khoa hoc

Lo âu, trầm cảm và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị

Chủ nhiệm Ths. Hồ Thị Mỹ Châu Thành viên Ths. BsCKII. Nguyễn Thị Luyến, CN. Trần Thị Vân, CN. Trần Thị Thúy Mỹ
Số N/A Năm 2019
Cấp độ Đề tài cấp cơ sở Lĩnh vực Y khoa
2. Tóm tắt đề tài:
2.1. Đặt vấn đề
Suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của các bệnh thận, tiết niệu mạn tính, làm chức năng thận giảm sút dần dần tương ứng với số lượng nephron của thận bị tổn thương dẫn đến xơ hóa và mất chức năng không hồi phục. Biểu hiện lâm sàng là mức lọc cầu thận giảm dần không hồi phục, tăng nitơ phi protein máu, rối loạn cân bằng nội môi, rối loạn các chức năng nội tiết của thận. Các triệu chứng trên nặng dần tương ứng với giảm mức lọc cầu thận, cuối cùng dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, lúc này hai thận mất chức năng hoàn toàn, đòi hỏi phải điều trị thay thế thận. Quá trình tiến triển từ suy thận mạn đến suy thận giai đoạn cuối trung bình là 10 năm. Quá trình này có thể nhanh hay kéo dài còn tùy thuộc vào nguyên nhân suy thận cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến chức năng thận
Những bệnh nhân cần điều trị thay thế trên đều có nhu cầu lựa chọn phương pháp điều trị thay thế thận khác nhau phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình. Hiện tại, lọc máu chu kỳ (LMCK) có xu thế được lựa chọn và cũng là phương pháp phổ biến. Tại Mỹ, những bệnh nhân mới bắt đầu điều trị, 91% bệnh nhân được điều trị bằng LMCK. Tại Việt Nam, hiện chưa có thống kê chính thức nào được công bố, nhưng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, hiện có khoảng 110 bệnh nhân đang điều trị LMCK tại Khoa Nội thận tiết niệu -Thận nhân tạo.
Đối với những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đang điều trị lọc máu thay thế chức năng thận (lọc máu chu kỳ), chất lượng cuộc sống đang được quan tâm hàng đầu đối với hệ thống y tế nhằm đảm bảo bệnh nhân có cuộc sống gần như người bình thường trong xã hội. Bên cạnh những khó khăn về mặt y học: kiểm soát huyết áp, kiểm soát cân nặng, chế độ dinh dưỡng hợp lý,…bệnh nhân còn đối diện một loạt những thách thức từ xã hội: việc làm, thay đổi lịch sinh hoạt, phải đến bệnh viện 3 lần/tuần… cũng gây ra những trạng thái tâm lý lo lắng, bồn chồn, thậm chí là tâm lý tiêu cực và chính điều này đã tác động hay giảm mạnh chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ tử vong ở người bệnh LMCK.
Trong khi chúng ta từng bước nâng cao chất lượng điều trị về y học, cả về trang thiết bị cũng như kiến thức mới về bệnh tật thì việc chăm sóc sức khỏe tâm thần là hết sức cần thiết, bù đắp lại những lỗ hổng mà y học hiện đại vẫn chưa thể vượt qua - phục hồi toàn bộ chức năng nội và ngoại tiết thận. Khi tiếp cận đến chăm sóc sức khoẻ tâm thần của người bệnh thì việc phát hiện những vấn đề tâm lý mà họ đang gặp phải cũng như phát hiện được những yếu tố tác động đến tâm lý người bệnh đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi thực hiện đề tài: “Lo âu, trầm cảm và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị” với 2 mục tiêu sau:
1. Mô tả tình trạng lo âu, trầm cảm của bệnh nhân lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị.
2. Mô tả một số yếu tố liên quan đến tình trạng lo âu, trầm cảm của bệnh nhân lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây