khoa hoc

Nghiên cứu biến đổi đầu thị thần kinh ở bệnh nhân glocom nguyên phát

Chủ nhiệm BSCKII. Nguyễn Vũ Long Thành viên CNĐD. Đinh Thị Minh Tâm, ĐD. Nguyễn Thị Thắm
Số N/A Năm 2019
Cấp độ Đề tài cấp cơ sở Lĩnh vực Y khoa
  2. Tóm tắt đề tài:
2.1. Đặt vấn đề
- Bệnh glôcôm là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà không hồi phục và là căn bệnh phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo ColemanAL (1999) có khoảng 66,8 triệu người trên toàn thế giới bị bệnh glôcôm, trong đó có 6,7 triệu người bị mù cả hai mắt. Khoảng 10% người mù trên thế giới là do glôcôm. Theo số liệu điều tra của Viện Mắt năm 1996 tại 13 tỉnh phía bắc Việt Nam số người mù do glôcôm chiếm 6,3% tổng số người mù, đứng thứ hai sau bệnh lí đục thể thuỷ tinh. Chính vì vậy việc phát hiện, theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm glôcôm góp phần rất quan trọng trong công tác phòng chống mù loà, bảo tồn chức năng thị giác cho người bệnh, tránh những di chứng nặng nề do glôcôm gây ra.
- Theo kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả tổn hại thần kinh thị giác  xuất hiện trước tổn thương thị trường. Nghiên cứu của Quigley HA và cộng sự (1982) cho thấy sợi thần kinh có thể bị mất tới 40% trong khi thị trường và nhãn áp bình thường. Việc phát hiện sớm glôcôm, đặc biệt glôcôm góc mở và glôcôm góc đóng mạn tính, gặp rất nhiều khó khăn do ở  giai đoạn đầu các triệu chứng chủ quan rất nghèo nàn, thị lực không giảm hoặc giảm rất ít, nhãn áp dao động , tăng từ từ hoặc thành cơn, sau đó lại trở về mức bình thường, thầy thuốc không phát hiện được ngay cả khi làm thử nghiệm tăng nhãn áp. Bệnh tiến triển từ từ đến khi nhãn áp cao thường xuyên, gây tổn hại thị trường, giảm thị lực thì tổn thương thần kinh thị giác không hồi phục đã rất trầm trọng. Do đó đánh giá chính xác tổn thương sớm đầu dây  thần kinh thị giác đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán, phát hiện sớm  glôcôm.
- Để đánh giá tổn thương đầu dây thần kinh thị giác các nhà nhãn khoa đã sử dụng các phương pháp khác nhau, ngày càng hiện đại, với độ chính xác ngày càng cao. Sự ra đời của máy chụp cắt lớp võng mạc (OCT) những năm  90 của thế 20 với những tính năng ưu việt của máy như: đo độ dày lớp sợi thần kinh, đánh giá chính xác tình trạng đĩa thị giác (tỉ số lõm/đĩa, viền thần kinh, thể tích lõm đĩa), nhiều bệnh lí đáy mắt trong đó có những tổn thương thần kinh thị giác của bệnh glôcôm đã được phát hiện sớm. Ở Việt Nam, từ trước đến nay việc đánh giá tổn thương đĩa thị giác chủ yếu vẫn dựa vào phương pháp dùng máy soi đáy mắt. Những đánh giá đó mang tính ước lượng và dựa vào kinh nghiệm của người thầy thuốc. Từ năm 2018 máy OCT đã được đưa vào sử dụng ở khoa Mắt BVĐK tỉnh Quảng trị và là công cụ hữu hiệu để đánh giá chi tiết về mối liên quan giữa lõm đĩa thị giác, viền thần kinh, độ dày lớp sợi thần kinh và bệnh glôcôm. Chính vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “ Đánh giá tổn thương đầu dây thần kinh thị giác trên bệnh nhân glôcôm nguyên phát” Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu Nghiên cứu những biến đổi của đầu dây thần kinh thị giác trong bệnh glôcôm nguyên phát bằng phương pháp chụp cắt lớp võng mạc. Xác định mối liên quan giữa tổn thương đầu dây thần kinh thị giác với  các giai đoạn bệnh glôcôm. Từ tháng 2/2019 đến tháng 11/2019 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây