chất lượng của Acid hyaluronic bị giảm.
     Với phương pháp tiêm dịch nhờn cho khớp sẽ giúp cho khớp tăng tính đàn hồi, hoạt động trơn tru hơn mà lại ít có tác dụng phụ. 
Hình ảnh tiêm Nội khớp bằng HA trong điều trị thoái hóa khớp gối tại Khoa Nội tổng hợp
Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng trị

4.2.4. Tiêm Huyết tương giàu tiểu cầu tự thân vào khớp

   Huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP: Platelet Rich Plasma) là huyết tương có nồng độ tiểu cầu cao gấp nhiều lần so với huyết tương trong máu bình thường được tách chiết từ máu của chính bệnh nhân. Cần một nồng độ lớn tiểu cầu trong liệu pháp PRP vì khi tiểu cầu được hoạt hóa sẽ dẫn đến quá trình ly giải các hạt α chứa bên trong tiểu cầu, từ đó giải phóng ra nhiều loại protein là các cytokine chống viêm và hàng chục các yếu tố tăng trưởng (growth factor) có vai trò quan trọng đối với quá trình làm lành vết thương. Các protein trên sẽ gắn vào các thụ thể (receptor) của các tế bào đích tương ứng như tế bào nguồn gốc trung mô, nguyên bào xương, nguyên bào sợi, tế bào biểu mô, tế bào nội mô… Sự gắn kết này sẽ hoạt hóa một loại protein dẫn truyền tín hiệu nội bào để truyền thông tin tới gen đặc hiệu tương ứng, kết quả là tạo nên sự tăng sinh tế bào, hình thành chất căn bản, các sản phẩm dạng xương, sụn, tổng hợp collagen… tham gia vào quá trình sửa chữa, tái tạo tổ chức tổn thương sụn, xương, phần mềm… Liệu pháp PRP tự thân được sử dụng để điều trị bệnh thoái hóa khớp gối, chấn thương thể thao, viêm gân và các điểm bám tận, kích thích lành vết thương phần mềm cũng như làm nhanh liền xương sau phẫu thuật.

4.2.5. Điều trị bằng cấy ghép tế bào gốc

     Tế bào gốc được tách ra từ mô mỡ của chính người bệnh, được bơm vào khoang khớp là phương pháp điều trị mới, hiệu quả và an toàn. Các tế bào gốc khi được tiêm vào khớp sẽ biệt hóa thành tế bào sụn, phục hồi lại sụn khớp bị tổn thương. Đây là phương pháp mới cần có nhiều nghiên cứu thêm nữa.

 4.2.6. Điều trị không dùng thuốc

- Thay đổi lối sống, xây dựng chế độ sinh hoạt tập luyện hợp lý, giảm cân khi thừa cân.
- Sử dụng các biện pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
- Sử dụng các biện pháp Y học cổ truyền.

4.3. Điều trị ngoại khoa

   Các biện pháp điều trị ngoại khoa được chỉ định khi điều trị nội khoa không còn tác dụng, người bệnh bị hạn chế vận động nặng, khe khớp hẹp nặng, khớp bị biến dạng gây ra khuyết tật trung bình và nặng thì điều trị ngoại khoa sẽ được cân nhắc. Tùy vào tình trạng của người bệnh để chọn các biện pháp ngoại khoa khác nhau như: nội soi khớp, đục xương chỉnh trục hoặc thay một phần hoặc toàn bộ khớp gối.

   Hiện tại, khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị đang tiến hành phương pháp điều trị thuốc uống nội khoa, kết hợp tiêm nội khớp HA cho bệnh nhân thoái hóa khớp, kết quả mang lại cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực, khi tình trạng đau nhức khớp giảm nhanh chống, bệnh nhân vận động khớp dễ dàng hơn, giảm tình trạng thoái hóa khớp. Trong thời gian sắp tới, khoa Nội tổng hợp sẽ tiến hành phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vào nội khớp cho bệnh nhân thoái hóa khớp, giúp bệnh nhân điều trị thoái hóa khớp được tiếp cận gần hơn với phương pháp điều trị mới của thế giới, để quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt nhất, giảm thiểu tác dụng phụ do dùng thuốc.
 

Tác giả bài viết: Bs Lê Thị Thắm - Khoa Nội Tổng Hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây